Gắn với nhu cầu của người học
EmailPrintAa
08:37 31/01/2013

Đào tạo nghề cho nông dân là một chủ trương lớn của nhà nước, đã đáp ứng nhu cầu được học nghề của lao động nông thôn. Trao đổi với phóng viên ĐBND, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC VÀ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NÔNG DÂN Ở VĨNH PHÚC ĐƯỜNG VĂN TOÁN cho rằng, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân cần gắn với nhu cầu của người học. Và để tăng được sức cạnh tranh trên thị trường, thì việc đào tạo nghề trong nông nghiệp rất cần thiết về kỹ năng để trở thành ông chủ trong sản xuất hàng hóa.

- Đề án 1956 đã triển khai được gần 2 năm nhằm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Vậy Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghề cho nông dân đã triển khai đề án này như thế nào?

GĐ Đường Văn Toán: Để triển khai Đề án về đào tạo nghề cho nông dân, thì Trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho nông dân về các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi nắm bắt nhu cầu thông qua kết quả điều tra của Sở Lao động Thương binh và Xã hội để nắm bắt được nhu cầu đào tạo nghề cho nông dân từ nay đến năm 2015, 2020. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu này cũng phải được cân nhắc để gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp của Vĩnh Phúc trong những năm tới để bảo đảm tính sát hợp hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, đơn vị chúng tôi mới nhận nhiệm vụ đào tạo nghề, nên chúng tôi cũng tăng cường đi xây dựng các trang trại điển hình, lấy đó là cơ sở để bà con nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển nông nghiệp. Tôi cho rằng, nghề nông nghiệp khác với  nghề phi nông nghiệp. Nghề nông nghiệp có những nghề đơn thuần chỉ làm bằng kinh nghiệm truyền thống nhiều năm rồi thành công, có những nghề chỉ cần hướng dẫn, có những nghề chỉ huấn luyện ngắn hạn, có những nghề phải đào tạo bài bản. Chúng tôi đang chuẩn bị những điều kiện tối thiểu để đến năm 2012 mong rằng có thể  triển khai tốt đào tạo nghề tốt cho lao động nông thôn.

- Thực tế, khi triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trung tâm có gặp khó khăn gì không thưa ông?

GĐ Đường Văn Toán: Hiện nay, thì chúng tôi cũng đã đào tạo thử cho bà con nông dân để từ đó rút ra kinh nghiệm. Chúng tôi cũng đề nghị cấp trên nên có quy hoạch cụ thể, xác định được nhu cầu đào tạo nghề sao cho gắn với quy hoạch của phát triển nông nghiệp cho nông dân. Một điều nữa, đào tạo nghề cho nông nghiệp ở từng vùng, miền là khác nhau, cây trồng vật nuôi khác nhau và ngay cả yêu cầu của nông dân Vĩnh Phúc trình độ dân trí cũng khác nhau, điều kiện về học nghề cũng khác nhau . Nên chúng tôi thấy rằng, để làm tốt công tác đào tạo nghề cho nông dân cần gắn với nhu cầu của họ thì tốt nhất chúng ta phân loại ra, nắm nhu cầu để phân loại cho kỹ lưỡng và theo chúng tôi thì phát thẻ cho bà con nông dân. Đồng thời, hướng dẫn, tư vấn cho bà con để họ có quyền chọn nghề nào đó, chọn trường nào đó, chọn thầy giáo giảng nào đó, chọn quy mô lớp học dài hay ngắn cho phù hợp thì hiệu quả sẽ cao hơn. Chứ chúng ta không áp đối với họ là phải học lớp này, chương trình này, thời gian từng này được hưởng từng này tiền mà nên phát cho họ một cái thẻ 1 triệu, 2 triệu tuỳ theo chính sách nhưng người ta có thể lựa chọn  1 hay 2 nghề để theo học. Có những nghề không cần phải học dài, ví dụ nghề sản xuất chăn nuôi lợn thịt thì làm sao phải học 3 tháng, chỉ cần 10 ngày là xong, là có thể tự chăn nuôi được rồi. Thực tế, nghề nông nghiệp hiện tại có những nghề cần phải làm đa dạng kinh tế, người ta phải làm nhiều việc, vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt vừa làm nghề phụ khác. Có những nghề cần phải học chuyên sâu, và nếu mình phát thẻ thì cơ hội lựa chọn của người nông dân tốt hơn, phù hợp hơn. Tôi nghĩ đó là việc làm thiết thực cho đời sống của họ, cho tương lai của họ, chính vì vậy, họ là người quyết định, chứ không phải người dạy là người quyết định.

- Theo khảo sát thì hiện nay các trung tâm đào tạo nghề đang thiếu giáo viên đào tạo nghề chuyên sâu cho lao động nông thôn. Để bảo đảm được chất lượng đào tạo nghề thì trung tâm mình đã chuẩn bị nguồn nhân lực này như thế nào?

