Các đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đặng Quốc Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đông đảo người dân cùng dự.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh trống khai Hội |
Hàng năm vào ngày 6/01 (âm lịch) Lễ khai hội Chùa Hương lại bắt đầu; đây là nét đẹp văn hóa truyền thống, một hoạt động tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng.
Chùa Hương Tích được Vua Minh Mạng chọn khắc vào một trong chín đỉnh đồng đặt tại sân Thái Miếu Kinh đô Huế. Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự có nghĩa là Chùa Thơm nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh núi đẹp nhất trong số 99 đỉnh núi Hồng - thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Chùa xây vào đời Trần, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa. Không những vậy, các cứ liệu lịch sử còn cho thấy, chùa Hương Hà Tĩnh có từ thế kỷ thứ XIII, là chùa gốc có trước chùa Hương Hà Nội hàng trăm năm.
Đông đảo người dân dự Lễ khai hội Chùa Hương |
Theo truyền thuyết, chùa Hương Tích là nơi thờ công chúa Diệu Thiện, con của vua Trang Vương nước Sở, đi tu hóa Phật. Nhưng trên thực tế, Hương Tích tự là cả một quần thể di tích văn hóa - tôn giáo cổ truyền, gồm: Chùa, am, tháp, đền, miếu, thờ phật, thờ thần, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, thờ mẫu và đặc biệt là gắn liền với biết bao huyền thoại, truyền thuyết đủ để thấy nơi đây rất linh thiêng và huyền diệu.
Du khách về với Chùa Hương ngày khai Hội |
Với sự linh thiêng của chùa, vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên, nhiều năm lại nay, lượng du khách và đạo hữu đến với chùa Hương Tích ngày càng tăng. Năm 2018, Chùa Hương Tích và di tích Ngã Ba Đồng Lộc, lượng khách đến với Can Lộc đạt trên 50 vạn lượt khách; trong dịp Tết Kỷ Hợi năm nay, Chùa Hương đã đón khoảng hơn 15 vạn du khách nội ngoại tỉnh đến tham quan, chiêm bái, cầu may tại Chùa Hương.
Năm 2019, huyện Can Lộc kỷ niệm 550 năm truyền thống huyện Thiên Lộc - Can Lộc; huyện quyết tâm đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Do đó, để thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bảo tồn, quảng bá, khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích. Trước mắt, tập trung chấn chỉnh các hoạt động hành lễ tại các khu di tích; nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ vệ sinh môi trường, bảo vệ di tích; tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các di tích trên địa bàn; sớm xây dựng cơ chế quản lý gắn với kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển các dịch vụ, kết nối các tua, tuyến du lịch…
Du khách tập trung chuẩn bị xem trò chơi dân gian Kéo co |
Ngay sau lễ khai mạc, ban quản lý sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí dân gian như: Kéo co, bịt mắt bắt Heo, bịt mắt bắt Vịt, gà…
Tin mới cập nhật
- Thành phố Hà Tĩnh công bố Nghị quyết của UBTV Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính ( 02/01)
- Công bố Quyết định thành lập Đảng bộ huyện Thạch Hà ( 02/01)
- Lãnh đạo Hà Tĩnh chúc mừng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 nhân 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ( 20/12)
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)