Hà Tĩnh đã có những bước tiến cơ bản trong xóa đói giảm nghèo
EmailPrintAa
12:57 09/08/2019

Sáng 9/8, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 - CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội với các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự có các đồng chí Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng chủ trì hội nghị

Sau gần 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 40 đã làm thay đổi căn bản nhận thức về tín dụng chính sách xã hội của các cấp ủy, chính quyền; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 40-CT/TW, hàng năm Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời ưu tiên hỗ trợ ngân sách trang bị, mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn…

Tính đến 30/6, tổng nguồn vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 4.676 tỷ đồng, tăng 1.408 tỷ so với cuối năm 2014. Trong đó, nguồn vốn từ Trung ương 4.581 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương được cấp bù lãi suất 705 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang cho Ngân hàng CSXH 95,478 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh 78,049 triệu đồng; cấp huyện 17,229 triệu đồng). 100% địa phương chuyển nguồn ngân sách ủy thác cho vay tại Ngân hàng CSXH. Dư nợ do Ngân hàng CSXH quản lý đạt 4.562 tỷ đồng, tăng 1.294 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 36.950 hộ vượt qua ngưỡng đói nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống; 37.127 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; giải quyết việc làm cho 7.679 người; 346 người được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách được cho vay để các hộ nông dân xây mới, cải tạo 137.475 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường tại khu vực nông thôn; xây dựng 905 nhà ở cho hộ nghèo và nhà vượt lũ; mua 212 căn nhà ở xã hội, xây dựng cải tạo 89 nhà ở kiến cố…

Đến nay, toàn tỉnh có 3.558 tổ tiết kiệm vay vốn tự nguyện với trên 118.368 thành viên của 4 hội nhận ủy thác: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đây là cầu nối giữa nhà nước với nhân dân, đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy và quản lý nguồn vốn hiệu quả, góp phần vào đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn...

Đồng chí Triệu Tài Vinh - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá Chỉ thị 40 đã đi sâu vào cuộc sống và tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Nguồn tín dụng đã thể hiện được tính nhân văn sâu sắc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống. Đề nghị, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần nhận thức đúng Chỉ thị 40, cũng như tính ưu việt của tín dụng chính sách. Từ đó, Hà Tĩnh cần tạo cú hích trong việc hoạt động tín dụng chính sách. Ngoài ra, đề nghị tỉnh cần quan tâm gia tăng ngân sách ủy thác qua NHCSXH; ban hành chuẩn nghèo, mở rộng đối tượng vay vốn tương ứng với gia tăng nguồn vốn; phân tích kỹ hơn các chính sách xã hội, từ đó lồng ghép tín dụng chính sách với các chính sách xã hội như: đào tạo nghề, việc làm; mở rộng đối tượng, tăng vốn ủy thác ngân sách địa phương.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định: Hà Tĩnh đã có những bước tiến cơ bản về công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong đó, việc thực hiện Chỉ thị 40 với cơ quan tham mưu là Ngân hàng CSXH tỉnh đã xây dựng các mô hình đặc thù; tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị. Đối với mô hình này đã huy động được sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương; xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ Hà Tĩnh sẽ đánh giá lại thực chất các mô hình ở các địa phương. Đồng thời, tiếp tục đề nghị các cấp ngành địa phương, tổ chức chính trị quan tâm, dành nguồn vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH để tiếp sức cho người nghèo.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc