Ngày 19.1.2011, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BNV hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. Có thể nói, sự ra đời của Thông tư này cùng với Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 6.5.2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính đã tạo cơ sở pháp lý và thuận lợi cho các ngành, địa phương trong công tác xây dựng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản hành chính.
Sau khi được ban hành, Thông tư 01/2011/TT-BNV đã được các ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Đối với HĐND các cấp, Thông tư quy định loại hình văn bản nghị quyết cá biệt của Thường trực HĐND. Có thể nói đây là loại hình văn bản mà từ trước đến nay hầu như Thường trực HĐND các cấp chưa ban hành, chính vì vậy làm nảy sinh nhiều băn khoăn, vướng mắc cho những người công tác trong hệ thống HĐND cũng như các Văn phòng giúp việc. Có hai quan điểm xoay quanh việc thực hiện quy định này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Thường trực HĐND ban hành nghị quyết là không thực sự cần thiết. Nếu tồn tại song song hai hệ thống nghị quyết sẽ rối cho cơ quan chấp hành, bởi lẽ trong hệ thống hành chính địa phương đã quá quen thuộc với nghị quyết của HĐND. Nay Thường trực HĐND ban hành nghị quyết thì việc ban hành đó không thể giản đơn như việc cho ý kiến điều hành các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp mà phải trải qua một trình tự nhất định nào đó. Nếu như trình tự này đơn giản thì sẽ không có tác động gì lớn, nhưng nếu trình tự này phức tạp thì việc xử lý các vấn đề phát sinh của địa phương có tính chất cấp bách chắc chắn sẽ bị chậm lại, ảnh hưởng đến công tác điều hành của UBND. Mặt khác, trên thực tế việc Thường trực HĐND ban hành các quyết định hoặc các văn bản cho ý kiến thống nhất, chấp thuận đối với UBND và các cơ quan chuyên môn cũng không gặp khó khăn, vướng mắc gì. Do vậy đối với những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, quan điểm này cho rằng chỉ cần Thường trực HĐND cho ý kiến bằng văn bản hành chính thông thường và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất là kịp thời, đầy đủ và phù hợp.
Quan điểm thứ hai đồng tình với việc Thường trực HĐND cần ban hành nghị quyết, vì như vậy là thể hiện giá trị pháp lý cao hơn của văn bản, thể hiện vị thế của Thường trực HĐND với vai trò đại diện cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương giữa hai kỳ họp; đồng thời cũng là việc thực hiện chủ trương chung về hiện đại hóa nền hành chính. Trên thực tế có những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp là vấn đề lớn, quan trọng của địa phương cả về chủ trương, biện pháp thực hiện, quyết định về các giải pháp tài chính, xây dựng cơ bản… nhưng nếu chỉ là những văn bản hành chính dạng công văn thì sẽ không xứng tầm giữa hình thức văn bản và nội dung văn bản điều chỉnh. Mặt khác, nếu như xem xét về tính thống nhất trong công tác ban hành văn bản thì Quốc hội ban hành nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nghị quyết. Do đó HĐND và Thường trực HĐND cùng ban hành nghị quyết là thống nhất và phù hợp.
Nhưng người theo quan điểm này cũng băn khoăn: vậy những vấn đề gì sẽ được Thường trực HĐND quyết nghị bằng hình thức văn bản là nghị quyết hay quyết theo cảm tính về mức độ quan trọng nhiều hay ít của vấn đề. Và liệu rằng sẽ có hay không tình trạng lạm dụng việc ban hành nghị quyết của Thường trực HĐND. Trình tự, thủ tục ban hành như thế nào để quy trình UBND trình Thường trực HĐND cho ý kiến trước khi quyết nghị phải được thực hiện chặt chẽ, phải qua một trình tự nhất định, tránh tình trạng làm quan trọng hóa các vấn đề hay “vỏ mới, ruột cũ”, đồng thời cũng phải bảo đảm tính kịp thời cho cơ quan chấp hành khi xử lý những vấn đề cấp bách. Chính từ những băn khoăn này nên việc Thường trực HĐND ban hành nghị quyết đến thời điểm hiện nay hầu như vẫn còn dậm chân tại chỗ.
Người viết bài này đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi những phân tích về sự phù hợp cũng như những thuận lợi khi Thường trực HĐND ban hành nghị quyết như đã nêu ở trên. Trên thực tế khi tiếp nhận một vấn đề mới không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng nhưng nếu có sự hướng dẫn rõ ràng, cụ thể thì việc triển khai thực hiện sẽ thuận lợi và hiệu quả. Vì vậy, để giúp Thường trực HĐND các cấp ban hành nghị quyết thì Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn thêm để việc triển khai thực hiện ở HĐND các địa phương, các cấp, bảo đảm sự thống nhất và hiệu quả.
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)
- Can Lộc cần phối hợp với các đơn vị mỏ đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ( 08/11)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Kỳ Anh ( 01/11)
- Thạch Hà : Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ( 31/10)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Hương Sơn ( 25/10)
- Huyện Nghi Xuân chủ động đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản ( 24/10)