Thực hiện công văn số 261/UBVHGDTTN13 ngày 11 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, được sự phân công của Thường trực HĐND, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cựu thanh niên xung phong, thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện giai đoạn 2009 - 2011.
Thời gian qua, việc thực hiện chế độ chính sách cho cựu thanh niên xung phong, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện đã được các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện khá tốt. Các chính sách, pháp luật đã được phổ biến đến đối tượng thông qua nhiều hình thức, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, các hội nghị triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, hội viên, đoàn viên thanh niên.
Tính đến thời điểm tháng 12/2011 đã có 2.466 người được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế, 4.230 người hưởng chính sách như thương binh, 1.024 người được hưởng trợ cấp thường xuyên, 1846 người được hưởng trợ cấp 1 lần, 117 người hưởng chế độ chất độc da cam, số được công nhận liệt sỹ là 341 người, số được tặng kỷ niệm chương là 6.734 người.
Từ năm 2009 đến 2011, 03 đơn vị Thanh niên xung phong và Ban quản lý Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã được Nhà nước cấp 37,929 tỷ đồngđể thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tương ứng với nhiệm vụ của các tổng đội TNXP, đảm bảo cho hoạt động thường xuyên của bộ máy quản lý.
Các Chính sách đối với TNXP và TNTN tuy chưa đầy đủ nhưng đã được tổ chức thực hiện khá nghiêm túc. Tính tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, tinh thần trách nhiệm của thanh niên đối với cộng đồng ngày càng được khẳng định rõ nét hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện chế độ chính sách cho cựu TNXP, TNXP, TNTN vẫn đang còn gặp một số khó khăn, tồn tại. Một số nội dung văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định của Chính phủ chưa phù hợp với tình hình thực tế, Quyết định 40/2011/QĐ-TTg; Nghị định 12/2011/NĐCP của Chính phủ chậm được hướng dẫn thực hiện. Các chế độ chính sách thu hút, tuyển dụng còn rất hạn chế. Đời sống vật chất, tinh thần của cựu TNXP, TNXP vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm giám sát, toàn tỉnh còn tồn đọng 312 bộ hồ sơ hưởng chính sách như thương binh đang chờ Cục Người có công Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, 54 đồng chí chỉ mới được hưởng một trong hai chế độ (chế độ là hưu trí mất sức và thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên), 418 cựu TNXP chưa được cấp thẻ BHYT như Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Sót chế độ của 1.024 cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp thường xuyên nhưng không đồng thời được hưởng trợ cấp một lần (1.500.000đ) như quy định tại mục 3 điều 2 Quyết định 104/1999/QĐ-TTg và mục 2 của Thông tư liên tịch số 26/2007/TTLT-BLĐTBXH-TƯĐTNCSHCM.
Mức trợ cấp thường xuyên 12kg gạo/tháng được UBND tỉnh quy định tại quyết định số 4314/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 là 120.000đ/người/ tháng, đến nay UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định 16/2011/QĐ-UBND điều chỉnh mức trợ cấp cho các đối tượng trong quyết định 167 từ 120.000đ/người/ tháng lên 180.000đ/ người/ tháng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội cựu TNXP, tại thời điểm Đoàn đến giám sát toàn tỉnh chỉ có thành phố Hà Tĩnh nâng lên 180.000đ/ người/ tháng (riêng phường Thạch Linh và 11 huyện thị vẫn giữ mức chi trả là 120.000đ/người/tháng) là chưa đúng tinh thần Quyết định 104/1999/QĐ-TTg và Thông tư 26/2007/TTLT-BLĐTBXH-TƯĐTNCSHCM.
Việc giao quyền sử dụng đất cho TNXP còn nhiều bất cập, chưa được cấp giấy quyền sử dụng đất, đội viên còn phải nộp kinh phí lớn cho thuế quyền sử dụng đất.….
Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, vướng mắc là: Việc triển khai tuyên truyền các chính sách, pháp luật đối với Cựu TNXP chưa thực sự kịp thời, thông tin về chế độ, chính sách chưa thực sự đến được với đối tượng; Quy trình thực hiện từ khâu xét duyệt, thẩm định hồ sơ, giám định thương tật, cấp giấy chứng thương thực hiện chưa thống nhất ở các cấp; Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, một số cán bộ hiểu chính sách chưa đầy đủ và có biểu hiện chưa sâu sát đối tượng nên gải quyết một số chế độ chính sách còn chậm, thiếu đồng bộ, đặc biệt còn để sót chế độ; Các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách rất thấp, do vậy các hộ gia đình đội viên TNXP thời kỳ mới gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất; Các hộ đội viên TNXP, TNTN chưa được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật, các chế độ chính sách thu hút, tuyển dụng còn rất hạn chế; Hoạt động tình nguyện chủ yếu còn mang tính tự nguyện, Đảng, Nhà nước chưa có chế độ chính sách đối với lực lượng TNTN.
Để các chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đến được với đối tượng, thời gian tới, UBND tỉnh và các ngành, các cấp cần làm tốt một số việc như sau:
1. Tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật đối với cựu TNXP, TNXP và TNTN; tạo điều kiện để các đối tượng được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước phát triển sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo;
2. Rà soát các Chính sách chưa được thực hiện cho Cựu TNXP để thực hiện nghiêm túc đảm bảo chế độ cho các đối tượng, cụ thể: tổ chức rà soát và thông báo cho các đối tượng về việc thực hiện chi trả hai chế độ cho cựu TNXP (chế độ thương tật và chế độ mất sức lao động) đúng với Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ; điều chỉnh mức trợ cấp khó khăn hàng tháng cho các Cựu TNXP như các đối tượng trong quyết định 16/2011/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2011 của UBND tỉnh; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Sở Tài chính phối hợp làm việc với Bộ Tài chính về nguồn trợ cấp 1 lần của 1.024 đồng chí cựu TNXP chưa được giải quyết như quy định tại mục 3 điều 2 quyết định 104/1999/QĐ-TTg và mục 2 khoản I của thông tư liên tịch số 26 /2007/TTLT-BLĐTBXH-TƯĐTNCSHCM của liên ngành Bộ LĐTB&XH và Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tham mưu UBND tỉnh xử lý; sớm rà soát và mua thẻ bảo hiểm cho 418 Cựu TNXP chưa được cấp.
3. UBND tỉnh cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 25-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác thanh niên. Ban hành và đề nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các chế độ chính sách ưu đãi đối với thanh niên tình nguyện, các chính sách cho TNTN bị tai nạn, bị thương trong khi đi hoạt động tình nguyện.
4. Tỉnh đoàn cần rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Tổng đội thanh niên xung phong để lựa chọn mô hình phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp nhất với tình hình thực tế hiện nay.
5. Hội Cựu TNXP các cấpphối hợp với các ngành liên quan trong việc giải quyết tồn đọng về chính sách đối với cựu TNXP;tuyên truyền giải thích cho các đối tượng hiểu về chế độ, chính sách. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục hội viên gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các tai, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)
- Phát huy vai trò gắn kết đại biểu dân cử và cử tri ( 08/08)