Việc ban hành Nghị quyết về biên chế hành chính của HĐND cấp tỉnh hiện được quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003; Luật Cán bộ, Công chức năm 2008. Nhưng quy định tại hai văn bản quy phạm pháp luật này có sự khác nhau. Theo khoản 4 Điều 17 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì HĐND cấp tỉnh có quyền thông qua tổng biên chế hành chính của địa phương trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định, còn theo khoản 5 Điều 66 Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 “căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao, HĐND cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp”.
Trong quá trình thực hiện các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003 và Luật Cán bộ, công chức 2008, khi ban hành Nghị quyết về biên chế hành chính của HĐND cấp tỉnh đã nảy sinh một số bất cập, vướng mắc:
Về cách thức ban hành
Có nơi ban hành Nghị quyết về biên chế hành chính theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, tức là thông qua tổng biên chế hành chính. Việc giao chỉ tiêu biên chế cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có quyết định giao chỉ tiêu biên chế của Trung ương. Cách làm này chưa đúng quy định của Luật Cán bộ, Công chức về thẩm quyền của HĐND trong việc quyết định biên chế công chức địa phương và các quy định về quản lý biên chế công chức hiện nay.
Có nơi ban hành Nghị quyết về biên chế hành chính theo Luật Cán bộ, Công chức vì cho rằng Luật Cán bộ, Công chức được ban hành sau Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 nên phải thực hiện theo Luật Cán bộ, Công chức. Tuy nhiên, cách làm này gặp vướng mắc trong thực tiễn. Thời điểm HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về biên chế công chức (vào kỳ họp thường lệ giữa năm) thì Chính phủ chưa có quyết định giao chỉ tiêu biên chế cho địa phương năm đó. Do vậy chưa có căn cứ để HĐND ban hành Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Cán bộ, Công chức và Nghị định 21/2010/NĐ-CP ngày 8.3.2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức. Nhưng nếu HĐND không quyết định giao biên chế hành chính vào năm đó thì đầu năm sau UBND cấp tỉnh không có căn cứ xác định tổng quỹ lương và thực hiện chi trả lương cho công chức hành chính của tỉnh. Để giải quyết tình huống này, HĐND cấp tỉnh vẫn ban hành Nghị quyết giao chính thức tổng biên chế hành chính năm đó bằng số biên chế được Chính phủ giao cho năm trước và giao Thường trực HĐND quyết định sau khi Chính phủ giao biên chế hành chính năm đó.
Cách làm này có thể giải quyết được bài toán tình thế cho địa phương nhưng chưa bảo đảm đúng các quy định của Luật Cán bộ, Công chức và văn bản hướng dẫn, đồng thời bỏ qua quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (quy định này chưa được sửa đổi, bổ sung và vẫn còn hiệu lực).
Để giải quyết được những vướng mắc, hạn chế của hai cách làm trên, đồng thời bảo đảm đúng các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003; Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 về thẩm quyền của HĐND đối với biên chế hành chính của địa phương, có thể xem xét cách làm thứ ba. Vào kỳ họp thường lệ giữa năm của năm trước liền kề, HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về việc thông qua tổng biên chế hành chính của địa phương năm sau liền kề để làm căn cứ trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng khoản 2 Điều 17 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, như vậy UBND cấp tỉnh sẽ có căn cứ để xác định tổng quỹ lương chi trả cho công chức của tỉnh vào đầu năm sau.
Vào kỳ họp thường lệ giữa năm sau đó liền kề, HĐND cấp tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết giao biên chế công chức cho cơ quan HĐND, UBND và các đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp (thời điểm này Chính phủ đã có quyết định giao chỉ tiêu biên chế cho địa phương, thường vào tháng 2 hàng năm).
Về tên gọi và nội dung của nghị quyết
Theo khoản 5 Điều 66 Luật Cán bộ, Công chức 2008 “căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao, HĐND cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp”; Theo Điều 16 và khoản 2 Điều 17 Nghị định 21/2010/NĐ-CP ngày 8.3.2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức thì HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định giao biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp trực thuộc và UBND cấp huyện lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm và trình HĐND cấp tỉnh biên chế công chức và triển khai thực hiện sau khi được HĐND quyết định. Thực hiện các quy định này, HĐND cấp tỉnh cần thể hiện được quyền quyết định của mình về biên chế công chức cụ thể cho các cơ quan của HĐND, UBND và các đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp trong Nghị quyết, mà không nên chỉ giao tổng biên chế hành chính như trước đây.
Theo tinh thần đó, tên Nghị quyết nên là Nghị quyết về việc quyết định hoặc giao biên chế công chức. Và trong nội dung cần giao cụ thể số biên chế công chức cho từng cơ quan của HĐND, của UBND, của các đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp là bao nhiêu (có danh sách kèm theo).
Thực tế cho thấy, nhiều nơi ban hành Nghị quyết về biên chế hành chính với tên gọi khác nhau như phê chuẩn tổng biên chế, thông qua tổng biên chế... và trong nội dung không quyết định cụ thể số biên chế công chức cơ quan của HĐND, của UBND và các đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, mà giao tổng biên chế cho địa phương, trên cơ sở tổng biên chế đó, UBND cấp tỉnh quyết định phân bổ chỉ tiêu biên chế cụ thể.
Từ những vướng mắc trong thực tiễn khi ban hành Nghị quyết về biên chế hành chính của HĐND cấp tỉnh, cần sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 phù hợp với Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 hoặc có hướng dẫn thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức về thẩm quyền quyết định biên chế công chức của HĐND cấp tỉnh, bảo đảm việc ban hành Nghị quyết về biên chế hành chính của HĐND cấp tỉnh đúng quy định và thống nhất.
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)
- Can Lộc cần phối hợp với các đơn vị mỏ đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ( 08/11)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Kỳ Anh ( 01/11)
- Thạch Hà : Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ( 31/10)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Hương Sơn ( 25/10)
- Huyện Nghi Xuân chủ động đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản ( 24/10)