Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri ngành Ngân hàng
EmailPrintAa
07:36 15/05/2013

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai lấy ý kiến góp ý về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi và Luật phòng, chống rửa tiền để thông qua Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3, sáng ngày 10/02/2012, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề để nắm tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh và lấy ý kiến vào dự thảo các dự án luật. Tham dự hội nghị có đồng chí Thiều Đình Duy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các vị trong đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện lãnh đạo các ngành: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, sở Tư pháp, Hội luật gia, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, lãnh đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Sau khi nghe báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và một số gợi ý cần tập trung thảo luận trong 2 dự án Luật, các cử tri là những đồng chí lãnh đạo, chuyên gia công tác tại ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, các đại biểu công tác ở các ngành trong khối nội chính đã thảo luận sôi nổi về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật phòng chống rửa tiền và nêu lên một số băn khoăn về tình hình nợ xấu của một số ngân hàng thương mại. Đa số các ý kiến phát biểu đều đồng tình với 2 báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên một số đại biểu cũng nêu lên một số vấn đề cần bổ sung, sủa đổi. Đối với Luật bảo hiểm tiền gửi: về đối tượng áp dụng của Luật, thống nhất phương án thứ nhất; về quản lý nhà nước nhất trí giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý; về chức năng giám sát là thực hiện giám sát từ xa và tham gia quá trình thanh lý, xử lý tài sản; đối với phí bảo hiểm tiền gửi thống nhất phí đối với tiền Việt Nam, tuy nhiên nên tính toán phù hợp với tỷ lệ, khả năng, mức độ tính nhiệm của từng ngân hàng; về hạn mức chi trả nên tăng lên, quy định ở mức 50.000.000,đ(năm mươi triệu đồng) là quá thấp; ở điều 11 chức năng quản lý nhà nước nên đưa vào một quy định riêng, không nên đưa vào quy định chung…. Đối với dự án Luật phòng, chống rửa tiền: về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật nhue dự thảo là phù hợp, không nên bổ sung thêm nội dung “ .. tài trợ cho khủng bố”; ở điều 22, quy định về những dấu hiệu đáng ngờ là không phù hợp, vì thực tế hoạt động kinh doanh lớn đều thông qua chuyển khoản, trong ngày, thậm chí trong một thời gian rất ngắn cá nhân có thể giao dịch với một khối lượng tiền rất lớn; về tên gọi cơ quan tuyên truyền phòng chống rửa tiền là chưa phù hợp, nên gọi: cơ quan phòng, chống rửa tiền là phù hợp, vì nội dung tuyên truyền đã nằm trong nội dung của tên gọi của Luật; dự án cũng cần có thêm các điều khoản quy định về hình thức, nguyên tắc xử lý hành vi rửa tiền ….

Đ/c Trần Tiến Dũng, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh  phát biểu tại buổi làm việc

 

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Tiến Dũng đã cảm ơn sự quan tâm của cử tri ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các đại biểu đối với 2 dự án Luật và tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các đại biểu, của cử tri để tổng hợp, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.


    Ý kiến bạn đọc