Hà Huy Tập với niềm tin “Cách mạng muôn năm”
EmailPrintAa
16:13 11/04/2016

Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, phong trào cách mạng trong nước dấy lên sục sôi, đã phát triển thành cao trào ở Nghệ - Tĩnh. Trước tình hình đó thực dân Pháp ra tay đàn áp dã man, hầu hết cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có Tổng Bí thư Trần Phú, bị địch bắt, giết hại, giam cầm, tù đày, phong trào đi vào thoái trào.

Trước tình hình đó Hà Huy Tập sau khi tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) đã tìm mọi cách để trở về nước hoạt động. Tháng 3/1934 ở Ma Cao (Trung Quốc) Hà Huy Tập gặp Lê Hồng Phong và một số cán bộ của Đảng đang hoạt động ở hải ngoại thống nhất việc thành lập Ban Chỉ huy Đảng ở ngoài nước để tìm cách chắp nối và khôi phục lại phong trào ở trong nước, đồng thời chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ nhất. Sau đó tại Hội nghị mở rộng của Ban Chỉ huy ngoài nước (tháng 6/1934) Hà Huy Tập được phân công viết dự thảo các văn kiện và chuẩn bị cho việc tiến hành Đại hội, dự kiến họp vào năm 1935. Có thể nói do Lê Hồng Phong lúc đó là Thư ký của Ban Chỉ huy ngoài nước đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII, Hà Huy Tập đã trở thành người chủ chốt và linh hồn của Đại hội Đảng lần thứ nhất họp từ ngày 27 đến 31/3/1935 ở Ma Cao. Hà Huy Tập là người soạn thảo các văn kiện, đồng thời vừa chủ trì trình bày Báo cáo chính trị, Điều lệ Đảng và các Nghị quyết quan trọng, vừa điều hành Đại hội. Đại hội đã bầu ra được Ban Chấp hành Trung ương do Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký, Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ngoài nước. Có thể nói Đại hội Đảng lần thứ nhất là mốc quan trọng, mang dấu ấn lịch sử trong việc khôi phục Đảng về tổ chức, đề ra chủ trương tiếp theo cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Năm 1935 Đảng ta họp Đại hội lần thứ nhất ở Ma Cao, Đại hội đã nhận định tình hình trong nước và thế giới, kiểm thảo lại công tác đã qua và ổn định chương trình cho công tác sắp tới”. Nhưng rồi Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội bầu ra không tồn tại được lâu, chưa đầy một năm sau hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương không còn hoạt động. Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chỉ huy ngoài nước tháng 7/1936 đã cử Hà Huy Tập về nước để tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương, khôi phục các tổ chức Đảng và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.


Đoàn  viên  thanh  niên  cơ  quan Văn  phòng  Đoàn ĐBQHvà HĐND tỉnh  dâng hương tại Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên

 

Về nước công việc đầu tiên của Hà Huy Tập là tập trung khôi phục tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng chí đã triệu tập Hội nghị cán bộ Đảng họp vào tháng 10/1936 tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định) để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và Hà Huy Tập được chính thức bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau Hội nghị, Hà Huy Tập đã cử các đồng chí Ủy viên Trung ương đi Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên để khôi phục lại các mối liên lạc của Đảng. Việc thống nhất các tổ chức Đảng trong cả nước được chính thức thực hiện ở Hội nghị cán bộ toàn quốc tháng 3/1937.

 

Hội nghị họp vào hai ngày 13, 14/3/1937 là kết quả của những hoạt động tích cực, khẩn trương và có hiệu quả của Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Từ đây bộ máy lãnh đạo và hệ thống tổ chức của Đảng đi vào hoạt động và được duy trì trên thực tế. Tháng 9/1937, Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ qua và đề ra nhiệm vụ mới; kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương gồm 10 đồng chí và Ban Thường vụ gồm 5 năm đồng chí. Với tinh thần trách nhiệm cao và tài năng về tổ chức, trong hoàn cảnh rất khó khăn Hà Huy Tập đã tìm mọi cách khôi phục lại được tổ chức Đảng.

