Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập luôn rực cháy ngọn lửa yêu nước. Năm 1925, khi đang dạy học ở Trường Tiểu học Nha Trang, Hà Huy Tập đã tham gia vào Hội Phục Việt (sau đổi là Tân Việt cách mạng Đảng). Ngày 26/1/1926, Hà Huy Tập tổ chức lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh, gây tiếng vang lớn. Thấy vậy, chính quyền thực dân đã điều Hà Huy Tập về Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh). Ở đây, Anh đã đi sâu tìm hiểu đời sống của người dân nghèo, vận động, tổ chức dạy chữ quốc ngữ và tuyên truyền mở rộng tổ chức Tân Việt trong công nhân ở các nhà máy khu vực Vinh - Bến Thủy. Tháng 3/1927, Anh được tổ chức điều vào Nam Kỳ hoạt động. Sau vụ án mạng ở đường Bác-bi-ê, mật thám tịch thu được nhiều tài liệu của Kỳ bộ Tân Việt, trong đó, có một số bài viết của Hà Huy Tập. Biết đã bị lộ, Kỳ bộ Tân Việt đưa Hà Huy Tập tạm lánh sang Trung Quốc. Ở đây, Hà Huy Tập được Lãnh sự quán Liên Xô ở Thượng Hải giới thiệu sang học Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Trong thời gian học tập ở Trường Đại học Phương Đông, Hà Huy Tập được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô và đã có nhiều bài báo viết về phong trào yêu nước ở Việt Nam. Với tác phẩm quan trọng: “Lịch sử Tân Việt cách mạng Đảng” (tháng 10/1929), Hà Huy Tập là người đầu tiên khẳng định với Quốc tế Cộng sản về vai trò chính trị của Tân Việt trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản và sự phát triển của phong trào công nhân ở Việt Nam. Năm 1933, Hà Huy Tập đã biên soạn quyển sách: “Sơ thảo lịch sử phong trào Đông Dương”, tác phẩm này đã đánh giá công lao của Nguyễn Ái Quốc trong việc thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo động lực to lớn cho phong trào cách mạng ở Đông Dương. Hà Huy Tập là người viết lịch sử Đảng đầu tiên ở Việt Nam.
Trước tình hình phong trào Xô viết ở Nghệ - Tĩnh bị địch đàn áp dã man, bộ máy Đảng từ Trung ương đến cơ sở bị phá vỡ, Hà Huy Tập đã tìm cách trở về nước hoạt động. Tháng 3/1934, ở Ma Cao (Trung Quốc), Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong và một số cán bộ của Đảng đã thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài nước để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ nhất. Có thể nói, Hà Huy Tập là linh hồn của Đại hội Đảng lần thứ nhất họp từ ngày 27 - 31/3/1935. Do việc Lê Hồng Phong đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Hà Huy Tập là người soạn thảo các văn kiện, đồng thời, vừa chủ trì trình bày Báo cáo chính trị, Điều lệ Đảng và các nghị quyết quan trọng, vừa điều hành đại hội. Đại hội đã bầu BCH Trung ương do Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký, Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ngoài nước. Nhưng sau đại hội, khi trở về nước, hầu hết các đồng chí trong BCH Trung ương đều bị địch bắt. Trước tình hình đó, hội nghị Ban Chỉ huy ngoài nước tháng 7/1936 đã cử Hà Huy Tập về nước để khôi phục lại BCH Trung ương và các tổ chức đảng ở trong nước. Công việc đầu tiên của Hà Huy Tập là khôi phục tổ chức đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng sau thoái trào. Hội nghị cán bộ tháng 10/1936 đã bầu BCH Trung ương lâm thời, Hà Huy Tập chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 3/1937, Hà Huy Tập chủ trì hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc. Từ đây, bộ máy của Đảng từ Trung ương đến cơ sở đi vào hoạt động. Chỉ trong hơn 1 năm, với ý thức trách nhiệm và tinh thần cách mạng