Hà Tĩnh phát huy truyền thống Xô viết anh hùng
EmailPrintAa
15:57 12/09/2013

Trong chương đầu pho sử vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Xô viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của Cao trào cách mạng 1930 -1931 là một trong những trang sử đậm nét. Ngày nay, truyền thống Xô viết - Nghệ Tĩnh anh hùng đang được Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước và đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

   Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, thời kỳ nào, Hà Tĩnh cũng có những phong trào yêu nước nổi lên mạnh mẽ. Đặc biệt, trong chương đầu pho sử vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Xô viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của Cao trào cách mạng 1930 -1931 là một trong những trang sử đậm nét. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “ đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhận chìm phong trào cách mạng trong biển máu, nhưng truyền thống oanh liệt của Xô viết - Nghệ Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ ([1]).

Tượng đài Xô viết - Nghệ Tĩnh ( Thị trấn Nghèn - Can Lộc)

 

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung kỳ, tháng 3/1930, Đảng bộ Hà Tĩnh được thành lập. Thời kỳ này mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân lao động với đế quốc, phong kiến ở nước ta diễn ra gay gắt. Đảng bộ đã chớp thời cơ để phát động phong trào cách mạng rộng lớn trong toàn tỉnh, huy động đông đảo quần chúng nhân dân đấu tranh làm lung lay nền thống trị của thực dân, phong kiến tay sai.

Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, được sự cổ vũ từ cuộc đấu tranh của hàng ngàn công nhân Phú Riềng, Nam Định và nhiều nơi trong cả nước, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo các địa phương tổ chức treo cờ đỏ, rải truyền đơn, mít tinh, diễn thuyết. Lo sợ trước cuộc đấu tranh của nhân dân, thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã đe dọa tinh thần đấu tranh của quần chúng. Những hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động là cuộc đấu tranh rộng lớn đầu tiên kể từ khi Đảng bộ ra đời, là đợt ra quân chính trị đồng loạt do Đảng bộ Hà Tĩnh lãnh đạo thống nhất trong toàn tỉnh. Trước khí thế cách mạng của nhân dân, Đảng bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, giác ngộ quần chúng nổi dậy đấu tranh. Từ tháng 5 đến tháng 7/1930, nhiều cuộc mít tinh, tuần hành liên xã được tổ chức, tập hợp hàng ngàn người tham gia. Hệ thống tổ chức đảng được củng cố, các tổ chức quần chúng được mở rộng, lực lượng tự vệ được xây dựng và phát triển nhanh chóng với khí thế cách mạng sôi sục. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống chiến tranh, đồng thời nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng lên một tầm cao mới, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chỉ đạo tổ chức hàng loạt cuộc mít tinh, biểu tình. Cùng với các cuộc đấu tranh tại Nghệ An, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra khắp nơi trong tỉnh. Nổi bật là ngày 1/8, hơn 500 nông dân huyện Can Lộc biểu tình kéo vào huyện đường, buộc viên tri phủ phải chấp nhận các yêu sách đòi giảm tô thuế. Phong trào lan rộng ra các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Nghi Xuân… buộc thực dân phong kiến phải nhượng bộ. Thắng lợi của cuộc đấu tranh này đã tạo tiếng vang lớn, cổ vũ và thúc đẩy phong trào càng hăng hái và quyết liệt hơn.

Trên đà phát triển và thắng lợi bước đầu của cách mạng, trong tháng 9/1930 làn sóng đấu tranh của quần chúng nhân dân tiếp tục dâng cao. Điển hình là 1.500 nông dân huyện Can Lộc đã kéo về huyện lỵ, đập phá huyện đường, đốt sổ sách, phá cửa nhà lao, giải phóng những người bị giam giữ. Tiếp đó là các cuộc biểu tình, tuần hành của nông dân các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà. Các cuộc đấu tranh ngày càng mạnh, lực lượng tham gia ngày càng đông đảo gồm nông dân, công nhân, nhà buôn nhỏ, học sinh. Nhiều nơi đã xây dựng được Đội tự vệ cảm tử (Can Lộc đã thành lập Đội cảm tử với 322 đội viên). Phạm vi đấu tranh lúc đầu diễn ra ở làng xã, sau lan rộng ra các tổng, huyện và đấu tranh trực diện với kẻ thù. Mục đích của các cuộc đấu tranh đã chuyển từ đòi các quyền lợi kinh tế sang quyền lợi về chính trị, đòi xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở được tăng cường. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, chính quyền phong kiến tay sai ở Hà Tĩnh đã lung lay. Một số huyện đường như Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh tri huyện bỏ trốn, chính quyền phong kiến bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nhiều nơi các cấp bộ Nông hội đỏ đã đứng ra quản lý, điều hành công việc trong các làng xã, hình thành chính quyền cách mạng theo kiểu Xô viết. Cuối năm 1930, đầu năm 1931 đã ra đời 170 làng Xô viết ở Hà Tĩnh. Lần đầu tiên trong lịch sử, nông dân Hà Tĩnh được hưởng các quyền lợi chưa bao giờ có do các Xô viết mang lại.

          Lo sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai đã khủng bố hết sức dã man. Chúng xả súng vào đoàn biểu tình làm hàng trăm người chết và bị thương, nhiều làng mạc bị đốt phá. Vậy nhưng sự đàn áp của kẻ thù không khuất phục được ý chí đấu tranh quật cường của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Hà Tĩnh đã kiên cường bám sát, giữ vững phong trào, chống địch khủng bố trắng, bảo vệ thành quả cách mạng của các Xô viết. Từ giữa năm 1931 trở đi, sau khi dập tắt phong trào cách mạng ở các địa phương khác, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tập trung lực lượng đàn áp phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh, Nghệ An. Nhiều cơ sở cách mạng và tổ chức đảng bị tổn thất nặng nề, phong trào đấu tranh của quần chúng dần lắng xuống. Đến năm 1932, nhìn chung phong trào cách mạng trong toàn tỉnh đi vào thoái trào.

          Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng Xô viết - Nghệ Tĩnh là một cao trào cách mạng có ý nghĩa rất quan trọng. Lần đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo quần chúng nhân dân dùng bạo lực chính trị tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt, dồn dập làm lung lay thành trì của chế độ thực dân phong kiến tay sai ở nhiều làng xã trong tỉnh, lập nên chính quyền cách mạng theo kiểu Xô viết; người dân được hưởng những lợi ích kinh tế, chính trị do các Xô viết mang lại, càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và cách mạng. Lần đầu tiên một Đảng ra đời ở một nước thuộc địa nửa phong kiến đã nắm quyền lãnh đạo cách mạng, phát động được một phong trào quần chúng rộng lớn, mạnh mẽ chưa từng có để đánh thẳng vào nền móng của kẻ thù. Cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân lao động mà trước hết là công nhân và nông dân; thấy được sự liên minh tất yếu của công - nông trong đấu tranh cách mạng. Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết - Nghệ Tĩnh đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quý báu. Đó là bài học về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là phát huy vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở; bài học về xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, về vận động, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng, về thành lập mặt trận thống nhất, về thời cơ cách mạng, về đấu tranh chống tư tưởng tả khuynh và hữu khuynh trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng,vv… Những bài học đó giúp Đảng ta kịp thời đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, tiếp tục tổ chức nhân dân tiến hành các cuộc đấu tranh tiếp theo giành thắng lợi.

          Tháng Tám năm 1945, nhờ chuẩn bị chu đáo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Hà Tĩnh đã chớp thời cơ, phát động nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền và là một trong 4 địa phương giành chính quyền sớm nhất cả nước. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ đã động viên, cổ vũ nhân dân chiến đấu kiên cường, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Thời kỳ này, Hà Tĩnh là địa phương không để kẻ thù đứng chân nổi 24 giờ và là hậu phương vững mạnh, có lực lượng bố phòng sẵn sàng đánh địch, xây dựng an toàn khu vững chắc, cung cấp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến, góp phần đập tan chủ nghĩa thực dân kiểu cũ ở Đông Dương, với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.    

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, làm tốt công tác sửa sai; đẩy mạnh phong trào hợp tác hoá, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội với nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ đã động viên các tầng lớp nhân dân xây dựng tiềm lực mọi mặt của hậu phương, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện hết lòng cho tiền tuyền miền Nam, cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu trang giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Nhà máy Nhiệt điện Vùng Áng 1 sẽ hòa lưới điện Quốc gia vào cuối năm 2013

 

Ngày nay, truyền thống Xô viết - Nghệ Tĩnh anh hùng đang được Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Những năm gần đây, trong tình hình khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, kinh tế Hà Tĩnh vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 14%; thu ngân sách hơn 4100 tỷ đồng. Các công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ. Khu kinh tế Vũng Áng trở thành một trong năm khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước và Khu kinh tế của khẩu Quốc tế cầu treo là một trong tám khu kinh tế cửa khẩu quốc tế được ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2015; dự án Hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đang được đẩy nhanh tiến độ, sau khi hoàn thành sẽ cấp nước cho sản xuất, đời sống của nhân dân các huyện, thị xã phía Bắc Hà Tĩnh và phục vụ khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng như đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, 8A, 15A đang được triển khai tích cực, tạo thành một hệ thống giao thông đồng bộ, thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; đến cuối tháng 6/2013, xã Tùng Ảnh cơ bản đạt 19 tiêu chí; 13 xã đạt từ 14 -18 tiêu chí; 64 xã đạt từ 9 -13 tiêu chí; 136 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí; còn 21 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Giáo dục đào tạo tiếp tục dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, năm học 2013, Hà Tĩnh có 2 em đạt huy chương vàng và bạc Olympic Toán quốc tế. Chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể được tăng cường; tình hình chính trị xã hội ổn định; quốc phòng an, ninh được giữ vững. Những kết quả đó là nhờ đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà; là kết quả từ việc phát huy sức mạnh truyền thống vẻ vang của quê hương Xô viết anh hùng trong thời kỳ đổi mới.  



[1] “Bác Hồ với Hà Tĩnh” , Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.78.

 


    Ý kiến bạn đọc