Hà Tĩnh thực hiện tốt chính sách, pháp luật ưu đãi đối với người có công với Cách mạng.
EmailPrintAa
08:57 17/02/2012

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh là một tỉnh giàu truyền thống Văn hóa, yêu nước và Cách mạng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến vệquốc vĩ đại, đã có hàng chục vạn người con quê hương lên đường tham gia chiến đấu trên tất cả các chiến trường trong nước và ở chiến trường Lào, Campuchia, trong số đó có nhiều người đã hy sinh và mất mát một phần cơ thể. Bên cạnh lực lượng bộ đội chủ lực, tỉnh ta còn một số lượng lớn tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến để đảm bảo giao thông, vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện cho tiền tuyến. Kết thúc chiến tranh, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Hiện tại, tỉnh đang quản lý: 290.782 người là đối tượng thuộc Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng. Trong tổng số các đối tượng nêu trên, số người đang hưởng trợ cấp thường xuyên trên địa bàn tỉnh hiện nay 50.105 người.

Thực hiện Pháp lệnh số 26 và Nghị định số 54 của Chính phủ, đến nay toàn tỉnh đã giải quyết cho 52.484 người được hưởng chế độ ưu đãi; 6347 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ đã được giải quyết chế độ. Số lượng hồ sơ đang giải quyết là: 523 hồ sơ. Mỗi năm giải quyết cấp, đổi lại thẻ bảo hiểm y tế cho trên 80 ngàn lượt đối tượng người có công, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong vv... Từ năm 2007 đến 2011 đã cấp được 38.665 sổ và quyết định ưu đãi cho học sinh, sinh viên; duyệt trợ cấp ưu đãi giáo dục từ tháng 01 năm 2011 đến tháng 12 năm 2011 cho 25.088 lượt người với tổng kinh phí 83.407.728.000 đồng; duyệt trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 1.030 đối tượng với tổng kinh phí 1.689.287.000 đồng. Mỗi năm tổ chức điều dưỡng cho 11.000 người, trong đó điều dưỡng tập trung 2.500 người. Kết quả thực hiện các phong trào đền ơn đáp nghĩa từ năm 2005 lại nay, đã huy động được 28,585 tỷ đồng làm quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp và đã: xây mới 1.419 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sữa chữa nâng cấp 1.308 nhà, tặng 7.839 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền 3,32 tỷ đồng, xây và sửa chữa 249 nhà bia ghi tên liệt sỹ với tổng số tiền 18,301 tỷ đồng, hàng năm tổ chức trao tặng hơn 132 nghìn suất quà nhân ngày thương binh liệt sỹ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

 Để đạt được kết quả trên đây, trong những năm qua, nhất là từ năm 2005 đến nay (sau khi có Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26, Nghị định số 54/2005/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh) Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với các Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các huyện, thành phố, thị xã chủ động tổ chức tập huấn lại cho xã, phường, thị trấn, hướng dẫn cụ thể, thống nhất các điều kiện, tiêu chuẩn quy định, các biểu mẫu về giải quyết chế độ, chính sách người có công, hướng dẫn về quy trình, thủ tục xây dựng hồ sơ vv...để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, áp dụng. Với phương pháp chú trọng tuyên truyền phổ biến chính sách sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ làm công tác chính sách; chú trọng thanh tra, kiểm tra phát hiện thiếu sót để uốn nắn kịp thời...đã góp phần quan trọng triển khai thực hiện chế độ chính sách cơ bản tốt. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cấp và các cơ quan truyền thông đại chúng (Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình tuyến huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở) đã tích cực tham gia trong việc tuyên truyền hướng dẫn, giải thích các quy định về thực hiện chế độ chính sách đối với người có công; vận động đóng góp quỹ và thực hiện có hiệu quả các phong trào đền ơn đáp nghĩa. Ngoài ra, các điều kiện, tiêu chuẩn để được hưởng chế độ, các loại biểu mẫu, quy trình giải quyết.vv...đã được in sao, niêm yết tại các Trung tâm giao dịch một cửa, một cửa liên thông để công khai cho nhân dân biết, thực hiện và kiểm tra, giám sát. Vì vậy chế độ, chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay đã được giải quyết cơ bản, việc chi trả chế độ được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định, được nhân dân và đối tượng đồng tình.

Bên cạnh kết quả tích cực trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn tỉnh thì thực tế vẫn đang còn một số tồn tại làm ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách như văn bản hiện hành quy định chưa rõ chế độ thờ phụng liệt sỹ, chưa bổ sung đầy đủ đối tượng thân nhân khác thờ phụng liệt sỹ để được hưởng chế độ thăm viếng; quy định y sao bệnh án và trích sao bệnh án trong các văn bản của Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội và Bộ Y tế chưa thống nhất gây khó khăn trong quá trình lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ; quy định con dị dạng, dị tật được xác nhận theo thực chứng và việc trích sao bệnh án của đối tượng là chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng chứng nhận sai để hưởng chế độ; quy định đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học không được hưởng phụ cấp khu vực như thương binh.

          Một nguyên nhân khách quan là do chiến tranh đã qua lâu, người làm công tác chính sách không thừa kế liên tục, việc lưu trữ hồ sơ, giấy tờ không được đầy đủ, các loại đối tượng thì nhiều, một số đơn vị đã giải thể, người quản lý thay đổi không thể bổ sung hồ sơ với độ tin cậy cao gây khó khăn cho việc xác nhận chính sách. Văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ, chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng được ban hành nhiều, cho từng thời kỳ khác nhau.vv...nhưng chưa được hệ thống hóa nên gây khó khăn cho việc nghiên cứu và vận dụng.Mặt khác, cơ chế chính sách còn có một số quy định bất cập, nội dung chồng chéo, chưa quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp. Một số văn bản hướng dẫn có nội dung chưa đồng bộ, chưa kịp thời, còn chồng chéo, chưa thống nhất. Cán bộ làm công tác chính sách ở địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, cán bộ trẻ, hiểu chưa sâu hệ thống các quy định, chính sách. Chưa kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập và vi phạm trong tổ chức thực hiện, chế độ cập nhật thông tin, báo cáo chưa kịp thời. Tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ chuyên trách chưa hợp lý, hiện tại còn nhiều xã chưa có công chức làm công tác Lao động- Thương binh và Xã hội như quy định tại Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ. Việc tiếp nhận, kiểm tra, thẩm tra hồ sơ từ cơ sở để trình cấp trên có thẩm quyền xét duyệt còn bất cập, chưa chặt chẽ, còn nể nang, chưa khách quan; Việc lập hồ sơ cho từng loại đối tượng ưu đãi còn có một số thiếu sót, thậm chí chưa nắm rõ đối tượng nên tham mưu chưa đúng cho các cấp xét duyệt.

          Mặc dù vẫn đang là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, song nhìn nhận một cách khách quan thì công tác giải quyết chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt. Uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh và các Ban, Ngành có trách nhiệm liên quan đã phối hợp, chỉ đạo triển khai thực hiện có kết quả trong việc xác nhận đối tượng, giải quyết chính sách tồn đọng cho người có công, đảm bảo nguồn kinh phí chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách, đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa. Để thực hiện tốt hơn việc giải quyết chế độ chính sách cho người có công trong thời gian tới, đề nghị Quốc hội nghiên cứu và sớm ban hành Pháp lệnh bổ sung đầy đủ các nhóm đối tượng với các chính sách phù hợp và toàn diện hơn. Quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, Ngành Trung ương, của từng cấp, từng ngành, của địa phương. Chính phủ nghiên cứu bố trí hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác chính sách người có công từ Trung ương đến cơ sở, xã, phường, thị trấn với nguồn lực cán bộ và điều kiện đảm bảo hoạt động đảm đương, thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng và phức tạp về chính sách đối với người có công với Cách mạng. Bộ lao động-Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp tốt hơn với các Bộ, Ngành khác có liên quan trong việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn đồng bộ, kịp thời với pháp lệnh, nghị định để tổ chức thực hiện. Tin tưởng công tác thực hiện chính sách, pháp luật ưu đãi đối với người có công trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tốt hơn. Góp phần cải thiện và nâng cao đời sống, tạo niềm tin yêu cho các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh./. 

 


    Ý kiến bạn đọc