Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với việc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
07:31 10/11/2016

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng cùng các thành viên trong gia đình sản xuất, phát triển kinh tế, là lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất phục vụ đời sống Nhân dân, có vai trò tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì thế, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của Hội để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, vừa nâng cao bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, tạo tiền đề cho xây dựng gia đình nông thôn mới hạnh phúc, bền vững. Để làm tốt nhiệm vụ này, các cấp Hội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Hội đã tập trung nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lối nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chị em phụ nữ tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Các cấp Hội tích cực vận động phụ nữ đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo chủ hộ, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, “xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững”, “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”... Các phong trào được nhiều hội viên, phụ nữ hưởng ứng tích cực với mục đích là tương trợ, giúp nhau ngày công, giống, vốn, kinh nghiệm làm ăn. Đồng thời, Hội cũng xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi, sinh hoạt chuyên đề nhằm tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh và của địa phương trong các lĩnh vực kinh tế, nông thôn mới đến tận 100% cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là các Quyết định, Đề án, Dự án, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với các sản phẩm chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân của tỉnh.

 


Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao quà hỗ trợ sản xuất rau, củ, quả tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà

 

Để thực hiện tốt các Đề án lớn của Chính phủ như Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” và Đề án “Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2015” Hội phụ nữ đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm cho lao động nữ ở nông thôn. Đặc biệt là sự kết nối giữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề, tư vấn nghề với việc hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể; qua đó tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ sản xuất nhỏ. Thời gian qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho gần 16 nghìn lao động nữ; hỗ trợ xây dựng và thành lập 29 mô hình; tạo việc làm sau đào tạo có gần 600 lao động tham gia; tổ chức 468 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ. Thông qua các hoạt động đã giúp 8.265 phụ nữ có việc làm mới; 7.556 hộ nghèo có phụ nữ thoát nghèo góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ.

Hội LHPN tỉnh luôn chú trọng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh, khởi sự và phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ vốn vay với tổ chức tập huấn nghề, kỷ năng kinh doanh có sự đóng góp của nữ chủ doanh nghiệp; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, thực hiện sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh; thực hiện liên kết hộ, liên kết vùng; chú trọng đào tạo những kiến thức khởi nghiệp cho từng hội viên, phụ nữ. Thông qua các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp là đầu mối và cũng là nơi đào tạo, tư vấn giải quyết việc làm trên tất cả các lĩnh vực như bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng 1.524 mô hình phát triển kinh tế có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, 93 hợp tác xã, 341 tổ hợp tác với trên 5.569 thành viên tham gia.

Để tạo môi trường trao đổi, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp nữ, Hội LHPN tỉnh chủ động xây dựng hệ thống Câu lạc bộ doanh nhân, Hộ kinh doanh trên toàn tỉnh, đến nay đã có 1 câu lạc bộ nữ Doanh nhân cấp tỉnh và 11 câu lạc bộ doanh nghiệp nữ cấp huyện được thành lập với sự tham gia của 830 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, 35 nhóm tương hổ cùng sản xuất một ngành nghề.

Hội LHPN phối hợp với các ngân hàng và trực tiếp hỗ trợ phụ nữ được tiếp cận với nhiều nguồn vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh từ Trung ương, các chương trình dự án, tổ chức tín dụng với tổng số tiền trên 2.300 tỷ đồng cho trên 48 nghìn lượt người vay cụ thể như: nguồn ủy thác qua Ngân hàng CSXH 1.209 tỷ đồng; nguồn tín chấp qua Ngân hàng Nông nghiệp 976 tỷ đồng; nguồn tiết kiệm huy động tại chỗ trong hội viên phụ nữ 120,24 tỷ; trên 10.044 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ với số tiền trên 1.000 tỷ đồng.  Đặc biệt, những hoạt động của Quỹ phát triển phụ nữ từng bước phát triển theo mô hình Quỹ xã hội tăng mức độ tiếp cận và quy mô nguồn vốn cho nhiều đối tượng phụ nữ trong toàn tỉnh. Hiện nay, Quỹ đang quản lý 104,8 tỷ đồng cho 21.401 hộ vay vốn, là một kênh vay vốn bền vững, thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và thúc đẩy phương thức hoạt động của Hội.

Để tôn vinh vai trò của phụ nữ trong việc tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh, năm 2014 Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức “Lễ hội ẩm thực các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh” thu hút gần 1.000 đại biểu là các chủ nhà hàng, các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh tham gia; tổ chức hội thảo “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có gần 300 đại biểu tham gia; tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 1.200 hộ sản xuất kinh doanh do phụ nữ đứng chủ trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp, hỗ trợ giới thiệu 25 doanh nghiệp nữ trong tỉnh tham gia các hội chợ tại Lào, Thái Lan, Hà Nội...

Thông qua nhiều hoạt động đã khẳng định nghị lực, quyết tâm vươn lên không cam chịu đói nghèo của hàng vạn phụ nữ trên mọi vùng miền; tiềm năng, năng lực nội sinh, sức sáng tạo của phụ nữ ngày càng được phát huy, vai trò, quyền năng kinh tế của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Công tác hỗ trợ phụ nữ nghèo được các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, coi trọng phát huy nội lực của phụ nữ để giảm nghèo bền vững. Phong trào “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” ngày càng đi vào chiều sâu cùng các cuộc vận động xây dựng mái ấm tình thương, thực hành tiết kiệm theo gương Bác, hũ gạo tiết kiệm, nuôi heo đất tiết kiệm được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh với tinh thần tương thân tương ái đã tạo nên nguồn nội lực to lớn, trị giá trên 100 tỷ đồng, giúp cho trên 33 nghìn lượt phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đặc biệt, thực hiện Dự án “cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra - CHOBA”, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn xây dựng trên 15.000 nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội LHPN tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới: Một số cơ sở Hội chưa lựa chọn nội dung trọng tâm để chỉ đạo, vận động phụ nữ tham gia; năng lực chuyên môn, kỹ năng vận động phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; một số mô hình chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương và chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ ở khu vực nông thôn; một số Công ty, Doanh nghiệp chưa vào cuộc quyết liệt trong quá trình liên kết với người dân nên ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân; nguồn lực để các cấp Hội triển khai các hoạt động khó khăn, chủ yếu lồng ghép từ các Chương trình, Dự án nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động...

Trong thời gian tới, những giải pháp được đưa ra để Hội tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đó là:

Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin, các chủ trương chính sách của Đảng, nghị quyết của HĐND tỉnh, tư vấn giúp phụ nữ phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh...

Duy trì, mối quan hệ phối hợp với các Ngân hàng, mở rộng các loại hình hoạt động tín dụng giúp phụ nữ giảm nghèo hiệu quả, bền vững; tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho phụ nữ vùng nông thôn, vùng tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho phụ nữ, chú trọng công tác giới thiệu và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ xây dựng mô hình sau dạy nghề; kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nữ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ thông qua hỗ trợ việc làm bền vững và tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội.

Triển khai mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng và nâng cao chất lượng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất; nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường.


    Ý kiến bạn đọc