Tâm tư của cử tri về quan hệ quốc tế và chủ quyền biển đảo, Người đứng đầu Đảng ta biện chứng: chúng ta phải tính cả ba mặt. Thứ nhất là phải kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đó là vấn đề thiêng liêng. Thứ hai là phải bảo vệ cho được chế độ này, thành quả này, bảo vệ cho được Đảng này. Đúng như nhiều cử tri đã nói: đất nước này đã chịu bao nhiêu hy sinh, mất mát với 1,1 triệu liệt sỹ, 80 vạn thương binh, gần 5 vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng và bao nhiêu nạn nhân chất độc da cam – làm sao chúng ta có thể mơ hồ được? Và thứ ba là phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng phát triển đất nước
Tuần đầu tiên sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ Ba, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH nhanh chóng bắt đầu các hoạt động tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả Kỳ họp. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội, cử tri hỏi: trong bối cảnh mở cửa hội nhập, phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay, đất nước sẽ có nhiều thời cơ thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nhưng cùng với đó cũng phải chịu tác động của những mặt trái, mặt tiêu cực, ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức, văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Vậy vấn đề giáo dục thế hệ tương lai của đất nước này như thế nào? Đành rằng phải chăm lo phát triển kinh tế, nhưng nếu chỉ phát triển kinh tế mà coi nhẹ yếu tố văn hóa, con người thì mai đây dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam sẽ ra sao?
Giải tỏa những tâm tư chính đáng của cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, những ý kiến này sẽ được tổng hợp, báo cáo với QH, đồng thời gửi đến các cơ quan có trách nhiệm để xem xét, giải quyết. Nhưng quan trọng hơn là thông qua những góp ý của cử tri, từng đại biểu dân cử phải thấm, phải nghe và thấy được tâm tư, nguyện vọng của bà con cử tri để có sự chuyển từ trong tư tưởng, tình cảm, tiếp thu và chuyển từ máu, từ thịt của mình. Như vậy, Hội nghị tiếp xúc cử tri mới phát huy tác dụng như mong muốn, góp phần hiện thực mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa ĐBQH với cử tri, giữa cử tri với ĐBQH.
Hơn thế, trước sự vận động mau lẹ của thực tiễn, cử tri và nhân dân – những người ngày càng có năng lực thể hiện quyền dân chủ - cũng đòi hỏi QH phải nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, sâu sát và nắm bắt kịp thời hơn nữa những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Để có được những đòi hỏi như vậy thì cử tri cũng là những người chủ động quan tâm, theo dõi sát sao diễn biến của QH qua từng kỳ họp. Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, nhiều cử tri của Thủ đô, cũng như nhiều cử tri trên cả nước, quây quần bên ấm trà để theo dõi các hoạt động của QH, đặc biệt là các phiên được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng quốc gia. Nhiều cử tri náo nức: Kỳ họp này có nhiều tiến bộ hơn kỳ họp trước. QH chọn vấn đề thiết thực, đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, không né tránh mà đề cập thẳng vào những bức xúc thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của QH. Với thời gian họp ngắn hơn, nội dung họp nhiều hơn mà QH vẫn hoàn thành có chất lượng toàn bộ chương trình đề ra. Và mới hơn cả là việc QH tăng thời lượng các phiên họp phát thanh và truyền hình trực tiếp – cải tiến này đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với cử tri.
Không chỉ đề cập đến những nội dung hoạt động của QH và bày tỏ sự đồng thuận cao với các quyết đáp của QH mà cử tri còn phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đồng thời nêu lên những thực tiễn cuộc sống, trong đó có những vấn đề đang bức xúc và cũng có những vấn đề cơ bản đòi hỏi thời gian lâu dài, chứ không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Và hai trong số nhiều chủ đề được cử tri đặc biệt quan tâm là: việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, phần liên quan đến hoạt động của QH và chủ quyền biển đảo. Nghị quyết Trung ương 4 đã đáp ứng đúng yêu cầu của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân; mang tính đột phá vì thấy tình hình bức xúc quá rồi. Như trong Nghị quyết đã nói là nếu không giải quyết thì nguy cơ đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nghị quyết Trung ương 4, một mặt đã thổi một luồng sinh khí mới vào trong đời sống xã hội, tạo không khí phấn khởi, vui mừng, nhưng mặt khác là tâm tư đang rất chờ đợi và hy vọng, xem có làm được hay không và nếu không làm được thì sẽ mất lòng tin. Đứng trước sức ép này, Tổng bí thư nói: nếu chuẩn bị ra trận mà còn băn khoăn có thắng hay không thì sẽ làm cho anh em ngập ngừng. Kiên quyết là phải thắng, bằng mọi cách, nếu không thắng được ngay tất cả thì phải thắng từng bước. Đây là công việc lâu dài, đòi hỏi làm nhiều lần, làm đi làm lại. Và nói Nghị quyết Trung ương 4 thì cái chính là phát huy và giữ vững cho được kết quả, bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Đảng, dân tộc, khắc phục cho được cái hạn chế, tiêu cực, đặc biệt là những hiện tượng tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Đây không phải là những việc mới xảy ra, mới nói đến mà chỉ có điều bây giờ tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực có xu thế phổ biến hơn, tính chất sâu sắc, nghiêm trọng hơn và phạm vi rộng hơn. Vấn đề bây giờ là khâu tổ chức thực hiện.