 

Chỉ trong vòng hơn một năm từ cơ quan lãnh đạo cao nhất đến các tổ chức Đảng ở cơ sở trong cả nước được khôi phục, đi vào hoạt động, lãnh đạo phong trào cách mạng vượt qua khó khăn, từng bước phát triển để đón thời cơ mới. Tháng 3/1938 tại Bà Điểm, Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương quyết định nhiều nội dung quan trọng, bao gồm việc tiếp tục củng cố tổ chức Đảng và đề ra chủ trương lãnh đạo cách mạng trước tình hình mới, đấu tranh cho những cải cách dân chủ ở Đông Dương và chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Trước tình hình mới của bối cảnh thế giới và phong trào cách mạng trong nước, Đảng triển khai những chủ trương mới quan trọng, thì trong nội bộ Đảng xuất hiện nhiều luồng tư tưởng nhằm chia rẽ tổ chức, trong đó nguy hại nhất là phái Tơ-rốt-kít chống lại chủ trương quan trọng của Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã vào cuộc trên Mặt trận đấu tranh tư tưởng để bảo vệ sự thống nhất của Đảng. Bằng nhiều bài báo sắc nhọn và xuất bản quyển sách nổi tiếng: “Tơ-rốt-kít và phản cách mạng”, đồng chí đã vạch trần âm mưu nguy hiểm của chủ nghĩa Tờ-rốt-kít. Hà Huy Tập đã đứng vững và đi đầu trên Mặt trận đấu tranh cho sự thống nhất trong Đảng về tổ chức cũng như tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc tập hợp được đông đảo Nhân dân trong phong trào yêu nước đấu tranh cho dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Trong lúc phong trào cách mạng đang có bước phát triển mới, thì tháng 3/1938 Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt trên đường đi công tác. Trong hoàn cảnh lúc đó ở Pháp Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền, nên chính quyền thực dân ở Việt Nam mặc dầu biết Hà Huy Tập là người lãnh đạo quan trọng của Đảng nhưng không thể lấy lý do đó để bắt giam đồng chí, phải lấy cớ trộm cắp giấy tờ, mang căn cước của người khác để phạt đồng chí 8 tháng tù và 5 năm quản thúc tại quê nhà Hà Tĩnh. Nhưng rồi đến tháng 3/1940 lấy cớ có trách nhiệm tinh thần đối với khởi nghĩa Nam Kỳ, chính quyền thực dân Pháp đã bắt lại Hà Huy Tập và tòa án thực dân tuyên án tử hình. Đứng trước tòa án thực dân Hà Huy Tập tuyên bố: “Tôi chẳng có gì để hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!” và trước mũi súng quân thù đồng chí hô to: “Cách mạng muôn năm!”. Đồng chí hiên ngang ngã xuống, nhưng tổ chức Đảng do đồng chí khôi phục và kiện toàn tiếp tục phát triển rộng khắp. Phong trào quần chúng dưới ánh sáng của con đường cách mạng mà đồng chí là một trong những người có đóng góp to lớn về đường lối và tổ chức đã có bước phát triển quan trọng để đón thời cơ mới.

 

Cùng với lời căn dặn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập hô vang: “Cách mạng muôn năm!” đã nói lên khí phách hiên ngang, ý chí và niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng của hai đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, người con của quê hương Hà Tĩnh. Quê hương có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng tự hào đã sinh ra và nuôi dưỡng các Anh cùng với lớp lớp chiến sĩ cách mạng đi theo Đảng lập nên những kỳ tích vẻ vang. Sau khởi nghĩa chống Pháp vang dội của chí sĩ Phan Đình Phùng, quê hương các Anh làm nên Xô viết Nghệ - Tĩnh, chiến đấu kiên cường góp công to lớn cùng với cả nước làm nên cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến thần kỳ đánh thắng “hai đế quốc to” thống nhất giang sơn. Ngày nay ghi nhớ lời Bác Hồ, phát huy tư tưởng cách mạng và tầm nhìn xa trông rộng của các Anh, Hà Tĩnh đang “nổi bật lên”, quyết tâm xóa đói nghèo, từng bước vươn lên giàu mạnh trong sự nghiệp đổi mới theo con đường Đảng vạch ra.


    Ý kiến bạn đọc