Bác Hồ làm báo Kỳ 2: Nghệ thuật viết báo Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
09:42 20/06/2022

Trong thư Hồ Chủ tịch gửi Đại hội báo giới ngày 5.8.1947, có câu: “Lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem báo có thú vị mà lại bổ ích”. Và đấy cũng là mẫu mực cách viết báo của Người.

D ùng báo chí đấu tranh giải phóng dân tộc

Hồ Chí Minh trong văn, trong báo đều có một phong cách độc đáo, vừa ổn định, vừa thay đổi theo từng thời kỳ. Đối với báo chí, sự thay đổi phong cách là do sự chủ động của Bác để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng và đối tượng bạn đọc mà Bác muốn hướng tới. Ta có thể chia sự nghiệp báo chí của Hồ Chí Minh thành 3 thời kỳ như sau: Thời kỳ viết báo bằng tiếng Pháp ở Paris từ 1917 - 1925; Thời kỳ viết báo bằng tiếng Việt để vận động thành lập Đảng, tuyên truyền cách mạng vô sản giải phóng dân tộc từ 1925 - 1945; Thời kỳ làm báo kháng chiến, kiến quốc 1945 - 1969.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo. Ảnh tư liệu

Như chúng ta đã biết, Bác bước vào nghề báo là tiếp cận ngay với lối viết báo, cách làm báo hiện đại của phương Tây. Đồng thời, Bác là một bậc túc nho, mang cốt cách phương Đông. Người lại yêu nước, yêu tiếng Việt tận đáy lòng, nên có một phong cách nhuần nhị Đông - Tây đặc biệt, một lối viết thuần Việt.

Mục đích, đặc trưng nổi bật nhất trong nghệ thuật viết báo, điều làm nên sự thống nhất, là sợi chỉ hồng xuyên suốt tác phẩm báo chí Hồ Chí Minh là dùng báo chí để đấu tranh giải phóng dân tộc, cao hơn là giải phóng con người, làm cho con người biết hưởng cái hạnh phúc mình đáng được hưởng. Báo chí, lúc đầu là “mở mắt, mở tai”, sau nữa để con người biết nhận ra nghĩa vụ, quyền lợi của mình, tự mình vươn lên làm chủ đất nước, làm chủ số phận của mình, thăng hoa thành một người tự do lao động cống hiến, vượt khỏi ràng buộc của tiền bạc, danh lợi...

T rực diện, mạnh mẽ và triệt để

Nghệ thuật viết báo của Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu được thể hiện qua các bài viết trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp như: Lời than vãn của b à Trưng Trắc, Con người biết mùi hun khói, Đồng tâm nhất trí, Vi hành ... và các bài trên báo Người cùng khổ (Le Paria) do Bác sáng lập như: Động vật học, Những kẻ đi khai hóa, Thù ghét chủng tộc , Khai hóa giết người , Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của thực dân Pháp , Sở thích đặc biệt , Nhân đạo thực dân, Bộ sưu tầm động vật, Y như nước mẹ, Viện Hàn lâm thuộc địa, Ông An-be Xa-rô và bản Tuyên ngôn nhân quyền... Ta thấy một số đặc điểm trong các bài viết ở thời kỳ này.

Thứ nhất , thể hiện tính chiến đấu trực diện, mạnh mẽ và triệt để khi chĩa mũi dùi trực tiếp vào cả chế độ hoặc những tên trùm sò của chủ nghĩa thực dân như Bộ trưởng thuộc địa An-be Xa-rô, Toàn quyền Đông Dương Méc-lanh, Va-ren, những ủy viên Hội đồng Thuộc địa như Lê-ông Ác-sim-bô, các viên quan cai trị châu Phi như  Công sứ Bruy-ê... Và vua bù nhìn Khải Định cũng bị ngòi bút châm biếm của Bác biến thành thằng hề, vừa ngu dốt vừa lố bịch.

Thứ hai , vận dụng mọi tri thức, đẩy sự việc đến tận cùng, châm biếm sâu cay, neo ấn tượng vào lòng người đọc. Lấy ví dụ, bài “Động vật học”, Bác viết: “Đác-uyn, nhà cực thông thái Đác-uyn, từng biết rằng con ngươi của ếch xứ Ôvécnhơ tròn hơn con ngươi của ếch vùng Nốttinhham, và đuôi bồ câu Mêhicô có nhiều hơn đuôi bồ câu ở Thụy Điển ba cái lông tơ, nhưng ông lại hoàn toàn không biết gì đến một loài động vật rất đông đúc ngày nay được biết rất rõ ràng; cái loài động vật mà do số lượng, do chất lượng của nó, có thể liệt vào hàng đầu trong giới động vật”... Động vật ấy ra đời cùng loài người, nếu không nói lâu hơn nữa, chính là dân bản xứ thuộc địa (colonie indigène) và giai cấp vô sản ở các nước tư bản.

