Về việc TXCT ở cấp HĐND gần dân nhất
EmailPrintAa
17:18 11/09/2014

Trong 3 cấp HĐND, thì HĐND xã, phường, thị trấn là gần dân nhất, là cầu nối quan trọng để vận động nhân dân tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, đồng thời chọn lọc những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Vì vậy, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã trong TXCT là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Thực tế, trong thời gian qua, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND cấp xã từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả, được cử tri đồng tình ủng hộ. Hoạt động TXCT được tổ chức rộng rãi, dân chủ, ý kiến cử tri có chất lượng; nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được các đại biểu thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, hoạt động TXCT của các đại biểu HĐND xã còn nhiều hạn chế: trách nhiệm của đại biểu chưa được đề cao; nhiều đại biểu còn xem nhẹ công tác TXCT, coi đó là hoạt động mang tính hình thức. Bên cạnh đó, do thời gian TXCT thường ngắn (1 buổi), trong đó thường kết hợp 2-3 cấp HĐND tham gia, nên thời gian dành cho cử tri bày tỏ nguyện vọng quá ít. Hơn nữa, dự hội nghị TXCT thường là cử tri đại diện nên không thể phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của đa số người dân. Ý kiến của cử tri phát biểu thường là những bức xúc cá nhân, ít có ý kiến về chiến lược phát triển KT-XH ở địa phương, ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của HĐND. Công tác chuẩn bị và điều hành chương trình TXCT có nơi chưa thực sự được quan tâm; việc ghi chép, tổng hợp ý kiến cử tri còn sơ sài dẫn đến hiệu quả TXCT hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do trình độ cũng như kiến thức pháp luật của đại biểu HĐND cấp xã còn rất hạn chế nên việc giải đáp những vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật gặp nhiều khó khăn. Ở một số nơi, khi hội nghị TXCT không có sự tham gia của UBND và cán bộ chuyên trách các ngành, lĩnh vực liên quan, những yêu cầu, kiến nghị thuộc phạm vi địa phương thường chỉ được trả lời qua loa, đại khái…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động TXCT, đại biểu HĐND cấp xã cần quan tâm các vấn đề sau:

TXCT trước và sau kỳ họp: đây là hội nghị TXCT đã được luật quy định do Thường trực HĐND chủ trì phối hợp với Thường trực UBMTTQ cùng cấp xây dựng kế hoạch TXCT. Do vậy, khi xây dựng kế hoạch phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, thời điểm, địa điểm TXCT, kể cả kế hoạch phối hợp của đại biểu dân cử các cấp ở cùng một đơn vị bầu cử. Cụ thể, trước khi TXCT, đại biểu cần nắm bắt kế hoạch TXCT của đơn vị mình như: địa điểm, thời gian tiếp xúc, ai chủ trì, ngành nào tham gia với đại biểu.

Về tài liệu chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc, đại biểu cần lựa chọn kỹ các tài liệu, các thông tin cho phù hợp với địa phương nơi mình TXCT. Đây là khâu quan trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả TXCT. Vì vậy, việc chuẩn bị tài liệu gì, tài liệu như thế nào, phải căn cứ vào mục đích của buổi TXCT, đối tượng cử tri sẽ tiếp xúc. Ví dụ, TXCT trước kỳ họp, tài liệu cần chuẩn bị là các thông tin về tình hình KT-XH trên địa bàn trong 6 tháng( 1 năm) qua, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới; dự kiến nội dung chương trình kỳ họp; trả lời ý kiến cử tri trong lần tiếp xúc trước của các cơ quan chức năng. TXCT sau kỳ họp, tài liệu cần là báo cáo kết quả kỳ họp, nội dung các nghị quyết đã được thông qua trong kỳ họp, kết quả giải quyết các kiến nghị chính đáng mà cử tri đã nêu ra trong hội nghị TXCT trước kỳ họp.

Đại biểu cũng cần rèn luyện năng lực, phương pháp, cách ứng xử khi đối thoại trực tiếp với cử tri. Đại biểu cần lường trước các tình huống có thể xảy ra như có cử tri có vấn đề bức xúc nên có thái độ gay gắt, nóng nảy, đại biểu phải biết ứng xử thế nào để cử tri không thất vọng, mất niềm tin mà đại biểu vẫn thu thập được những thông tin có chất lượng.

Đại biểu nên đến sớm trước khi diễn ra buổi TXCT khoảng 15-20 phút để có dịp chuyện trò, trao đổi với cử tri để nắm bắt tình hình của địa phương. Khi trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến, đại biểu cần trình bày với tốc độ vừa phải, rõ ràng từng vấn đề  để cử tri dễ dàng nắm bắt.

Mặc dù hội nghị TXCT có thư ký ghi biên bản, nhưng khi cử tri phát biểu ý kiến, đại biểu cũng phải tự ghi chép đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là những ý kiến thuộc trách nhiệm ở cấp phường, xã để sau đó có ý kiến trả lời về những vấn đề  mà mình am hiểu tại buổi tiếp xúc.

Sau buổi TXCT, đại biểu cần tổng hợp các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri chuyển lên các cấp thẩm quyền xem xét; đồng thời theo dõi kết quả trả lời, giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan.

Ngoài các hội nghị TXCT trước và sau kỳ họp, đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn cần tăng cường, mở rộng cả về hình thức và số lượng các buổi TXCT. Có thể TXCT theo giới, theo ngành nghề để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các nhóm đối tượng cử tri. Nội dung TXCT cũng phải đa dạng, phong phú trên cơ sở vận dụng kết hợp các hoạt động khác như giám sát, tiếp công dân. Cụ thể, đối với những vấn đề bức xúc có cơ sở của đại đa số cử tri, đại biểu có thể phản ảnh với Thường trực HĐND xã để tổ chức các cuộc giám sát. Ngược lại, qua các buổi giám sát, đại biểu cũng thu thập các thông tin cần thiết qua phản ánh của cử tri.

 

 


    Ý kiến bạn đọc