Đầu tư cho xây dựng, hoàn thiện thể chế là đầu tư cho sự phát triển
EmailPrintAa
15:00 16/09/2021

Sáng nay 16/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Theo báo cáo, hệ thống pháp luật của nước ta đến nay đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm QP-AN, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng, và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải điều hành tại điểm cầu Hà Tĩnh

Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống chính trị đã rất nỗ lực trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản, ban hành theo thẩm quyền 745 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định. Các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch. Các địa phương ban hành 92.799 văn bản.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và lãnh đạo một số sở, ngành cùng tham dự

Tính từ đầu năm 2021, với phương châm đặt trọng tâm vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, phát hiện nhiều hạn chế, bất cập; thực hiện sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền, đồng thời xây dựng nhiều báo cáo, dự án trình Quốc hội. Tuy nhiên, hiện trạng thể chế vẫn còn một số bất cập như: một số chủ trương, chính sách chưa được thể chế hoá kịp thời, đầy đủ; hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh; việc tổ chức thi hành pháp luật còn chưa được quan tâm đúng mức…

Theo Bộ Tư pháp, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021 - 2026, định hướng đến năm 2030 cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản như: Quán triệt sâu sắc và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đảm bảo xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường… nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo thượng tôn pháp luật; chú trọng xử lý các khía cạnh pháp lý của quá trình hội nhập.

Qua phân tích những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập trong hệ thống pháp luật như vẫn còn cồng kềnh; một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, dự báo chưa cao; Đồng thời kiến nghị, đề xuất thay đổi, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức thi hành; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo sự phát triển thông suốt của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ phát biểu

Kết luận Hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các địa phương. Yêu cầu các bộ, ngành từ trung ương và địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, rà soát những vướng mắc từ thực tiễn, bố trí cán bộ có năng lực, đầu tư thời gian, công sức tổ chức một cách khoa học có lộ trình thực hiện. Thủ tướng yêu cầu bám sát vào 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược để cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Đảng, xây dựng thể chế thực sự là đòn bẩy, động lực của sự phát triển./.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc