Hành quân đi giải phóng miền Nam
EmailPrintAa
14:53 03/05/2018

Cuối tháng 3/1975, chúng tôi đang học năm thứ 3 tại Học viện Chính trị - Quân sự thì được lệnh lên đường tăng cường cho các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Tôi được phân công về Cục Chính trị Quân đoàn 2 và được bổ sung vào Ban Biên tập Báo Quân đoàn. Đoàn của tôi được tổ chức đi sớm hơn, vào thẳng hướng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.
Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ hành quân trong chiến dịch Đông Xuân 1966-1967 (Ảnh: T.L)
 

Ngày 03 tháng 4 năm 1975, rời mái trường thân yêu chúng tôi bắt đầu ra đi từ Đông Anh, Hà Nội, đến thành phố Vinh thì nghỉ lại. Ngày thứ 2 đoàn đến Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ngày thứ 3, chúng tôi tiếp tục hành quân từ rất sớm, vượt qua cầu Hiền Lương đến cầu Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị trời mới hửng sáng. Phía trước súng vẫn nổ, xe của các đơn vị chủ lực nối nhau rầm rập đi về phía Nam. Xe chúng tôi đến cầu An Lỗ, địa phận của Thừa Thiên Huế thì phải dừng lại. Bà con ở đây cho biết, để ngăn cản đường tấn công của quân giải phóng, bọn địch đã cho đánh phá sập cầu rồi rút chạy về Huế cố thủ. Theo chỉ dẫn của bà con, chúng tôi cho xe đi về hướng đường Tây Nam ghé qua chợ Đông Ba, lên cầu Tràng Tiền về trụ sở Ban An ninh Thừa Thiên Huế, cơ quan vừa tiếp quản trụ sở Ty Cảnh sát Ngụy. Tại đây đồng chí Bảy Khiêm, Trưởng ban An ninh đã trao đổi chớp nhoáng về tình hình Trị Thiên, đặc biệt là thành phố Huế trong những ngày đầu giải phóng và những công việc trước mắt cần phải làm để ổn định tình hình trên địa bàn tỉnh và thành phố Huế. Sau đó chúng tôi tiếp tục đi về phía Đông Nam xuống Thuận An, hôm sau, chúng tôi hành quân vào giải phóng Đà Nẵng.

Vượt qua một đoạn đường dài, chúng tôi đến Bắc đèo Hải Vân, địch đang dồn sức tử thủ. Bầu trời rền vang tiếng máy bay. Quân ta nối nhau rầm rập hành quân, xe pháo ào ào tiến tới. Xe chúng tôi phải nhường đường cho xe chở bộ binh đi lên trước, trên đường xe chở bà con chạy di tản trở về chen chúc nhau.

Trước khi vượt đèo, chúng tôi len lỏi vào một làng nhỏ sát bờ biển. Đã một tuần không tắm, bộ quân phục phủ một lớp đất càng dày thêm. Nơi tôi đến là một ngôi nhà mái tôn, bà con ở đây rất nghèo, được biết bộ đội giải phóng vào, ai cũng vui vẻ, hồ hởi. Được sự đồng ý của đồng chí sỹ quan đi cùng, tôi vào một nhà cách đường vài trăm mét, nhà xây, cửa đóng vắng vẻ. Tôi gọi cửa, một lúc sau người đàn ông ngoài ba mươi ra mở cửa, anh ta nhìn tôi lấm lét sợ hãi. Tôi đưa thuốc lá ra mời. Anh ta hút khen ngon và thấy tôi cầm trên tay một bộ quần áo, anh ta nói:

- Nhà em có buồng tắm nước giếng bơm lên mát lắm, bộ đội giải phóng vào tắm đi cho mát. Tắm xong, anh ta mời tôi ngồi uống nước, thấy tôi vui vẻ, dễ gần anh tâm sự:

- Em là sỹ quan hậu cần thuộc Trung đoàn 54 ngụy. Khi quân giải phóng đánh vào đơn vị, mọi người bỏ chạy, em quay trở về nhà mấy hôm nay. Trước đây, bọn tâm lý chiến tuyên truyền về các anh sẽ giết chúng em nên ai cũng sợ. Nay thì khỏi sợ rồi, mai em sẽ ra trình diện để được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng.

Rời xóm nhỏ cuối cùng của Thừa Thiên Huế, chúng tôi lên đường đi về phía trước. Đoàn xe vượt qua đèo Hải Vân, vừa xuống cầu Nam Ô, cửa ngõ phía Bắc của Đà Nẵng thì nghe tiếng súng bắn dữ dội, chiếc xe chở máy thông tin và dụng cụ quân y của đoàn bị địch phục kích, lật đổ bên đường, ba đồng chí cán bộ hy sinh, đồng chí quân y cùng đồng chí lái xe bị thương. Các đơn vị tổ chức truy kích địch và phân công một bộ phận cùng bà con Nhân dân địa phương tổ chức mai táng cho các đồng chí hy sinh, sau đó tiếp tục hành quân. Nửa đêm, các đơn vị đã vào đến vị trí tập kết, ém sát thành phố Đà Nẵng, chuẩn bị nổ súng trước lúc trời sáng. Phía trước tiếng súng vẫn nổ dữ dội làm rung chuyển cả mặt đất.

Đà Nẵng giải phóng, chúng tôi lại tiếp tục theo đoàn quân chủ lực hành quân dọc miền Trung vào Đông Nam Bộ đến trước cửa ngõ Sài Gòn. Dọc đường địch bỏ chạy toán loạn, các đơn vị chủ lực của ta từ nhiều hướng vừa tiêu diệt địch vừa hành quân cấp tốc tiến về phía Bắc Sài Gòn. Sau những ngày chiến đấu ác liệt, quân ngụy bị tiêu diệt hoàn toàn, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng.

Trên đường vào thành phố, các tầng lớp Nhân dân đổ ra đường, cờ giải phóng tung bay ngập trời. Cả 3 đoàn cán bộ của Học viện Chính trị - Quân sự và mấy anh em cùng lớp học với tôi lại có cơ may được gặp nhau tại trụ sở của Tổng nha cảnh sát Quốc gia ngụy. Chúng tôi gặp nhau với niềm vui khôn xiết khi được làm người lính chứng kiến Sài Gòn giải phóng trong niềm vui chung của cả dân tộc. Sau giờ phút thiêng liêng ấy, chúng tôi lại phải chia tay đồng đội, chia tay Sài Gòn trở về trường học tập để hoàn thành chương trình của khóa học.

Chiến tranh đã qua đi cách đây 40 năm, nhưng ký ức về ngày chiến thắng 30/4/1975, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn vang vọng mãi trong tôi, trong các thế hệ đi trước và thế hệ trẻ hôm nay. Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của Nhân dân ta, mới cảm nhận hết được giá trị của những năm tháng hoà bình, thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc hôm nay.


    Ý kiến bạn đọc