Công tác quản lý, sử dụng các công trình ghi công Liệt sỹ - Một số vấn đề cần quan tâm
EmailPrintAa
17:25 11/05/2022

Trên địa bàn tỉnh hiện có 258 công trình ghi công Liệt sỹ đang được các địa phương thường xuyên sử dụng (12 nghĩa trang Liệt sỹ, 134 đài tưởng niệm, 105 nhà bia tưởng niệm, 7 đền thờ/nhà thờ Liệt sỹ) và 5 công trình hiện không sử dụng do sau sáp nhập các địa phương có kế hoạch di chuyển về trung tâm hành chính mới của xã. Trong tổng số các công trình đang sử dụng hiện nay có trên 146 công trình cần nâng cấp, sửa chữa, xây mới tuy nhiên nguồn kinh phí hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn.

Những kết quả đáng ghi nhận

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng; thời gian qua, Hà Tĩnh đã thực làm tốt công tác  “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng Liệt sỹ, trong đó việc xây dựng, nâng cấp, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ bảo đảm sạch đẹp, tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu thăm viếng, tưởng niệm, dâng hương của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, sau sáp nhập đơn vị hành chính hiện nay toàn tỉnh có 258 công trình ghi công đang được các địa phương thường xuyên sử dụng, các công trình đều do cấp huyện, xã quản lý. Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết chính sách cho 301.135 lượt hồ sơ thuộc 12 nhóm đối tượng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công, trong đó chi trả trợ cấp hàng tháng hơn 40.000 người và các chính sách liên quan với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Đoàn khảo sát tại nhà bia tưởng niệm Liệt sỹ xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh.

Từ những năm 1975, 1976 mặc dù gặp muôn vàn khó khăn sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm chống đế quốc Mỹ nhưng tỉnh Nghệ Tĩnh lúc ấy đã kịp thời xây dựng mới một số Nghĩa trang Liệt sỹ (NTLS) để tưởng niệm những chiến sỹ đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập cho nước nhà, thống nhất đất nước. Trong đó có 6 NTLS thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, bao gồm 02 công trình được xây dựng năm 1975: NTLS huyện Nghi Xuân (Xuân Mỹ) và NTLS thị xã Hà Tĩnh (Đại Nài); 04 công trình xây dựng năm 1976: NTLS huyện Kỳ Anh (Kỳ Thọ), NTLS huyện Can Lộc (Thiên Lộc), NTLS huyện Đức Thọ (Tân Dân) và NTLS huyện Hương Khê (Phú Phong). Tiếp đó, năm 1977, NTLS huyện Cẩm Xuyên (thị trấn Cẩm Xuyên) và năm 1978 NTLS huyện Hương Sơn (Sơn Châu) cũng được hoàn thành.

Đến năm 1986, đài tưởng niệm Liệt sỹ (TNLS) xã Kỳ Phú được hoàn thiện và đưa vào sử dụng; năm 1989, đài TNLS thị trấn Cẩm Xuyên (Cẩm Huy) được hoàn thành. Tiếp đó, từ năm 1991 đến năm 2022, hầu hết năm nào cũng có ít nhất 1 công trình TNLS được hoàn thành đưa vào sử dụng; trong đó năm ít nhất là năm 1991 có 01 công trình (đài TNLS xã Kỳ Thượng) và năm nhiều nhất là năm 1997 với 39 công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Một số năm có nhiều công trình được hoàn thành như: Năm 1994 với 14 công trình, năm 1995 xây dựng mới 15 công trình, năm 1996 là 13 công trình, năm 1998 với 23 công trình, năm 2000 có 12 công trình, năm 2002 có 15 công trình, năm 2004 là 13 công trình… Có thể nói, dù trong gian khổ, đời sống người dân còn thiếu thốn, ngân sách hạn hẹp nhưng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tri ân các anh hùng Liệt sỹ nên các công trình tưởng niệm đều được quan tâm đầu tư xây dựng. Đây là những địa chỉ đỏ cho người dân, cán bộ, chính quyền hàng năm thắp nén tri ân đối với các anh hùng, Liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống yên bình cho muôn triệu người dân Việt Nam.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 21/01/2015 Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quyết định số 04/2015/QĐ- UBND ngày 21/01/2015 về quản lý, sử dụng các công trình ghi công Liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, xã đã thành lập Ban quản lý các công trình ghi công Liệt sỹ trên địa bàn để tiếp nhận, an táng hài cốt Liệt sỹ, dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân vào các dịp lễ, tết, ngày thương binh, Liệt sỹ. Đối với 11 nghĩa trang Liệt sỹ, 02 đài tưởng niệm anh hùng Liệt sỹ do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý; các địa phương hợp đồng 01-2 người làm nhiệm vụ quản trang với mức phụ cấp 2-4 triệu người/tháng. Các công trình ghi công cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp xã giao các đoàn thể quản lý hoặc hợp đồng 01 người làm nhiệm vụ bảo vệ trụ sở Ủy ban nhân dân kiêm trông coi, bảo vệ, hương khói tại đài tưởng niệm, nhà bia, đền thờ Liệt sỹ với mức hỗ trợ từ 100.000 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Nhiều công trình bị xuống cấp

