Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc
Năm 1954, thực dân Pháp bại trận buộc phải rút khỏi Đông Dương. Miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng. Nhưng ở miền Nam, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng. Để có thể đương đầu và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược - một kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần, vấn đề khơi dậy, phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có vị trí, vai trò to lớn, ảnh hưởng quyết định đến sự thành - bại của cách mạng.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình trong nước, bối cảnh khu vực và quốc tế có liên quan, Trung ương Đảng đã đề ra đường lối chung cho cách mạng Việt Nam: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới” (trích Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tháng 9.1960).
Trên cơ sở đường lối đúng đắn, Đảng đề ra phương thức tập hợp quần chúng rất sáng tạo, đó là thành lập các mặt trận dân tộc thống nhất riêng phù hợp với đặc điểm, điều kiện ở từng miền, lấy liên minh giai cấp công - nông làm nền tảng (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam... ở miền Nam). Tuy mục tiêu, cương lĩnh cụ thể không giống nhau, hình thức tổ chức cũng như cơ cấu, thành phần có nhiều điểm khác nhau nhưng đều hướng đến xây dựng toàn dân thành một khối thống nhất theo tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là một cơ sở bảo đảm cho sự lãnh đạo vững bền của Đảng, đồng thời phân hóa, cô lập cao độ kẻ thù.
Nhân lên sức mạnh đấu tranh giành thắng lợi
Từ các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng tổ chức xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện bằng sự kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị; tiến hành đánh địch bằng ba mũi tiến công quân sự, chính trị và binh vận; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược; vừa kháng chiến vừa kiến quốc; vừa đánh giặc vừa từng bước xây dựng chế độ mới... Đồng thời, thông qua đó, nhiều phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi rộng khắp. Điển hình như các phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”,... ở miền Bắc; “bám đất, giữ làng”, “một tấc không đi, một ly không rời”, “giết giặc lập công”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”,... ở miền Nam. Sức mạnh đấu tranh nhờ đó được nhân lên gấp bội. Quân dân Việt Nam lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của kẻ thù, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27.1.1973) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho sự nghiệp kháng chiến.
Nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ tiếp tục viện trợ cho chính quyền, quân đội Sài Gòn ra sức phá hoại hiệp định hòa bình vừa mới ký kết, hòng kéo dài chiến tranh xâm lược. Trước âm mưu và hành động của địch, con đường giành thắng lợi duy nhất của nhân dân Việt Nam vẫn là sử dụng bạo lực cách mạng. Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Chớp thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp bàn, hạ quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền đẩy mạnh đấu tranh tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Thực hiện quyết tâm Bộ Chính trị đề ra, cả dân tộc “ra quân” trong mùa Xuân 1975 lịch sử. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 1975, miền Bắc đã dốc sức đưa vào miền Nam gần 12 vạn cán bộ, chiến sĩ; chi viện 230 nghìn tấn vật chất các loại. Được sự chi viện to lớn từ miền Bắc, trên khắp chiến trường miền Nam, quân dân ta ra sức chuẩn bị các mặt cho trận đánh lớn quyết định cuối cùng. Sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc trong hơn 20 năm được dồn lại cho thời khắc lịch sử vinh quang này.
Ngày 4.3.1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta bắt đầu, diễn ra với ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4.3 đến ngày 3.4), đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 đến 29.3) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến 30.4). Ngày 30.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời kết thúc vẻ vang chặng đường 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc kể từ Cách mạng tháng Tám 1945.
Vận dụng trong tình hình mới hiện nay
46 năm đã trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Song, bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn vẹn nguyên giá trị.
Tình hình quốc tế và trong nước hiện nay đặt cách mạng Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng nguy cơ xung đột sắc tộc, chiến tranh cục bộ còn tiềm ẩn. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa thỏa hiệp hợp tác, vừa cạnh tranh gay gắt tác động đến các quốc gia, từng khu vực. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng. Tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực và môi trường đầu tư. Ở trong nước, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; uy tín và vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; các thế lực phản động tăng cường hoạt động chống phá cách mạng nước ta...
Trong bối cảnh ấy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là một quan điểm, chủ trương lớn cần được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực củng cố, tăng cường nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương. Để đạt mục tiêu đề ra, cần thực hiện tốt đồng bộ một số giải pháp cơ bản: Thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội phát triển vững mạnh; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giải quyết tốt các mối quan hệ, thu hẹp những khác biệt giữa các bộ phận xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.