Tham dự Hội nghị có: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Nước Trần Đại Quang; Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch QH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân; Phó chủ tịch QH, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia Tòng Thị Phóng.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp | Ảnh: Lâm Hiển |
Cùng dự có các Phó chủ tịch QH, Phó thủ tướng Chính phủ, các Phó chủ tịch và thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia; các Ủy viên UBTVQH Khóa XIII; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Ủy ban bầu cử, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trên cả nước…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, thành công của cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ và năm 2016. Thắng lợi của cuộc bầu cử là tiền đề, để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Chủ tịch QH nêu rõ, Hội nghị lần này có nhiệm vụ xem xét, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử, tìm ra nguyên nhân, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các cơ quan tổ chức hữu quan những vấn đề bất cập, chưa hợp lý nhằm thực hiện tốt hơn nữa trong các cuộc bầu cử các nhiệm kỳ sau. Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu tham dự tập trung nghiên cứu tài liệu, từ thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Sự tin tưởng, đồng lòng của Nhân dân - yếu tố quyết định, bảo đảm chắc chắn cho thành công của cuộc bầu cử
Trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó chủ tịch QH, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia Tòng Thị Phóng đã nêu bật bối cảnh, đặc điểm của cuộc bầu cử; công tác tổ chức chuẩn bị, tiến hành bầu cử; và kết quả bầu cử. Về xác nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, Phó chủ tịch QH cho biết, đến nay, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp đã tiến hành xong việc xác nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thận trọng trong xem xét, xác nhận tư cách đại biểu, có biểu quyết bằng phiếu, kết quả không công nhận tư cách 2 đại biểu. Như vậy, có 494 ĐBQH đủ tư cách ĐBQH Khóa XIV; cả nước có 3.907 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.180 đại biểu HĐND cấp huyện, 292.305 đại biểu HĐND cấp xã được công nhận đủ tư cách đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016- 2021.
Phó chủ tịch QH nêu rõ, thành công của cuộc bầu cử trước hết là do sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước vào quá trình chuẩn bị bầu cử, sự hăng hái đi bầu và trách nhiệm của cử tri trong từng lá phiếu để lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho mình. Sự lãnh đạo sát sao của Bộ Chính trị và các cấp ủy Đảng trong từng bước triển khai, chuẩn bị; sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thường xuyên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương, các ngành; sự chủ động tham mưu, giúp việc phục vụ bầu cử đã bảo đảm cho các công tác chỉ đạo, hướng dẫn về bầu cử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra; chính quyền và các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực quán triệt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để kịp thời chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị bầu cử chu đáo; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội; thông tin, tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác; việc nghiên cứu xác minh, kết luận các vấn đề liên quan đến tư cách đại biểu, xác nhận tư cách đại biểu đúng pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị | Ảnh: Quang Khánh |
Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH cũng thẳng thắn chỉ rõ, cuộc bầu cử lần này cũng có hạn chế là chưa bầu đủ 500 đại biểu như UBTVQH đã dự kiến, vẫn còn có trường hợp sau khi trúng cử không đủ tư cách ĐBQH, nên Hội đồng Bầu cử Quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu; vẫn còn để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu bầu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại; sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu, vẫn còn có trường hợp bầu hộ, bầu thay. Một số nơi bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND cần bầu, nhất là đại biểu HĐND cấp xã. Một số cơ cấu, số lượng phân bổ đại biểu chưa đạt được như định hướng dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài đảng. Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử giữa các nơi vẫn chưa thực hiện thống nhất… Những hạn chế, bật cập nêu trên có nguyên nhân do đây là cuộc bầu cử lần đầu tiên được thực hiện theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND 2015 có nhiều quy định mới, nên trong quá trình triển khai có việc còn lúng túng, trong khi tập huấn, thực hiện nhiệm vụ đội ngũ cán bộ phụ trách bầu cử ở cơ sở có mặt kinh nghiệm còn hạn chế, một số nơi chưa chủ động nghiên cứu quy định để tham mưu, xử lý tốt các tình huống thực tế. Một số nơi chưa làm tốt công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử để bảo đảm kết quả đạt được như dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND, nhất là ở cấp xã. Việc chỉ đạo, kiểm tra ở một số cơ sở vẫn còn thiếu chặt chẽ. Nhiều nơi vẫn chưa chú trọng đúng mức công tác tập huấn bầu cử, nhất là đối với cán bộ, nhân viên Tổ bầu cử về nghiệp vụ bầu cử. Một số hướng dẫn về quy trình, cách thức tổ chức vận động bầu cử, quy trình xử lý đối với việc vi phạm về vận động bầu cử, về khiếu nại, tố cáo vẫn chưa rõ.
Qua đánh giá công tác chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử lần này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia rút ra 8 bài học kinh nghiệm. Trong đó có bài học về sự tin tưởng, đồng lòng của Nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị vào công tác bầu cử là yếu tố quyết định, bảo đảm chắc chắn cho thành công của cuộc bầu cử. Sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng đoàn QH và các cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. “Nơi nào có sự chỉ đạo sát sao, thống nhất; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng được phổ biến, quán triệt đầy đủ nơi đó công tác bầu cử được chuẩn bị chu đáo, triển khai công việc kịp thời, phối hợp chặt chẽ, kết quả đạt cao”, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng khẳng định…
Chính quyền do nhân dân bầu ra sẽ gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tiếp theo thành công rực rỡ của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng; góp phần củng cố và tăng thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, xây dựng các cơ quan đại diện có đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả cho chính quyền bốn cấp trong nhiệm kỳ tới. Chính quyền do nhân dân bầu ra sẽ gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư hoan nghênh, chúc mừng và cảm ơn toàn thể cử tri, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã cùng với Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử này.
Chỉ rõ bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số vấn đề cần được đánh giá kỹ để rút kinh nghiệm, Tổng bí thư đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá, bổ sung thêm để bảo đảm tổng kết đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về quá trình chuẩn bị, tổ chức tiến hành cuộc bầu cử; làm rõ nguyên nhân của những kết quả đạt được, phân tích sâu hơn những hạn chế, bất cập và có những đề xuất, kiến nghị cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thiện pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, tiến hành bầu cử trong những nhiệm kỳ tiếp theo.
Vui mừng với kết quả của cuộc bầu cử, song đồng thời Tổng bí thư lưu ý cần nhận rõ nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi QH và HĐND các cấp phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Mỗi ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cần nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, góp phần vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.
Tổng bí thư nhấn mạnh, trước mắt, cần tổ chức thành công Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV - một kỳ họp hết sức quan trọng với nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021; đồng thời cho ý kiến về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, và một số nội dung quan trọng khác.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tổng kết công tác tham gia cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021; Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng kết công tác mặt trận tham gia cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021.
Hội nghị cũng nghe đại diện lãnh đạo Ủy ban Bầu cử một số tỉnh, thành phố trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử; kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về bầu cử liên quan đến dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử; kinh nghiệm chuẩn bị tổ chức nơi bỏ phiếu, bỏ phiếu và kiểm phiếu; kinh nghiệm bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội cho cuộc bầu cử… Những kinh nghiệm rút ra tại Hội nghị sẽ là cơ sở để Hội đồng Bầu cử Quốc gia nghiên cứu, chắt lọc, kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến bầu cử, làm tiền đề cho thành công của các cuộc bầu cử tiếp theo.
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)
- Phát huy vai trò gắn kết đại biểu dân cử và cử tri ( 08/08)