GĐ Đường Văn Toán: Trung tâm của chúng tôi cũng rất may mắn là đội ngũ giáo viên tại trung tâm đa phần là giảng viên trẻ, tâm huyết với nghề nghiệp, có trình độ. Trước đây, Trung tâm cũng đã cử cán bộ công nhân viên chức, giảng viên đi học bồi dưỡng nâng cao. Những trường hợp chưa qua chứng chỉ sư phạm nghề thì hiện nay chúng tôi đã hoàn thiện đầy đủ. Chúng tôi cũng giao cho giảng viên viết tài liệu sau khi đi tham khảo ý kiến bà con nông dân. Trong thời gian 3 năm chúng tôi tiếp xúc được với bà con nông dân xem người ta cần nghề gì, thiếu nghề gì để đào tạo, thậm chí đi làm thuê cho các trang trại, làm thuê cho các hộ. Làm thuê ở đây không có nghĩa là làm nghề chỉ lấy tiền công như lao động thông thường mà phải tiếp xúc với họ để trải nghiệm qua thực tiễn, và một số giảng viên có điều kiện mở trang trại tự sản xuất, lấy kiến thức đó, từ trải nghiệm thực tiễn đó có kiến thức giảng bài cho bà con nông dân. Hay những dịp cuối năm, chúng tôi khuyến khích liên kết với các trang trại, đưa sản phẩm ra thị trường để thấy rằng thị trường người ta yêu cầu những cái gì. Chúng tôi không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng về kỹ thuật sản xuất trồng trọt, cây trồng vật nuôi mà còn phải biết lựa chọn cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc lựa chọn những cây con đặc sản là rất quan trọng vì Vĩnh Phúc là tỉnh đặc trưng bởi kinh tế nông nghiệp đô thị chứ không phải là nông nghiệp đơn  thuần. Bên cạnh đó, trang bị cho nông dân kiến thức thị trường, kỹ năng tiếp xúc, giao tiếp bán hàng  là rất cần thiết. Chúng tôi cũng muốn đưa thêm một chương trình đào tạo nữa bảo đảm ra là thành ông chủ. Đây là điều mà Đề án 1956 chưa nói rõ về vấn đề này, đây cũng là điều khác với đào tạo nghề phi nông nghiệp. Nghề phi nông nghiệp là đào tạo xong anh có thể về làm thợ, anh có thể về làm thuê cho các cơ sở, nhưng ở nông nghiệp thì kinh tế hộ vẫn là cơ bản nên kinh tế hộ vẫn là chủ thể chủ đạo, chưa có những trang trại lớn, chưa có những doanh nghiệp lớn. Cho nên, những người học nghề nông nghiệp phải có kiến thức, ý chí phấn đấu để trở thành ông chủ trong quản lý, trong điều hành, trong tiếp cận với thị trường, trong giao tiếp làm chủ kỹ thuật. Theo tôi, đào tạo nghề trong nông nghiệp rất cần thiết về nội dung đào tạo kỹ năng để trở thành ông chủ trong sản xuất hàng hóa.

- Hiện nay, đang tồn tại tình trạng học viên sau khi đã được đào tạo nghề vẫn không có điều kiện để theo đuổi nghề mình đã học. Trong quá trình đào tạo, Trung tâm có phương án liên kết với những cơ sở sản xuất để tạo điều kiện đầu ra cho học viên không thưa ông?

GĐ Đường Văn Toán: Chúng tôi cho rằng, khi quyết định học nghề gì thì phải có thời gian cho bà con cân nhắc, tư vấn học nghề là điều quan trọng. Chúng tôi tiến hành tư vấn giới thiệu nghề theo học sẽ có cơ hội như thế này, lợi ích như thế kia để từ đó bà con căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Ví dụ, học nghề thuỷ sản thì phải có ao nuôi về thuỷ sản, học về chăn nuôi thì phải có đất để làm trang trại tương đối rộng và căn cứ vào đó thì bà con quyết định đi học nghề đó, chứ không phải là cứ theo học lấy cái nghề mà chưa tính được đầu ra. Vì đặc trưng của nghề nông nghiệp là học xong thì tự mình tìm việc cho chính mình. Do đó, theo tôi là tư vấn cho bà con học nghề, thậm chí là cho bà con tham quan và tìm hiểu được thành công cũng như thất bại của từng nghề để xem có phù hợp với mình không. Đợt vừa rồi, Trung tâm mới mở lớp chăn nuôi con đặc sản: dế, nhím, lợn rừng, dê…Ở đây, khi mở lớp chúng tôi không chỉ cung cấp kiến thức về kỹ thuật mà còn còn cung cấp kiến thức về thị trường, người nông dân cần phải làm chủ trong quá trình sản xuất và đưa hàng hoá đó ra thị trường. Điều này, người nông dân thiếu nhiều lắm. Kỹ thuật cũng đã quan trọng rồi nhưng thay đổi tư duy nhận thức mới là điều rất quan trọng. Khi có đủ điều đó rồi thì mới tạo được thế cạnh tranh. Tất nhiên, đây là điều không phải dễ thực hiện và đòi hỏi tất cả những người nông dân đều có thể làm được nhưng một bộ phận tiên tiến, và một bộ phận có điều kiện đi trước vẫn có thể làm và chúng tôi đang hướng tới mục tiêu này.   

- Xin cám ơn ông!

Hà An thực hiện
Nguồn Báo Đại biểu nhân dân

    Ý kiến bạn đọc