Vai trò của HĐND trong phòng, chống tham nhũng
EmailPrintAa
10:35 17/06/2013

Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, khoản 7, điều 11, mục 1, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND: “Quyết định các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng...” và điều 53 quy định: “Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện có nhiệm vụ quyền hạn sau đây... Tiếp dân, đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân... Như vậy, HĐND có vị trí pháp lý đặc biệt quan trọng trong công tác phát hiện, phòng ngừa tham nhũng.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều vụ việc tham nhũng lớn và phức tạp đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền.

Nghị quyết lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã được ban hành. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia với cộng đồng quốc tế vào nỗ lực chung về chống tham nhũng. Việc thực hiện những chủ trương, chính sách, giải pháp nêu trên đã mang lại nhiều kết quả bước đầu quan trọng, được dư luận quần chúng đồng tình, bạn bè quốc tế ủng hộ.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đã đạt được, công cuộc xây dựng đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng. Tình trạng tham nhũng một số nơi diễn biến phức tạp, thể hiện qua các hành vi nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, số lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát và số đối tượng vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, gây bức xúc đối với nhân dân. Tham nhũng trở thành vật cản lớn cho thành công của công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên do hệ thống chính sách, pháp luật chưa đồng bộ; việc kiện toàn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chưa theo kịp sự phát triển của đời sống KT-XH; việc phát huy vai trò của xã hội trong phòng ngừa tham nhũng một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, hiểu biết của cán bộ công chức và tầng lớp nhân dân về hậu quả tham nhũng và đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng chưa sâu; trách nhiệm của cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa cao.

Trong những năm tới, cùng với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhiều cơ chế quản lý của Nhà nước sẽ chuyển đổi làm nảy sinh những điều kiện mới cho tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Mặt khác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng tạo cơ hội phát sinh những vụ việc tham nhũng với phạm vi rộng hơn, khó phát hiện và xử lý hơn do có sự tham gia của các cá nhân và tổ chức nước ngoài.

Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, ngày 12.5.2009 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; xác định mục tiêu căn bản, lâu dài cũng như mục tiêu cụ thể của công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; đề ra các giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X), Luật phòng, chống tham nhũng. Mục tiêu chung là: “Ngăn chặn từng bước, đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, khoản 7, điều 11, mục 1, Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND: “Quyết định các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng...” và điều 53 quy định: Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ quyền hạn sau đây... “Tiếp dân, đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân...”.

Như vậy, HĐND có vị trí pháp lý đặc biệt quan trọng trong công tác phát hiện, phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, HĐND các cấp thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa rõ ràng, việc phát hiện tham nhũng qua phản ánh của cử tri và hoạt động giám sát của HĐND chưa hiệu quả, các kiến nghị qua giám sát chưa sâu, thậm chí còn chung chung. Giám sát trực tiếp của HĐND cũng chỉ mới dừng lại ở mức nghe báo cáo kết quả thẩm tra xác minh vụ việc nên nhiều nội dung chưa phản ánh hết được. Một số kiến nghị của HĐND qua các đợt giám sát, thẩm tra chưa được UBND và các ngành tiếp thu để thực hiện nghiêm túc. Mặt khác, đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên thiếu chuyên sâu, theo dõi không có hệ thống, thời gian đầu tư cho giám sát không nhiều nên việc phát hiện những sai phạm còn hạn chế. Việc bố trí cán bộ tiếp dân của HĐND ở một số nơi chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, từ việc nghe công dân trình bày, phản ánh nội dung khiếu nại, tố cáo, giải thích các chủ trương chính sách, đối thoại trực tiếp đến nhận đơn, chuyển đơn, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hiệu quả chưa cao. Thậm chí có những cơ quan nhận đơn, giải quyết đơn như thế nào cũng không phúc đáp cho Thường trực HĐND biết.

Để thực hiện tốt vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương trong công tác phòng chống tham nhũng, đòi hỏi việc tổ chức tiếp dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của HĐND các cấp cần tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, Thường trực, các ban HĐND cần xác định những lĩnh vực cần tập trung tiếp dân, giám sát để xây dựng nghị quyết giám sát hàng năm của HĐND, nhất là công tác quản lý về đất đai, quy hoạch, xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế, áp giá đền bù, giải tỏa một số công trình còn nhiều vấn đề phát sinh; việc khiếu nại, tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp; công tác bổ nhiệm, điều động cán bộ; cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hiện các chính sách xã hội...

Thứ hai, Thường trực HĐND phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ tỉnh và các ban HĐND trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, tăng cường năng lực về mọi mặt cho Thường trực HĐND, đối với các ban HĐND cần cơ cấu Trưởng, Phó ban hoạt động chuyên trách, sắp xếp lại các phòng ban tham mưu, giúp việc phục vụ cho Thường trực và các ban HĐND; đồng thời bổ sung đội ngũ cán bộ, chuyên viên có đủ trình độ, năng lực để tham mưu giúp việc có hiệu quả trong công tác tiếp dân, giám sát giải quyết các khiếu nại tố cáo của công dân, nhất là đối với lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.


    Ý kiến bạn đọc