cao cả, hoạt động không mệt mỏi, không sợ hy sinh, gian khổ, Hà Huy Tập đã cơ bản khôi phục được tổ chức đảng trong cả nước. Tháng 3/1938, tại Bà Điểm, Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì hội nghị BCH Trung ương quyết định nhiều nội dung quan trọng để tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức đảng và lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới, đấu tranh cho những cải cách dân chủ ở Đông Dương và đặc biệt, chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Vào thời điểm cách mạng Việt Nam phát triển trong bối cảnh thế giới tập trung lực lượng ngăn ngừa thảm họa phát xít và trước những cải cách do Mặt trận Nhân dân Pháp đề ra, Đảng triển khai những chủ trương mới, thì nội bộ Đảng xuất hiện nhiều luồng tư tưởng, trong đó, nguy hại nhất là phái
Tờ-rốt-kít chống lại chủ trương của Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ. Tổng Bí thư Hà Huy Tập với các bút danh khác nhau đã vào cuộc trên mặt trận đấu tranh tư tưởng bằng nhiều bài báo sắc nhọn và xuất bản quyển sách: “Tờ-rốt-kít và phản cách mạng”. Quyển sách nêu rõ sự nguy hại của chủ nghĩa Tờ-rốt-kít và khuyến cáo hãy cảnh giác với kẻ thù nguy hiểm này. Hà Huy Tập đã đứng vững và đi đầu trong cuộc đấu tranh chống bọn Tờ-rốt-kít gắn với cuộc đấu tranh chống phát xít và ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp; vận động thành lập Mặt trận Nhân dân Đông Dương (sau này là Mặt trận Dân chủ Đông Dương), tập hợp đông đảo nhân dân trong phong trào yêu nước, đấu tranh cho dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giữa lúc tổ chức đảng ở hầu hết các tỉnh và các cơ sở được khôi phục, phong trào cách mạng đang bước vào giai đoạn mới, thì tháng 5/1938, Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, rồi đưa về quản thúc ở quê nhà. Trong thời gian bị quản thúc, Hà Huy Tập đã tìm cách liên lạc với các đảng viên ở đây, góp phần quan trọng vào việc khôi phục BCH Đảng bộ và cơ sở đảng ở huyện Cẩm Xuyên. Tháng 3/1940, địch lại bắt Hà Huy Tập giải vào Sài Gòn, lấy cớ có trách nhiệm tinh thần đối với khởi nghĩa Nam Kỳ để tuyên án tử hình. Đứng trước tòa án thực dân, Hà Huy Tập hiên ngang tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động” và trước mũi súng quân thù, Anh hô to: “Cách mạng muôn năm!”. Cùng với lời căn dặn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Trần Phú, Hà Huy Tập hô vang: “Cách mạng muôn năm!” đã nói lên khí phách hiên ngang, ý chí và niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng của 2 đồng chí Tổng Bí thư Đảng ta, người con quê hương Hà Tĩnh. Quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, tự hào đã sinh ra và nuôi dưỡng các anh cùng với lớp lớp chiến sĩ cách mạng đi theo Đảng, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Sau khởi nghĩa chống Pháp vang dội của chí sĩ Phan Đình Phùng, quê hương các anh làm nên phong trào Xô viết, chiến đấu kiên cường, góp công to lớn cùng với cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám, đánh thắng “2 đế quốc to” giành thống nhất giang sơn. Ngày nay, ghi nhớ lời Bác dặn, phát huy tư tưởng cách mạng và tầm nhìn xa, trông rộng của các anh, Hà Tĩnh đang “nổi bật lên”, quyết tâm xóa đói nghèo, từng bước vươn lên giàu mạnh trong công cuộc đổi mới theo con đường Đảng vạch ra, tiếp nối sự nghiệp của các anh trong giai đoạn cách mạng mới.
|
||||||
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)
- Phát huy vai trò gắn kết đại biểu dân cử và cử tri ( 08/08)