Hoàn thành 6 nội dung quan trọng tại Phiên họp thứ 13 của UBTVQH
EmailPrintAa
22:44 12/07/2022

Sáng ngày 12/7/2022, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình xem xét, cho ý kiến trực tiếp về 06 nội dung trọng tâm liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; các vấn đề kinh tế - xã hội; công tác giám sát,… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc và khẳng định các nội dung được xem xét kỹ lưỡng, đạt được sự thống nhất cao.

Đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV

Tại Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá Kỳ họp thứ ba, sau 19 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội nhấn mạnh, việc đánh giá tập trung vào phân tích những kết quả đạt được, chỉ rõ nguyên nhân khách quan/chủ quan trong cả khâu công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp. Trên cơ sở đó, để đánh giá khách quan kết quả Kỳ họp, những vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm đồng thời chỉ rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan; chỉ rõ những điểm mới, nội dung được cải tiến tại Kỳ họp thứ 3, để tiếp tục có những cải tiến, nâng cao chất lượng Kỳ họp với tư cách là một phương thức cơ bản trong tổ chức hoạt động của Quốc hội.

Quy định rõ tổ chức và nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu

Đối với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, đây là một trong những Đề án trong  107 nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội khóa XV nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đề án đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Trước đó, tại phiên họp tháng 2/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với nội dung này. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào một số nội dung chính như: các chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu trong công tác tham mưu về công tác cán bộ, kể cả vấn đề thi đua, khen thưởng theo quy định mới nhất của Đảng và Nhà nước; với tư cách là một cơ quan làm đầu mối cho Quốc hội trong cái việc chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát các cơ quan dân cử địa phương, hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương;… Qua đó các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua và giao Ban Công tác đại biểu phối hợp với cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối, trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025

Nâng cao hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

Tại Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Nghị quyết gồm 3 chương và 14 điều. Chương I - Những quy định chung gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh; phạm vi giám sát; nội dung hoạt động giám sát. Chương II - Trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện giám sát gồm các quy định về theo dõi, tiếp cận và nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật; xử lý việc chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và văn bản quy phạm pháp luật có nội dung có dấu hiệu trái pháp luật. Chương III - Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát gồm các quy định về cập nhật thông tin về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo kỳ giám sát hàng năm; hồ sơ Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo kỳ giám sát hằng năm; chế độ báo cáo; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát; hiệu lực thi hành và tổ chức thi hành.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu

Chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa phục vụ xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam

Tại Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 thuộc 7 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa; Diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng; 802,91 ha rừng sản xuất; 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha); Diện tích đất lâm nghiệp 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha, đất rừng sản xuất 1.721,23 ha; Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên chuyển đổi là 1.721,96 ha. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa rà soát, điều chỉnh bổ sung diện tích đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, cập nhật Dự án vào quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án trong quá trình thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai Dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, về loại rừng, diện tích rừng; giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không để các đối tượng lợi dụng như khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh (nếu có).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội

Công tác dân nguyện ngày càng nề nếp, chất lượng

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 06/2022 (trong đó công tác dân nguyện tháng 05/2022). Chủ tịch Quốc hội cho biết, kể từ khi đưa công tác dân nguyện trở thành một hoạt động thường xuyên hàng tháng của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công tác dân nguyện đã ngày càng trở nên bài bản, nề nếp, chất lượng báo cáo ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, địa phương  đều có trách nhiệm cao trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, phản ánh của người dân;

Rà soát chuẩn bị tốt Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Dự kiến Kỳ họp thứ 4 sẽ có 7 dự án luật được thông qua, 6 dự án luật cho ý kiến lần đầu, trong đó có dự án Luật về đất đai, vì vậy trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất nặng nề. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ động rà soát tất cả các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4; chủ động lấy ý kiến các cơ quan, nghiên cứu xây dựng chi tiết chương trình của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8, tháng 9, tháng 10, trong đó có thể bố trí các phiên họp chuyên đề, với tinh thần linh hoạt, không chờ đến mùng 10 hàng tháng mới tổ chức họp. Nội dung liên quan đến đề án, nghị quyết do các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị có thể bố trí họp sớm; các dự án luật chuẩn bị sớm có thể tổ chức phiên họp về công tác xây dựng pháp luật ngoài phiên họp thường kỳ, tránh tình trạng một phiên họp kéo dài và chia thành nhiều đợt.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu đối với các Nghị quyết được Ủy ban Thường Quốc hội biểu quyết thông qua, các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, sớm trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành càng sớm càng tốt. Đặc biệt, đối với Nghị quyết về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trình Chủ tịch Quốc hội ký trong tuần này để Chính phủ, Thủ tướng có cơ sở pháp lý triển khai dự án hết sức quan trọng.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc