Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
EmailPrintAa
16:12 19/05/2016

Ngày 03-9-1945, một ngày sau khi thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã trình bày sáu vấn đề cấp bách nhất, thiết thực nhất mà chính quyền cách mạng mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh đất nước đang chồng chất khó khăn, thiếu thốn do hậu quả của chế độ thực dân phong kiến.

Trong sáu vấn đề thì vấn đề thứ ba được xác định: “Trước đây chúng ta bị chế độ quân chủ rồi chế độ thực dân cai trị, nước ta không có Hiến pháp, Nhân dân ta không được hưởng quyền lợi tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai hay gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”(1).

Như vậy, vấn đề quan trọng của bầu cử Quốc hội là để có một Hiến pháp dân chủ, để xây dựng nhà nước pháp quyền; qua đó thể hiện quyền tự do dân chủ thực sự của Nhân dân dưới chế độ mới; khẳng định bước ngoặt mới, thắng lợi có ý nghĩa lớn nhất của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX.

Ngày 17-09-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử tiến hành vào ngày 23-12-1945; rồi hoãn đến ngày chủ nhật 6-01-1946 để tạo điều kiện cho công việc chuẩn bị chu đáo hơn nữa, nhất là các ứng cử viên tổ chức vận động tranh cử.

Phát biểu tại buổi ra mắt ứng cử viên tại Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội), Hồ Chủ tịch nói: “Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi, ta đã tranh được độc lập... Biết bao người đã bị bắn, bị chém đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Lao Bảo, Ban Mê Thuật... mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay...”(2).

Một ngày trước ngày bầu cử, ngày 05-01-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu “Ngày mai mồng 6 tháng 01 năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Bầu cử Quốc hội cũng là một cách chứng tỏ cho thế giới biết Nhân dân Việt Nam đã “kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội là “một ngày vui sướng của đồng bào ta”, vừa vinh dự, vừa khẳng định quyền dân chủ thật sự của mình, quyền cầm lá phiếu với ý nghĩa to lớn chưa hề có trong lịch sử. Vinh dự và quyền lợi gắn liền với trách nhiệm “là phải chọn ra những người xứng đáng để gánh vác việc nước, những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu, không ai ép, không ai mua” toàn dân thực hiện cái quyền dân chủ ấy.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, khắp cả nước từ Bắc chí Nam, đồng bào đã sôi nổi tham gia Tổng tuyển cử. Trong vùng bị tạm chiếm ở miền Nam đồng bào ta vẫn hăng hái tham gia bầu cử. Nhiều cán bộ, đảng viên vì hoạt động cho bầu cử đã bị giặc bắt bớ, bắn giết. Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - Quốc hội khóa I đã được toàn dân bầu ra; những việc quan trọng nhất Quốc hội đã làm là: Tuyên bố kháng chiến cứu nước; thông qua Hiến pháp mới; thông qua Luật cải cách Ruộng đất.

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào, với Tổ quốc”. Năm 1960, trong bài “Quốc hội ta vĩ đại thật”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh Đại biểu Quốc hội: “Để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân, nhiệm vụ của mỗi đơn vị đại biểu là phải:

- Thực hành cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

- Một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội.

- Luôn gương mẫu trong việc thi đua sản xuất thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

Nói tóm lại phải lấy việc làm thực tế mà hướng dẫn nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(4).

70 năm đã qua kể từ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, giờ đây, toàn dân đang náo nức cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp bầu cử Quốc hội khóa I, Quốc hội khóa XIV là một Quốc hội cho thời kỳ hội nhập sâu và liên kết rộng. Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo trong điều kiện mới, thiết chế của hoạt động Quốc hội vẫn là phải nhằm mục tiêu tối thượng là bảo vệ độc lập chủ quyền của quốc gia dân tộc, đưa nền kinh tế quốc dân phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Như vậy, việc ổn định chính trị, cấu trúc lại nền kinh tế… được đặt ra và cần một hệ thống giải pháp với tư cách Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Vai trò của Quốc hội được xác định nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một Quốc hội sử dụng tối đa quyền lực được nhân dân giao, hoạt động lập pháp trong quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và tăng cường hoạt động giám sát đi vào thực chất hơn, chức năng diễn đàn, chức năng đại diện được vận hành và tăng cường... sẽ là thước đo vai trò của Quốc hội trong kỷ nguyên toàn cầu. Nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh của đại biểu Quốc hội vẫn là vấn đề hàng đầu của Quốc hội trong thời hội nhập. Những vấn đề nóng bỏng của đất nước, của đời sống người dân, của cuộc sống phải được những người đại diện cho dân - với trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức phục vụ nhân dân - thảo luận trong diễn đàn Quốc hội và tìm ra phương án tối ưu.

Để đạt được tới bước có ý nghĩa lâu dài và cơ bản đó thì trước hết ngày 22-5-2016, tất cả các cử tri phải thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, và trách  nhiệm của mình để chọn được những người xứng đáng thay mặt mình gánh vác việc nước trong giai đoạn đặc biệt của đất nước này khi cơ hội và thách thức đan xen.

 

(1). Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà XB Chính trị Quốc gia - Tập 4 - trang 8.

(2, 3). Hồ Chí Minh sđd - Tập 4 - trang 147.

(4). Hồ Chí Minh sđd - Tập 10 - trang 170.


    Ý kiến bạn đọc