Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta
EmailPrintAa
21:09 02/09/2023

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đập tan ách thống trị hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân, phát xít; thiết lập nền dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân lao động làm chủ đất nước. Sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là bước nhảy vọt trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Đón thời cơ, chỉ đạo kịp thời

Trong những năm cuối của cuộc vận động giải phóng dân tộc (1941 - 1945), khi phân tích diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát xít và Đồng minh, Hồ Chí Minh đã dự liệu thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về phe dân chủ và nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến rất gần, tình thế cách mạng sắp xuất hiện. Theo PGS.TS. Trần Vũ Tài, Đại học Vinh: “Nhờ phán đoán tài tình như vậy nên Hồ Chí Minh đã phát động toàn Đảng, toàn dân tích cực chuẩn bị để đón thời cơ”.

Xe loa phát lệnh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Xe loa phát lệnh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp, giành hoàn toàn quyền kiểm soát Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12.3.1945), phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. “Đảng Cộng sản Đông Dương đã đánh giá về việc Nhật đảo chính Pháp, đó là đã tạo ra một tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, làm cho điều kiện cuộc khởi nghĩa vũ trang đi đến chỗ chín muồi nhanh chóng . Sau cuộc đảo chính, phát xít Nhật trở thành kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam, khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp được thay thế bằng khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật ”, PGS.TS. Trần Vũ Tài cho hay.

Nhận xét về cao trào kháng Nhật cứu nước, một trong những yếu tố quyết định, kịp thời cho thành công của Cách mạng tháng Tám, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, đây là bước tập dượt quan trọng về chính trị và đấu tranh vũ trang, chuẩn bị cho quần chúng chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. “Như vậy, từ năm 1940 đến trước ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chủ trương xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang về chính trị của Đảng đã đem lại hiệu ứng tích cực, tạo sự gắn kết, tác động tương hỗ giữa hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, tạo tiền đề đưa phong trào cách mạng lên cao”.

Từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa

Phân tích những quyết sách đúng đắn của Đảng thời kỳ này, TS. Ngô Vương Anh, Báo Nhân Dân cho biết, tại Hội nghị Trung ương 8 (5.1941), lần đầu tiên Đảng chỉ rõ: "... một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn". Chủ trương đó đã được triển khai sâu rộng, sáng tạo trong thực tiễn cách mạng ở các địa phương trong cao trào tiền khởi nghĩa.

Tháng 6.1945, Khu Giải phóng Việt Bắc gồm hai căn cứ lớn với nhiều chiến khu trên địa bàn sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái được thành lập theo quyết định của Hội nghị cán bộ Tổng bộ Việt Minh. Trong Khu Giải phóng, Mặt trận Việt Minh đã từng bước đảm nhiệm những chức năng của chính quyền nhân dân. Ủy ban Cách mạng Khu giải phóng và các Ủy ban do dân cử được hình thành, tổ chức thực hiện 10 chính sách của Việt Minh.

TS. Ngô Vương Anh phân tích: dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh, trong cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới tổng khởi nghĩa, chính quyền cách mạng đã xuất hiện dưới nhiều hình thức. Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp, UBND cách mạng trong Khu Giải phóng Việt Bắc và các chiến khu chống Nhật trong cả nước đã hoạt động hiệu quả. Tại những “xã hoàn toàn”, “tổng hoàn toàn”, “châu hoàn toàn” ở căn cứ địa Cao Bằng, các đội du kích hoạt động mạnh. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân tiến công quân Nhật để mở rộng vùng giải phóng đã giành thắng lợi ở nhiều nơi...

Tại nhiều địa phương, phong trào tự vệ, du kích, các căn cứ địa, an toàn khu phát triển. Nhiều nơi có phong trào phát triển mạnh đã hình thành các căn cứ cách mạng như: ở Bắc Giang có căn cứ Hiệp Hòa - Yên Thế; Phú Thọ - Yên Bái có chiến khu Vần - Hiền Lương; Kiến An có căn cứ Kim Sơn (Kiến Thụy), Câu Trung (An Lão); Thanh Hóa có chiến khu Ngọc Trạo; Hà Tĩnh có căn cứ Đá Bạc; Quảng Trị có các căn cứ Phú Long và Cùa…

Theo TS. Ngô Vương Anh, chủ trương đưa cách mạng đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa là phát triển sáng tạo của Đảng và Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo giai đoạn cuối của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đường lối đúng đắn, sáng tạo này được các Đảng bộ địa phương thực hiện nghiêm túc, song linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.

“Hệ quả là Mặt trận Việt Minh cùng các cuộc khởi nghĩa từng phần, sức mạnh giai cấp và toàn dân tộc được nhân lên cấp độ cao nhất, mang đậm tinh thần chủ động, tự cường, sẵn sàng đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, để khi thời cơ đến kịp thời lãnh đạo nhân dân đồng lòng kiên quyết đứng lên tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945”, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.

Mở ra cuộc trung hưng mới của dân tộc

Chỉ trong vòng 12 ngày, từ 14 - 25.8, với tinh thần cách mạng tiến công, với sức mạnh đoàn kết chiến đấu của cả dân tộc Việt Nam, tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã diễn ra nhanh gọn, ít đổ máu, dưới nhiều hình thái sinh động và giành thắng lợi vẻ vang.

Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Đinh Quang Hải đánh giá, tổng khởi nghĩa tháng Tám nổ ra trong điều kiện thời cơ đã chín muồi, lực lượng quần chúng được rèn luyện qua đấu tranh. “Nhưng quan trọng nhất là lực lượng cách mạng của toàn dân tộc đã tạo được ưu thế áp đảo, cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa đã nắm được chủ trương chung của Đảng, có phương pháp khởi nghĩa đúng, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương đã nhanh nhạy, chủ động, sáng tạo, kiên quyết, mềm dẻo, khôn khéo phát động và lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa lật đổ chính quyền bù nhìn tay sai, thành lập chính quyền cách mạng”.

Thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã chứng minh bản lĩnh và tài nghệ lãnh đạo cách mạng, nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng do Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo. Nghệ thuật đó được biểu hiện tập trung trong việc dự đoán xu thế phát triển của tình hình và xác định đúng thời điểm phát xít Nhật đầu hàng để phát động tổng khởi nghĩa. Việc chọn đúng thời điểm để kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa xuất phát từ thực lực của cách mạng Việt Nam, từ tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” và sự nhạy bén, kịp thời tận dụng thời cơ.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi nhanh chóng nhờ vai trò hàng đầu của Mặt trận Việt Minh. Chương trình Việt Minh chứa đựng nguyện vọng độc lập tự do của toàn dân; tuyên bố làm cho nước Việt Nam độc lập, dân Việt Nam hạnh phúc và thiết lập ở Việt Nam một chế độ dân chủ với sự tham gia của đông đảo nhân dân, như tinh thần của Tuyên ngôn độc lập 2.9; đó là mục đích cao nhất của Việt Minh.

“Nhìn lại thành quả của Cách mạng tháng Tám đến sự kiện khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 2.9.1945, có thể đi đến một nhận định tổng quát ngắn gọn về sự kiện lịch sử vĩ đại đã diễn ra cách đây 78 năm. Đó là cuộc cách mạng chủ động, sáng tạo đưa đất nước, dân tộc thoát khỏi chế độ thuộc địa, phong kiến, mở ra một cuộc trung hưng mới của dân tộc; làm cho người dân Việt Nam thực sự đổi đời…”,  TS. Ngô Vương Anh nhấn mạnh.

Báo daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc