|
Trong những năm qua, HĐND tỉnh Hà Tĩnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động, thực hiện tốt chức năng giám sát, phát hiện và kiến nghị khắc phục những bất cập, vướng mắc trong việc thực thi chính sách pháp luật của chính quyền các cấp, qua đó ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị tại địa phương. Vai trò của HĐND trong giám sát thực thi pháp luật tại địa phương được thể hiện chủ yếu ở các nội dung sau:
Thứ nhất, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh trong thời gian giữa hai kỳ họp.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND đã tổ chức 18 cuộc giám sát chuyên đề và nhiều cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên việc thực hiện các chính sách pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua giám sát, khảo sát đã có 35 kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương những nội dung liên quan đến hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh các chính sách pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn; 323 kiến nghị UBND tỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước và việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật ở địa phương; qua theo dõi, giám sát của các Ban HĐND tỉnh cho thấy hầu hết các kiến nghị đã được UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm, tiếp thu và chỉ đạo thực hiện (262/323 kiến nghị được UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý dứt điểm, chiếm 81%, còn 61 kiến nghị đang trong quá trình xử lý, chiếm 18%).
Qua hoạt động giám sát, HĐND tỉnh đã đánh giá đúng những ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả, trách nhiệm trong việc giải quyết và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành một số Nghị quyết thông qua kết quả giám sát. Riêng trong năm 2019, HĐND tỉnh đã triển khai một số cuộc giám sát chuyên đề mang lại tác động tích cực như: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản; công tác cải cách hành chính; công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức và viên chức. Thực hiện kiến nghị của HĐND tỉnh trong các cuộc giám sát, UBND tỉnh đã kịp thời trình HĐND ban hành các chính sách liên quan đến công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, bộ tiêu chí nông thôn mới. Tổ chức rà soát, thu hồi các dự án sử dụng đất không đúng mục đích, chậm tiến độ; ban hành chính về môi trường giai đoạn 2018-2020; đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản; rà soát để bổ sung, điều chỉnh quy mô các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với quy hoạch khoáng sản...; đề ra các giải pháp về cải cách hành chính trên cả 6 lĩnh vực, trong đó tập trung vào cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo giải pháp dứt điểm số hợp đồng nhân viên kế toán, y tế trường học mà trước đây tỉnh cho chủ trương; xử lý vấn đề thừa - thiếu giáo viên tại các địa phương; tổ chức thành công kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo thẩm quyền tại tỉnh…
Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã tổ chức giám sát công tác xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp, kiến nghị khắc phục một số sai sót trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật như việc án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, vấn đề tuyên án không rõ, khó thi hành, tập trung giải quyết, xét xử các vụ việc còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài… góp phần tạo sự chuyển biến tích cực đối với hoạt động tư pháp trên địa bàn.
Phó Chủ tich HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền trình bày tham luận về v ai trò của HĐND tỉnh trong giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương
|
Thứ hai, hoạt động chất vấn tại kỳ họp và giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh tổ chức 08 phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 146 lượt đại biểu HĐND tỉnh chất vấn và 45 lượt Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan trả lời chất vấn. Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 05 phiên giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND theo quy định của Luật. Tại các kỳ họp và phiên họp, việc chất vấn của các đại biểu được thực hiện theo các lĩnh vực, nhóm vấn đề quan trọng, bức xúc, nổi cộm. Các phiên chất vấn, giải trình được tổ chức nghiêm túc với không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn, đồng thời nâng cao năng lực của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Tiếp thu ý kiến chất vấn của đại biểu và kết luận phiên chất vấn của Chủ tịch HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn thực hiện như chính sách hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử phục vụ tiêu thụ sản phẩm các mô hình chăn nuôi liên kết; cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; hướng dẫn việc giải thể đối với các hợp tác xã yếu kém, hoạt động hình thức; chính sách thu hút nhân tài. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra xử lý 24 tổ chức được giao đất, cho thuê đất vi phạm pháp luật; kiểm tra, cấp phép hoạt động của các nhà hàng nổi trên các tuyến sông; xử lý các hành vi đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ. Quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện một số công trình theo kiến nghị của cử tri và đại biểu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển đến UBND tỉnh 1.125 kiến nghị của cử tri về các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn; quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ bản; văn hóa xã hội; chế độ chính sách; môi trường và các vấn đề khác. Các kiến nghị đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ chuyên môn trả lời đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của đại phương. Những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực đã có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình giải quyết. Đến nay, đã giải quyết được 805/1.125 ý kiến, đạt 71,6%; số còn lại đang trong quá trình xem xét giải quyết.
Đặc biệt, một số vấn đề tồn đọng từ lâu, cử tri kiến nghị nhiều lần như: Cấp đất sai quy định tại khu vực Nam cầu Bến Thủy, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (tồn đọng từ năm 1993); khai thác mỏ đá núi Nam Giới; việc sử dụng đất của một số nhà máy gạch Tuynen; việc xử lý ô nhiễm môi trường... HĐND tỉnh đã giao các Ban giám sát việc xử lý cụ thể, được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết.
Có thể khẳng định, việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh tạo ra sự thống nhất cao trong áp dụng pháp luật ở địa phương và ban hành các chính sách tổ chức thực hiện; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; đảm bảo HĐND thật sự là cơ quan quyền lực địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và cử tri, nâng cao vai trò của HĐND tỉnh trong đảm bảo thực thi pháp luật tại địa phương.
Tuy nhiên trong thực tiễn, vai trò cũng như kết quả giám sát của HĐND tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong đó, chưa kịp thời tổ chức giám sát một số lĩnh vực, do đó, trong thực tiễn thực thi chính sách pháp luật ở địa phương vẫn còn để xảy ra một số vi phạm, hạn chế như: Một số dự án đầu tư chậm tiến độ, không hiệu quả; tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, lâm sản, chưa được xử lý nghiêm minh, triệt để; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm trái phép rừng, đất rừng; công tác quản lý, kiểm soát về môi trường, an toàn thực phẩm cho người dân còn nhiều hạn chế; tình trang sai phạm trong quản lý kinh tế xảy ra ở một số địa phương, ngành, lĩnh vực nhưng số vụ việc được phát hiện, xử lý còn ít; hoạt động xét xử một số vụ án chưa thuyết phục, còn để đơn thư và dư luận thiếu đồng tình; số vụ việc khiếu nại, kiến nghị của công dân chưa được xử lý dứt điểm còn nhiều... Đấy cũng chính là những vấn đề mà HĐND tỉnh phải có trách nhiệm giám sát để cùng với các cơ quan, địa phương khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới.
Từ thực tiễn trên, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương như sau:
Xác định và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm và đề cao tính chủ động của Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban, đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát.
Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhất là đối với những nội dung giám sát có tính nhạy cảm, phức tạp; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị như: Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học...
Thường xuyên cập nhập, rà soát các chính sách pháp luật mới ban hành; hệ thống hóa các chính sách đã ban bành để nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh phù hợp; đồng thời căn cứ vào các quy định của chính sách pháp luật, từ thực tiễn tình hình địa phương và công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp để xác định, xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp, hiệu quả.
Tiếp tục nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND gắn với đổi mới nội dung, phương thức giám sát theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn cơ sở, chọn đúng căn cốt vấn đề cần giám sát; thu thập đủ kiến thức, thông tin; tâm huyết, khách quan, công minh với vấn đề mình giám sát và đủ bản lĩnh để giám sát đến cùng.
Các kết luận giám sát phải cụ thể, rõ trách nhiệm của các đơn vị, rõ lộ trình yêu cầu khắc phục để các đơn vị phải triển khai thực hiện. Thực hiện tốt quyền chất vấn của đại biểu, hạn chế những chất vấn mang tính kiến nghị, thông tin và sự việc không rõ; những nội dung có nhiều sai phạm có thể truy vấn tới cùng, nhất là làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách pháp luật. Tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, kết luận và có thể tái giám sát đối với những nội dung chủ thể chịu sự giám sát chưa triển khai thực hiện hoặc chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra.
Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu giúp việc cho Thường trực HĐND nói chung và các Ban HĐND. Bảo đảm điều kiện hoạt động của HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh.
Tin mới cập nhật
- Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại huyện Hương Sơn tổ chức thảo luận trước kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XVIII ( 29/11)
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Cẩm Xuyên thảo luận trước Kỳ họp thứ 23 ( 29/11)
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại thành phố thảo luận nhiều nội dung trước Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 ( 29/11)
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Vũ Quang thảo luận trước kỳ họp cuối năm ( 29/11)
- Hà Tĩnh: cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong khai thác khoáng sản ( 27/11)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)