Cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để Khu kinh tế Vũng Áng trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh
EmailPrintAa
09:12 27/04/2023

Trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển. Năm 2007, Hội nghị Trung ương lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Sau 10 năm, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Một góc KKT Vũng Áng (ảnh: BHT)

Tại Hà Tĩnh, định hướng phát triển cảng biển nước sâu gắn với Khu kinh tế (sau đây viết tắt là KKT) Vũng Áng được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiêm kỳ 2000-2005) và các nhiệm kỳ liên tiếp (lần thứ XVI, XVII, XVIII, XIX) được đưa vào trong Nghị quyết của Đại hội Đảng; Cụ thể tại Đại hội lần thứ XVIII xác định “Xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế” là một trong những nhiệm vụ đột phá; tại Đại hội lần thứ XIX tiếp tục xác định “đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Vũng Áng” là một trong năm chương trình trọng điểm; “Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng thực sự trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics” là một trong ba đột phá chiến lược…

Theo đó, chính quyền các cấp đã có các cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển Khu kinh tế biển nói chung; KKT Vũng Áng nói riêng được thành lập theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích 22.781ha, bao gồm 09 xã, phường: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Hà và Kỳ Ninh. KKT Vũng Áng cũng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn và cho phép ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015 và tiếp tục là một trong 08 KKT ven biển được ưu tiên để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Quy hoạch chung xây dựng KKT Vũng Áng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 20/8/2007, theo đó KKT Vũng Áng có không gian kinh tế độc lập, là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - nông lâm ngư nghiệp; trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp luyện kim, các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Đến cuối năm 2020, KKT Vũng Áng có 146 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 88 dự án trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 51.201,702 tỷ đồng và 58 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 13.568,26 triệu USD. Hiện tại, nhiều dự án đã đi vào hoạt động và có sản phẩm tiêu thụ ra thị trường; Một số dự án lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; Các dự án có quy mô đầu tư lớn đang hoàn chỉnh hồ sơ, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng. KKT Vũng Áng đang tạo việc làm cho khoảng 16.795 người, trong đó lao động trong nước 14.479 người, lao động nước ngoài 2.316 người.

KKT Vũng Áng đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng thu ngân sách tại Khu kinh tế Vũng Áng đạt khoảng 37.400 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, trong đó thu xuất nhập khẩu chiếm 97% toàn tỉnh; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 12.800 triệu USD, chiếm trên 87% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh.

Có được như thế trước hết phải nói tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực đầu tư đối với sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng, như: Được hưởng một số ưu đãi đầu tư tại các văn bản pháp luật của Trung ương  (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng, đất đai…), các chương trình dự án đều được ưu tiên đầu tư; ở tỉnh các chính sách cụ thể cũng được HĐND, UBND ban hành để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội như:  Hỗ trợ ngân sách nhà nước cho Dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Nghị quyết số 34/2012/NQ-HĐND); Nghị quyết về Đề án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng (Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 30/12/2021); chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở chuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hoá vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh (Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND ngày 28/4/2021 và Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày 17/07/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND); Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 27/4/2007 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào KKT Vũng Áng và các KCN của tỉnh Hà Tĩnh…

Để đáp ứng được những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra và phát huy các tiềm năng, lợi thế, trong thời gian tới KKT Vũng Áng cần tập trung giải quyết được các tồn tại, hạn chế cơ bản sau đây: (1) Thiếu quỹ đất công nghiệp để thu hút các dự án lớn, trọng điểm; (2) Hạ tầng kỹ thuật trong KKT thiếu đồng bộ, hạ tầng xã hội yếu kém; (3) Thiếu quỹ đất sạch; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư để chuẩn bị mặt bằng thu hút các nhà đầu tư; (4) Vấn đề về nguồn nhân lực đáp ứng phục vụ cho hoạt động của các dự án trong KKT; (5) Vấn đề về thu hút đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, có tính chất lan tỏa, tạo giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và toàn tỉnh; (6) Vấn đề về quản lý nhà nước (quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp, quản lý môi trường, đất đai, lãnh thổ…).

Muốn giải quyết đươc những vấn đề trên, cần thiết có cơ chế chính sách mạnh đó là:

Trước hết , về phân cấp phân quyền trong xử lý hành chính, cần thiết phải nghiên cứu trình cơ quan trung ương có cơ chế đặc thù trong việc phát triển KKT Vũng Áng, trong đó theo hướng ưu tiên giảm bớt các thủ tục trình xin ý kiến Trung ương; ưu tiên nguồn lực của Trung ương cho KKT Vũng Áng.

Thứ hai , về quy hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch: Xây dựng Chương trình, kế hoạch và các cơ chế chính sách cần thiết để triển khai thực hiện quy hoạch đồng bộ, hiệu quả. xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Thứ ba , giải pháp về cơ chế, chính sách đất đai: Triển khai kịp thời các chính sách pháp luật về quản lý đất đai và ban hành đồng bộ kịp thời các văn bản cụ thể hóa luật và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.  Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất; bồi thường, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư... và thực hiện đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Thứ tư , thu hút đầu tư: Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo định hướng của tỉnh, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được thành lập. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với các doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.

Thứ năm , thực hiện cơ chế công tư kết hợp (PPP) dưới các hình thức khác nhau: Huy động nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): (1) thiết lập các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tinh giản, thuận lợi cho đầu tư; (2) nhanh chóng hoàn thiện cơ cấu hạ tầng kỹ thuật; (3) thúc đẩy việc đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao, với các kỹ năng đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thứ sáu , giải pháp huy động vốn: Đối với nguồn ngân sách tỉnh cần có giải pháp, chính sách phù hợp để để huy động các nguồn lực từ quỹ đất, nhất là quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tăng cường thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn có hiệu quả, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

Thứ bảy , giải phát triển nguồn nhân lực: (i) Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu từng thời kỳ phát triển của Tỉnh, phù hợp xu thế phát triển chung của vùng và cả nước; (ii) Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khai thác tốt nguồn lực từ đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật hiện có; thu hút cán bộ có trình độ cao, các chuyên gia giỏi, công nhân lành nghề về làm việc tại tỉnh.

Thứ tám , giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ: Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhằm khuyến khích và đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường trong mọi ngành sản xuất nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Khuyến khích các cơ sở phát triển sản xuất sạch và thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu tái sinh. Đặc biệt trong lĩnh vực khai khoáng và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình công nghệ thăm dò, khai thác và sản xuất.

Thứ chín , chính sách liên kết phát triển: Nhằm hình thành các trục giao thông và hành lang kinh tế, tăng cường thương mại, liên kết du lịch và giao lưu văn hóa, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các tỉnh trong và ngoài nước; Phối hợp giữa các tỉnh để thống nhất hóa các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh chung của các tỉnh trong vùng./.

Lê Ngọc Hà - Phó Phòng CTHĐND

    Ý kiến bạn đọc