Bài học của Cách mạng tháng Tám còn nguyên giá trị
EmailPrintAa
07:11 19/08/2014

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã diễn ra với khí thế sôi sục, hào hùng nhưng hầu như không đổ máu và nhanh chóng giành được thắng lợi trên phạm vi toàn quốc. Có được thắng lợi đó là nhờ Đảng ta đã chuẩn bị chu đáo về đường lối, tổ chức, tinh thần và lực lượng; khơi dậy được ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của toàn thể dân tộc; kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn và sáng tạo; tập hợp được hết thảy lực lượng to lớn của dân tộc để “vung ra những nghị lực phi thường” giành thắng lợi trọn vẹn.
 
Close

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình tháng 8/1945. Ảnh tư liệu từ internet

Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, khai sinh nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng rồi kẻ thù không để cho yên, buộc dân tộc ta phải đứng lên kháng chiến để giữ vững lời thề thiêng liêng: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Sức mạnh của Cách mạng tháng Tám tiếp tục được chứng minh hùng hồn, được nhân lên gấp bội trong cuộc kháng chiến oanh liệt “thắng hai đế quốc to” để giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, trước những thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen đang diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tranh thủ và phát huy mọi thuận lợi, đồng thời tỉnh táo và sáng suốt nhận diện nguy cơ, thách thức, vận dụng sáng tạo những bài học của Cách mạng tháng Tám trong hoạch định, lãnh đạo và tổ chức để giữ vững độc lập, chủ quyền, đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên trong sự nghiệp đổi mới.

Bài học về chuẩn bị lực lượng và chớp thời cơ. Cách mạng tháng Tám 1945 là minh chứng về sự tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc nhận định thời cơ, thúc đẩy thời cơ và chỉ đạo chớp thời cơ tổng khởi nghĩa thắng lợi. Trong diễn biến chung của khởi nghĩa, các địa phương trong nước đã nhanh chóng tiếp nhận được chủ trương đó để nhanh chóng nắm thời cơ, chủ động phát động quần chúng giành chính quyền thắng lợi, gọn gàng và mau lẹ. Tại Hội nghị T.Ư 8 (tháng 5/1941), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, nhấn mạnh việc tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân để sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau Hội nghị T.Ư 8, Mặt trận Việt minh ra đời đảm đương vai trò tập hợp rộng rãi quần chúng, cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Khi chiến tranh thế giới bước vào giai đoạn kết thúc, tháng 2/1943, Thường vụ T.Ư có nghị quyết về chuẩn bị thời cơ giành chính quyền và đầu năm 1945, Đảng đã có chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945). Nhờ có sự trù liệu trước nên tại hội nghị Tân Trào (ngày 14, 15/8/1945), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban khởi nghĩa đã quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền theo 3 nguyên tắc: tập trung, thống nhất, kịp thời.

Quang cảnh cuộc biểu tình ngày 19.8.1945
Quang cảnh cuộc biểu tình ngày 19.8.1945 tại quảng trường Nhà hát Lớn - Ảnh: tư liệu.

Bài học về giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng. Từ khi ra đời, với đường lối đúng đắn và phù hợp với trào lưu lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành ngọn cờ tập hợp quần chúng giải phóng dân tộc và là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng. Từ đó về sau, trước hoàn cảnh lịch sử nghiệt ngã, kẻ thù tìm trăm phương ngàn kế hòng tiêu diệt Đảng, nhưng Đảng vẫn được củng cố, đứng vững và trưởng thành, ngày càng vững mạnh và đảm đương xứng đáng vai trò của mình.

Trong lãnh đạo tổng khởi nghĩa, Đảng đã phân tích những diễn biến nhanh chóng của tình hình, kịp thời đề ra những chủ trương sáng tạo và đúng đắn. Đường lối cách mạng của Đảng bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng; cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu và tổ chức vận động quần chúng đồng lòng theo Đảng đứng lên giành chính quyền. Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, từ đó đến nay, Đảng đã vượt qua bao thử thách, lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và tiếp tục đưa đất nước tiến lên với sự nghiệp đổi mới. Tự nhận biết vai trò của mình cũng như những ưu, khuyết điểm, tồn tại trong Đảng nên Đảng đã không ngừng đổi mới, bồi dưỡng lực lượng, trau dồi lý tưởng và đạo đức cộng sản theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh để đáp ứng với yêu cầu của cách mạng.

Bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc. Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 nhanh chóng giành được thắng lợi là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Việt minh. Sự áp bức bóc lột của thực dân phong kiến đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp, nên Việt minh đã kêu gọi: “Phá kho thóc chia cho dân” để giải quyết nạn đói, đáp ứng yêu cầu cấp bách, thiết thực và hợp lòng dân. Chủ trương sáng tạo, kịp thời này đã trực tiếp góp phần tạo nên cao trào cách mạng mạnh mẽ, sâu rộng. Lực lượng quần chúng tham gia giành chính quyền không chỉ có công nhân, nông dân, trí thức mà còn có cả địa chủ, quan lại triều đình, đại diện các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số… khắp cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thành công là nơi Đảng ta đã biết tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận nhân dân”. Bài học tập hợp sức mạnh toàn dân để giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước theo con đường XHCN mãi còn nguyên giá trị.

Bài học của Cách mạng tháng Tám còn nguyên giá trị
Giành chính quyền tại TX. Hòn Gai.(Tranh vẽ tại Bảo tàng Quảng Ninh).

Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Can Lộc là huyện đầu tiên trong cả nước lực lượng thanh niên trí thức xông vào huyện đường cướp chính quyền thắng lợi ở ấp huyện (ngày 16/8/1945). Hà Tĩnh (cùng với 4 tỉnh) giành được chính quyền đầu tiên và rất nhanh gọn chỉ vỏn vẹn trong 5 ngày (từ 16 - 21/8/1945). Phát huy truyền thống và những bài học của Cách mạng tháng Tám trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh đã giữ vững vùng hậu phương tự do, không để cho giặc đứng chân được một ngày trên quê hương mình. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, Hà Tĩnh luôn đảm bảo thông đường, thông xe, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cả nước, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Phát huy những bài học của Cách mạng tháng Tám và thực hiện lời mong muốn của Bác Hồ “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”, tỉnh nhà đang có những bước chuyển mình mang tính đột phá trong sự nghiệp đổi mới, cùng cả nước phấn đấu theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

    Ý kiến bạn đọc