Qua khảo sát công tác quản lý, sử dụng các công trình ghi công Liệt sỹ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2022, của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy: Mặc dù giai đoạn 2015- 2021, các cấp đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công Liệt sỹ với tổng kinh phí trên 177 tỷ đồng nhưng hiện nay theo thống kê của Ngành Lao động Thương binh và Xã hội có 146 công trình cần nâng cấp, sửa chữa, xây mới (28 công trình xây mới; 118 công trình nâng cấp, sửa chữa), gồm: 9 nghĩa trang Liệt sỹ cấp huyện; 67 đài tưởng niệm Liệt sỹ cấp huyện/xã; 79 nhà bia tưởng niệm Liệt sỹ và 01 đền thờ Liệt sỹ cấp xã. Có nhiều công trình được xây dựng cách đây gần 50 năm; đa số công trình xây dựng trong khuôn viên trụ sở xã, diện tích hạn chế, kinh phí xây dựng ít nên theo thời gian đã có nhiều hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng nhưng kinh phí duy tu, bảo dưỡng khó khăn do đó tình trạng xuống cấp càng thêm trầm trọng. Trong tổng số 258 công trình đang sử dụng và 5 công trình không sử dụng có 112 công trình chưa từng được sửa chữa, nâng cấp lớn.

Công tác quản lý, sử dụng các công trình còn có những bất cập, một số địa phương chưa thực sự quan tâm chăm sóc, dẫn đến khuôn viên, cảnh quan môi trường chưa sạch đẹp, trang nghiêm. Kinh phí hỗ trợ chủ yếu từ nguồn Trung ương, nguồn từ ngân sách tỉnh không đáng kể; các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường chưa chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công trên địa bàn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, còn trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên nên nhiều công trình bị hư hỏng nặng như công trình tại xã Kỳ Thượng, Kỳ Lạc…

Một số xã tronng Khu kinh tế Vũng Áng, phải di dời địa điểm trung tâm hành chính xã, trong khi công trình ghi công Liệt sỹ vẫn ở địa điểm cũ, việc quản lý, sử dụng, chăm sóc ít được quan tâm, làm cho công trình nhanh bị xuống cấp, ảnh hưởng đến tính thiêng liêng, tôn nghiêm của các công trình.

Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ người làm công tác quản trang mỗi địa phương một mức, chưa có sự thống nhất; công tác vận động xã hội hóa nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công Liệt sỹ cũng như kết quả vận động thu quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp hàng năm gặp nhiều khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công trình ghi công Liệt sỹ bị xuống cấp như hiện nay.

Một số vấn đề cần quan tâm

Từ trực trạng công tác xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình ghi công Liệt sỹ, đặt ra một số vấn đề cần quan tâm: Cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với việc xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công Liệt sỹ. Trước mắt, phải tiến hành rà soát thực trạng cơ sở vật chất tất cả các công trình để xem xét, tham mưu ban hành chính sách phù hợp cho lĩnh vực này. Chỉ đạo, hướng dẫn để có cách làm thống nhất giữa các địa phương về mô hình quản lý, chính sách hỗ trợ cho quản trang; quan tâm bảo vệ, chăm sóc để đảm bảo các công trình luôn bền đẹp, tôn nghiêm, xứng đáng là các công trình lịch sử, văn hóa, tâm linh, phục vụ nhu cầu thăm viếng, dâng hương của Đảng bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Có hướng chỉ đạo cụ thể đối với việc xây dựng, nâng cấp các công trình ghi công Liệt sỹ tại các xã, phường, thị trấn sáp nhập địa giới hành chính hoặc phải di dời địa điểm để giải phòng mặt bằng phục vụ các dự án trong khu kinh tế, đảm bảo phù hợp, thiết thực, tránh lãng phí. Tiếp tục tăng cường công tác xã hội hóa trong nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công Liệt sỹ.

Trương Liên

    Ý kiến bạn đọc