Nhiều ý kiến chất lượng góp ý tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề chính sách, pháp luật phát triển văn hóa
EmailPrintAa
13:39 05/07/2024

Sáng 05/7/2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề để Báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, lấy ý kiến góp ý dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa.

Chủ trì hội nghị

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Trung Dũng và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch và các sở, ngành và các đơn vị liên quan cùng dự

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; một số vấn đề trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Tại cuộc tiếp xúc, sau khi nghe đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; một số vấn đề trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cử tri bày tỏ nhất trí cao với kết quả kỳ họp và đánh giá cao sự quan tâm của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đối với lĩnh vực văn hóa. Góp ý vào các nội dung tiếp xúc chuyên đề, cử tri đề nghị:

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thái Văn Sinh: Đề nghị cần làm rõ cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với các quy định pháp luật hiện nay và bổ sung nguyên tắc hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Viết Hồng: Đề nghị dự thảo luật cần làm rõ một số khái niệm về “ Người thực hành” , các thuật ngữ sửa chữa thường xuyên, tôn tạo

Đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các cử tri đề nghị bổ sung thêm một điều riêng về các di sản của các danh nhân đã được UNESCO vinh danh và các di sản được UNESCO ghi danh. Về bảo tàng tư nhân đề nghị cần có điều kiện, tiêu chí xếp hạng bảo tàng tư nhân và chính sách hỗ trợ cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ cho bảo tàng tư nhân; quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với việc cấp giấy phép hoạt động của bảo tàng tư nhân. Đối với Quỹ bảo tồn di sản văn hóa cần rà soát, làm rõ hơn về cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với các quy định pháp luật hiện nay và bổ sung nguyên tắc hoạt động. Đề nghị bổ sung các chính sách hỗ trợ nghệ nhân; quy định rõ hơn về phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, xã hội hoá trong trùng tu - tôn tạo di tích.

Cử tri Nguyễn Trí Sơn đề nghị cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, khai thác các giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng: Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn đến Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du và di tích khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi.

Về các điều khoản cụ thể, cử tri đề nghị tại Điều 3 cần giải thích rõ hơn một số cụm từ để đảm bảo tính minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện như: “Người thực hành” tại khoản 18; sửa chữa thường xuyên, tôn tạo tại các khoản 22, 23; Di sản văn hóa phi vật thể; tu sửa cấp thiết di tích… Ngoài ra, đề nghị bổ sung giải thích thuật ngữ “địa điểm khảo cổ”. Tại Điều 4, đề nghị quy định rõ về hình thức sở hữu riêng, sở hữu chung về di sản văn hóa và quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa. Tại Điều 9, cần xem lại cách phân loại các loại hình vì Công ước 2003 của UNESCO chia di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình/lĩnh vực nhưng tại Điều 9 dự thảo Luật chia thành 6 loại hình/lĩnh vực. Tại Điều 22, đề nghị xem xét, quy định lại việc kiểm kê thường xuyên hằng năm, nên quy định 3 - 5 năm/lần là phù hợp với các địa phương. Các đại biểu cũng góp ý đối với các Điều 27, Điều 28, Điều 30, Điều 39, Điều 78…của dự thảo Luật.

Về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cử tri đề nghị cần xây dựng chương trình sát thực tế hơn; giảm tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các mục tiêu của chương trình để tránh trùng lặp, dàn trải; quan tâm chế độ chính sách đối với cán bộ văn hóa.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng đã thông tin thêm về thực trạng, tình hình hoạt động, đầu tư trên lĩnh vực văn hóa, du lịch của tỉnh thời gian qua.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng yêu cầu ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch thời gian tới cần phải tham mưu các giải pháp để hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản văn hóa nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, các lực lượng xã hội thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp liên quan tới di sản văn hóa; phát huy tốt vai trò trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến, tham gia góp ý sâu để kỳ họp tới Quốc hội xem xét, ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Rà soát, lồng ghép các nội dung của Hà Tĩnh vào trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; chủ động làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình, phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh.

Sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Xác định rõ danh mục các dự án văn hóa trọng điểm cần ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2030. Tập trung nghiên cứu, xây dựng Không gian văn hóa Nguyễn Du - Truyện Kiều; triển khai xây dựng Bảo Tàng tỉnh; tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng Nguyễn Du; tạo thuận lợi trong hoạt động chuyên môn, bổ sung nhân lực chất lượng cao công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống; phát huy hiệu quả công năng của các nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân; xây dựng cơ chế đảm bảo hài hòa về quyền và lợi ích giữa các bên liên quan trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đối với việc quản lý các khu di tích, gần đây tỉnh có chủ trương giao một số khu di tích cho địa phương quản lý, đề nghị Sở VH-TT&DL soát xét, đề xuất để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trên cơ sở đổi mới trong quản lý, quảng bá. Về kinh phí mua sách bổ sung cho thư viện, đề nghị ngành văn hóa tham mưu để HĐND tỉnh cân đối phù hợp hơn.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Viết Trường bế mạc Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, các sự kiện lớn; các chương trình liên hoan, hội diễn Dân ca Ví dặm, Ca trù; lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt đối với các di tích đủ điều kiện; tiếp tục quảng bá bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch; tạo bước đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; quan tâm, trọng dụng, đãi ngộ các văn nghệ sỹ, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc