Cần chung tay để xử lý nợ xấu
EmailPrintAa
14:50 10/05/2017

Sáng ngày 10/5/2017, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiếp xúc chuyên đề với Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, Ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng Thương mại Cổ phần trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH và đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh chủ trì cuộc tiếp xúc.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
 

Tại cuộc tiếp xúc, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn BBQH tỉnh đã báo cáo chương trình, nội dung kỳ họp sắp tới, đồng thời gợi mở một số nội dung cần trao đổi về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh
 

Báo cáo tại buổi tiếp xúc cho thấy, những tháng đầu năm, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Chính phủ, của ngành, của UBND tỉnh có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đồng thời, phối hợp tốt với các sở, ngành tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế. Tính đến 30/4, tổng nguồn vốn huy động đạt 37.149 tỷ đồng, tăng 8,64% so với đầu năm, tăng 18,21% so với cùng kỳ; doanh số cho vay đạt 18.050 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016), dư nợ đạt 33.531 tỷ đồng (tăng 1,64% so với đầu năm, tăng 19,12% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng chậm; dư nợ cho vay theo các quyết định lãi suất giảm 27% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành vẫn nằm trong giới hạn cho phép (1,83%) nhưng đang có xu hướng tăng lên.

Giám đốc ngân hàng Agribank Nguyễn Thị Diên
 

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề nghị Chính phủ có chính sách mang tính chất dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi; có chính sách cho phép các TCTD khoanh nợ đối với các cơ sở sản xuất chăn nuôi do nguyên nhân về khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Liên quan đến kiến nghị ban hành Nghi quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, đề án “xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và đề án “Thành lập công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)”, tuy đã giải quyết được một khối lượng nợ xấu lớn (cả nước gần 500 nghìn tỷ đồng), song vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn. Quá trình xử lý nợ xấu của TCTD chủ yếu bằng trích lập dự phòng, quản lý rủi ro và bán nợ cho VAMC.

Giám đốc ngân hàng BIDV Hà Tĩnh Kiều Đình Hòa
 

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cho rằng năm 2017 là năm rất khó khăn trong tăng trưởng dư nợ dù các ngân hàng đã đề ra nhiều giải pháp; việc xử lý nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Về dự thảo nghị quyết về xử lý nợ của các TCTD và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD các đại biểu cho rằng cần thiết và khách quan tuy nhiên cần mở rộng phạm vi, tăng quyền của các ngân hàng trong xử lý, thu hồi nợ xấu. Ngoài ra, những vướng mắc do cơ chế chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng; quy định của pháp luật đối với xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.

Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh Phan Viết Phong
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại cuộc tiếp xúc

Có đại biểu cho rằng, thời gian tới cần có cơ chế để thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền rút ngắn thời gian, quy trình, nâng cao hiệu quả công tác xét xử, thu hồi nợ xấu; tích cực xử lý nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết sau khi được ban hành; cơ chế xử lý nợ xấu cần minh bạch, đảm bảo quyền lợi các ngân hàng và khách hàng; việc xử lý nợ xấu cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của các ngân hàng…

Thay mặt Đoàn ĐBQH, Phó Đoàn Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận những ý kiến góp ý sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết của đại diện các ngân hàng xung quanh hoạt động của toàn hệ thống, cũng như những kiến nghị đối với dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.


    Ý kiến bạn đọc