Thứ ba , nghệ thuật chơi chữ và sử dụng biểu tượng nhiều mặt cao cường. Khi một quan chức Chính phủ Pháp băn khoăn nước Pháp đi về đâu, châu Âu đi về đâu, thì Bác hỏi: Hãy nói cho tôi biết chân nước Pháp ở đâu, tôi sẽ nói cho anh biết nước Pháp đi về đâu (Dựa vào câu ngạn ngữ Pháp: Hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai). Bác ngầm nói chân của nước Pháp là ở các nước thuộc địa; đôi chân đi trên con đường dã man ấy thì không bao giờ đến được văn minh, tự do, bình đẳng, bác ái.

Ngoài ra, Bác còn dùng lý lẽ của kẻ thù so sánh với thực tế để đánh lại chúng; lối viết báo hiện đại, chủ yếu là bài viết ngắn, có kèm minh họa, số liệu, nhiều điển tích văn hóa Đông - Tây; thông điệp rõ, có khi nằm ngay ở tít, khi thì nằm ở cuối, khi thì nằm ở câu mở đầu…

B ình dân, dễ đọc, dễ hiểu

Nếu như thời kỳ làm báo ở Pháp, người đọc của Bác được xác định chủ yếu là quan Tây cai trị và nhân dân Pháp, nhân dân thuộc địa nói chung, để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ tình cảnh khốn khổ của người dân thuộc địa, trái với những lời lẽ hoa mỹ của thực dân thường rêu rao; thì thời kỳ 1925 - 1945, Bác xác định đối tượng bạn đọc là đồng chí, đồng bào. Thời điểm này, hầu hết dân ta thất học, nên Bác viết giản dị, với phong cách bình dân, dễ đọc, dễ hiểu. Thường kèm theo những câu ca để dễ truyền tụng. Thí dụ, Việt Nam độc lập thổi kèn loa/ Kêu gọi nhân dân trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta còn được thuộc đến bây giờ.

Cùng với việc sáng lập Báo Thanh Niên, tiền thân của báo Đảng, năm 1941, Bác có một quyết định quan trọng: Hoạt động của Đảng hòa vào hoạt động của Mặt trận đoàn kết toàn dân là Việt Minh, báo Đảng lùi sau báo Mặt trận để tờ Cứu Quốc trước do Trường Chinh, sau để Xuân Thủy phụ trách, là tờ báo số một của cách mạng từ năm 1942 - 1951, khi báo Nhân Dân ra đời. Chữ Nhân Dân là do Bác đặt, để muôn đời nhắc nhở Đảng phải là Đảng của Nhân dân, phụng sự lợi ích của Nhân dân, báo Đảng phải là báo của Nhân dân.

Đ ịnh hướng xây dựng con người

Bác là cây bút chính và từng giữ hai chuyên mục trên báo Cứu Quốc, viết cho báo Nhân Dân 1.200 bài từ năm 1951 - 1969. Các biện pháp nghệ thuật trước đây được nâng cao lên một bước mới.

Thời kỳ này, cùng với nội dung kháng chiến, kiến quốc, Bác định hướng cho việc xây dựng con người, trước hết là người cán bộ mà tác phẩm tâm huyết nhất là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” và thường xuyên, hướng tới tương lai là thế hệ thanh, thiếu niên từ ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới đến bài biết cuối cùng của Bác cũng là về nhi đồng Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng (Nhân Dân, 1.6.1969): "Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ". Thật là một tầm nhìn xa, một tình yêu bao la.

Đây cũng là thời kỳ mà bằng báo chí, Bác đã làm cho tiếng Việt giàu có và trong sáng hơn, có khả năng biểu đạt như các thứ tiếng nước ngoài.

Nếu như trong lịch sử, ta thường nhắc đến Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô ... như thiên cổ hùng văn thì riêng Bác có Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước cũng là những áng hùng văn thiên cổ.

Những người làm báo Việt Nam hôm nay, có người thầy vĩ đại ấy, thật đáng tự hào

Báo daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc