Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới
EmailPrintAa
11:00 10/01/2013

 

Thực hiện Chỉ thị số 17 -CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”

 

 Trong 5 năm qua, Đảng bộ Hà Tĩnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng. Bởi vậy, công tác tuyên truyền miệng đã hoạt động đúng mục đích, định hướng chính trị, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, cung cấp thông tin kịp thời, giải đáp tốt những vấn đề được dư luận quan tâm. Hằng tháng, thông qua hội nghị báo cáo viên các cấp, Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ) đã biên tập tài liệu, in sao các băng, đĩa, cung cấp và định hướng thông tin để đội ngũ báo cáo viên lựa chọn nội dung phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Tập trung tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của tỉnh, của địa phương. Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan cung cấp thông tin trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, thông tin thời sự trong nước và thế giới kịp thời. Chỉ đạo các huyện, thành, thị uỷ và đảng uỷ trực thuộc duy trì nền nếp hội nghị báo cáo viên để cung cấp thông tin và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ và nhân dân. 


Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy năm 2012

 

 

Để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức Hội thi báo cáo viên giỏi cấp tỉnh; đồng thời tổ chức tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên. Nhờ đó, đội ngũ báo cáo viên luôn phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền tổ chức triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của địa phương; những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; công tác phòng chống, tham nhũng, lãng phí; tuyên truyền đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong các tầng lớp nhân dân ... Phương thức tổ chức hoạt động báo cáo viên ngày càng linh hoạt, công tác tuyên truyền được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, với nhiều hình thức thích hợp, đã giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ báo cáo viên vừa thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vừa thực hiện vai trò là thành viên phản ánh dư luận của các tầng lớp nhân dân đối với chính sách, chủ trương lớn của đất nước, của tỉnh, kịp thời đề xuất với cấp uỷ, chính quyền có những giải pháp khắc phục. Vì vậy, tính chất hai chiều trong công tác tuyên truyền miệng được bảo đảm, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện công tác tuyên truyền miệng của Đảng, trực tiếp là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân. 

Công tác tổ chức quản lý đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã từng bước đi vào nền nếp. Ban Tuyên giáo các cấp đã tham mưu cho cấp ủy xây dựng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên phù hợp với yêu cầu tình hình; xây dựng quy chế hoạt động của báo cáo viên cấp huyện và tương đương một cách cụ thể, rõ ràng. Hằng năm, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được bổ sung, thay thế đảm bảo về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh có 475 báo cáo viên. Trong đó, báo cáo viên Trung ương: 5 người, báo cáo viên cấp tỉnh: 50 người, báo cáo viên cấp huyện, xã: 420 người. Chất lượng báo cáo viên ngày càng được nâng cao, toàn tỉnh có 118 đồng chí loại giỏi (chiếm 25%); 247 đồng chí loại khá (chiếm 52%); 110 đồng chí loại trung bình (chiếm 23%). Song song với công tác kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chế độ phụ cấp cho các đồng chí báo cáo viên trong toàn tỉnh được bảo đảm theo quy định của Trung ương. Đến nay, 100% báo cáo viên từ tỉnh đến xã được bảo đảm phụ cấp từ tháng 01 - 2011, từ đó đã động viên, khích lệ đội ngũ báo cáo viên hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền miệng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Trên thực tế, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thấy hết được vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, chưa quan tâm trực tiếp đến đội ngũ báo cáo viên. Chất lượng của đội ngũ báo cáo viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, một số báo cáo viên chưa đủ lý luận để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình công tác, đặc biệt là các báo cáo viên cơ sở. Báo cáo viên chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên còn chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn. Công tác tuyên truyền còn mang tính một chiều, thiếu đối thoại và giải quyết chậm các thông tin phản hồi. Kinh phí và các điều kiện phục vụ cho hoạt động tuyên truyền miệng còn hạn chế. Việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đối với công tác tuyên truyền miệng chưa được quan tâm...

Trước những đòi hỏi của công tác tư tưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, công tác tuyên truyền miệng cần phải được đổi mới, nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả nhằm phát huy các ưu thế của loại hình tuyên truyền miệng, của đội ngũ báo cáo viên để cùng với các kênh thông tin, tuyên truyền khác tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng. Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, cần quan tâm một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trực tiếp là ban tuyên giáo các cấp đối với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tuyên truyền miêng. Các cấp ủy đảng, các địa phương cần phải có chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường đầu tư, trang bị các phương tiện vật chất đảm bảo phục vụ công tác tuyên truyền; hằng năm tổ chức kiểm tra, đi đôi với việc sơ, tổng kết về công tác tuyên truyền nói chung và công tác tuyên truyền miệng nói riêng tại địa phương, cơ sở.

Thứ hai, Ban Tuyên giáo các cấp chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là chính quyền cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp trong hoạt động tuyên truyền miệng, đảm bảo nội dung tuyên truyền phong phú. Ngoài việc cung cấp các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tình hình thời sự thì cần tăng cường cung cấp các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức và phương pháp tiến hành công tác tuyên truyền miệng. Nội dung tuyên truyền phải đảm bảo đúng định hướng, dễ hiểu, có sự phân tích, lý giải, bình luận sâu sắc, có tính thuyết phục cao; tài liệu học tập và phương thức tuyên truyền cần bám sát đối tượng. Tăng cường tổ chức tuyên truyền theo nhóm, thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và tâm tư của quần chúng nhân dân. 

Thứ tư, phải lựa chọn những báo cáo viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, uy tín và khả năng truyền đạt tốt. Xây dựng kế hoạch để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp tài liệu kịp thời cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhất là ở cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền của Đảng bộ. Bên cạnh đó, mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên cần rèn luyện phẩm chất đạo đức; tâm huyết, đam mê với công việc, không ngừng học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra


    Ý kiến bạn đọc