Hiện nay, có những việc tuyên truyền, có những việc không, nhưng Nghị quyết Trung ương 4 đang được triển khai đúng tiến độ, đúng chương trình và kế hoạch đã đề ra – Tổng bí thư nêu rõ – từ việc triển khai học tập nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch đến các bước làm, không phải chỉ có phê bình và tự phê bình mà cả 4 nhóm giải pháp đều đang được triển khai đồng bộ. Và có những việc đang thực hiện và đã sửa chữa trong thực tế. Một ví dụ nhỏ: bây giờ cán bộ đi địa phương, cơ sở như thế nào, có còn hình thức không? Có còn băng rôn, khẩu hiệu nhiệt liệt chào mừng nữa hay không? Câu trả lời rõ ràng là: Không. Một số trường hợp vi phạm đã được xử lý... theo đúng quy trình, luật pháp và Điều lệ Đảng. Thực tế, Trung ương và toàn Đảng đang quyết tâm cao, biện pháp đồng bộ, tổng hợp, dựa vào nhân dân, vào cán bộ, đảng viên để làm và đặc biệt không có chuyện tắm từ vai tắm xuống. Một loạt cơ chế, chính sách cũng đang được xây dựng. Một loạt chương trình, đề án đã được trình Trung ương. Và Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 5 vừa qua đã là một sự tự phê bình, như cử tri đánh giá là rất dũng cảm, công khai trước toàn Đảng, toàn dân, nhận hết thiếu sót, khuyết điểm; phân tích nguyên nhân; đề ra các giải pháp phải làm. Đương nhiên đây là những cái chung, còn ở từng đối tượng, từng cấp, từng ngành phải cụ thể hóa và phải làm có hiệu quả. Cái quan trọng cuối cùng là phải tạo sự chuyển biến trong thực tế.
Chia sẻ với những tâm tư của cử tri rằng, nhìn vào đâu cũng thấy tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, nhưng mặt khác, theo Tổng bí thư thì chúng ta phải hết sức bình tĩnh, nhìn sự việc, hiện tượng một cách khách quan, biện chứng, cả hai mặt của vấn đề, tránh mất phương hướng. Chúng ta nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật, nói hết các hiện tượng tiêu cực để thấy, để sửa. Nhưng thấy tiêu cực không phải để bi quan, mất niềm tin, bởi mất niềm tin là mất tất cả. Muốn thế thì phải làm cho dân tin bằng đường lối, chính sách, kế hoạch cụ thể, bằng những con người cụ thể, hết lòng vì Đảng, vì dân.
Cũng như vậy, với những ý kiến, tâm tư của cử tri về quan hệ quốc tế và chủ quyền biển đảo, Người đứng đầu Đảng ta biện chứng: chúng ta phải tính cả ba mặt. Thứ nhất là phải kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đó là vấn đề thiêng liêng. Thứ hai là phải bảo vệ cho được chế độ này, thành quả này, bảo vệ cho được Đảng này. Đúng như nhiều cử tri đã nói: đất nước này đã chịu bao nhiêu hy sinh, mất mát với 1,1 triệu liệt sỹ, 80 vạn thương binh, gần 5 vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng và bao nhiêu nạn nhân chất độc da cam – làm sao chúng ta có thể mơ hồ được? Và thứ ba là phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng phát triển đất nước. Nếu bây giờ một cái gì xử lý không khôn khéo..., thì thử tưởng tượng chúng ta có còn điều kiện để xây dựng phát triển đất nước nữa hay không? Tổng bí thư nhấn mạnh: hơn 30 năm chiến tranh ta có đầy đủ kinh nghiệm về vấn đề này. Cho nên, trước vấn đề đặt ra thì phải tính toàn diện: độc lập chủ quyền, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Nhà nước và tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Ổn định mới bảo vệ được đất nước. Kinh tế có giỏi, có giàu thì mới bảo vệ được đất nước.
ĐBQH phải thường xuyên liên hệ, gắn bó chặt chẽ, máu thịt với cử tri, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Ghi rõ trong luật là vậy, nhưng mối liên hệ gắn bó máu thịt không phải đặc trưng riêng có giữa ĐBQH với cử tri, và cũng không phải mong muốn của riêng ĐBQH. Bởi thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chỉ ra rằng, liên hệ máu thịt còn phản ánh sâu sắc mối quan hệ giữa Đảng với dân. Như cách nói của Người đứng đầu Đảng ta tại cuộc tiếp xúc cử tri là: Đảng tin dân, dân tin Đảng. Mối quan hệ Đảng với dân là quan hệ máu thịt. Đây là quy luật tồn tại phát triển của Đảng và cũng là bài học vô cùng sâu sắc để phát triển đất nước.
Tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp QH không chỉ nhằm báo cáo với cử tri những việc QH đã làm trong Kỳ họp. Ở không gian và thời gian không nhiều của một cuộc tiếp xúc, giữa ĐBQH và cử tri là sự trao đổi thẳng thắn, đối thoại, cùng làm rõ những vấn đề đang đặt ra của đất nước. Đó là cách thức thiết thực và hiệu quả để củng cố mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa ĐBQH với cử tri, niềm tin của Đảng với dân và dân với Đảng.
Tin mới cập nhật
- Đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri TX Hồng Lĩnh ( 08/10)
- Đoàn ĐBQH tỉnh và Agribank Hà Tĩnh II bàn giao nhà công vụ Trường THCS Hương Lâm ( 07/10)
- Cần có chế độ đặc thù cho bệnh nhân nặng vượt tuyến hưởng chính sách BHYT ( 04/10)
- Cử tri kiến nghị có phương án xử lý hiệu quả tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính ( 04/10)
- Quan tâm giải quyết thấu đáo các kiến nghị của cử tri ( 03/10)
- Cử tri Hương Khế đề nghị Quốc hội hỗ trợ kinh phí xây dựng kè dọc sông Ngàn Sâu ( 03/10)