Dưới ánh sáng của Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945) của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và chỉ đạo của xứ ủy Trung Kỳ, Ban vận động thành lập Việt Minh liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh ra đời nhằm đáp ứng phong trào cách mạng đang rầm rộ phát triển và tạo sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong việc chuẩn bị lực lượng cho việc giành chính quyền. Ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh tiến hành Đại hội để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa. Sau 3 ngày làm việc Đại hội đã đề ra một số nhiệm vụ cấp thiết, trước mắt là lập các đội tự vệ, các đội du kích, thực hiện quân sự hóa toàn dân; khi điều kiện cho phép tiến hành khởi nghĩa đồng loạt từ nông thôn đến thành thị, ngăn ngừa manh động trong việc trừng trị việt gian, phản quốc... Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Việt Minh liên tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư. Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chia ra làm 6 phân khu. Ở Hà Tĩnh phân khu 5 gồm Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê; phân khu 6 gồm Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Hà Tĩnh (gọi là phân khu Nam Hà).
|
Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội 19/8/1945 |
Dựa theo chủ trương của Đại hội Việt Minh liên tỉnh, ngày 13/8/1945 phân khu Nam Hà mở hội nghị tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên). Biết được tình hình Chính phủ Nhật đã đầu hàng Đồng minh, hội nghị tuyên bố thời cơ khởi nghĩa đã đến, nếu không kịp thời khởi nghĩa giành chính quyền khi quân đồng minh vào thì sẽ rất trở ngại cho cách mạng. Hội nghị đã cử Ủy ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà và phát lệnh khởi nghĩa. Có thể nói đây là cuộc hội nghị lịch sử, đề ra chủ trương kịp thời và đúng đắn trong việc chớp thời cơ khởi nghĩa ở Hà Tĩnh.
Nhận biết được chủ trương đó, một số xã trong tỉnh đã đứng lên giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, một số thanh niên trí thức và dân nghèo ở Can Lộc đã mang giáo mác, gậy gộc và cờ đỏ xông vào chiếm huyện đường. Việc chiếm mau lẹ được huyện đường Can Lộc và ngay hôm đó khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn huyện là do nhạy bén nắm bắt được tình hình và tiếp thu sáng tạo chủ trương của Việt Minh nên Can Lộc đã giành chính quyền thắng lợi mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám ở Hà Tĩnh. Can Lộc là một trong những huyện đầu tiên giành được chính quyền ở cấp huyện trong cả nước.
Từ kết quả giành chính quyền ở Can Lộc, phân khu Việt Minh đã phát động các địa phương đồng loạt đứng lên khởi nghĩa. Ở huyện Cẩm Xuyên, Nhân dân với giáo mác, gậy gộc, cờ đỏ kéo tới bao vây Đồn Trường, buộc Đồn trưởng phải ra lệnh cho binh sĩ đầu hàng; tiếp đó kéo về huyện lị mở nhà lao giải phóng tù nhân, chiếm huyện đường và ra mắt Ủy ban khởi nghĩa lâm thời của huyện. Ở Thạch Hà, Ủy ban khởi nghĩa huyện chỉ đạo các xã Phù Việt, Ngọc Lụy, Ngọc Điền, Đan Chế khởi nghĩa trước và tiếp đó phát động khởi nghĩa toàn huyện giành chính quyền. Đến ngày 17/ 8/1945, ba huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà đã giành được chính quyền trọn vẹn. Sáng ngày 18/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà huy động Nhân dân các xã lân cận cùng với Nhân dân thị xã Hà Tĩnh kéo đến bao vây dinh Tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Hà Văn Đại ký giấy chấp nhận đầu hàng và giao quyền cho Ủy ban khởi nghĩa. Vào 10h ngày 18/8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Chủ tịch. Trưa hôm đó, Nhân dân các nơi nối nhau tiến về sân vận động Thị xã chứng kiến buổi lễ trọng đại ra mắt chính quyền cách mạng, ghi nhận sự ra đời của chế độ mới ở tỉnh Hà Tĩnh.
Trong những ngày tiếp theo, dưới sự chỉ đạo của Việt Minh các huyện Kỳ Anh, Đức thọ, Nghi Xuân tiếp tục đứng lên giành chính quyền. Chậm nhất là huyện Hương Khê thì vào ngày 21/8/1945 sau khi chiếm đồn Chu Lễ, Ủy ban khởi nghĩa đã huy động Nhân dân vào chiếm huyện đường. Như vậy là chỉ trong 5 ngày, mở đầu là huyện Can Lộc và kết thúc ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành trọn vẹn và thành công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh một cách nhanh gọn và an toàn.
Ngày 24/8/1945, chính quyền cách mạng Hà Tĩnh được đổi thành Ủy ban nhân dân cách mạng. Ủy ban đã ra lời kêu gọi toàn thể Nhân dân đoàn kết một lòng để bước vào giai đoạn cách mạng mới, cùng nhau củng cố và bảo vệ chính quyền. Trong niềm vui chung của cả nước đang sục sôi khí thế Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thật tự hào trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 tỉnh Hà Tĩnh và huyện Can Lộc là những địa phương đầu tiên giành được chính quyền về tay Nhân dân.
Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám ở Hà Tĩnh trước hết là kết quả của sự định hướng khoa học, chính xác của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời cơ và biết chớp lấy thời cơ thuận lợi nhất để giành chính quyền. Hà Tĩnh là một tỉnh ở xa căn cứ địa của Trung ương, thông tin lại khó khăn, nếu không có sự định hướng về chủ trương ở trên thì sẽ không kịp thời nắm bắt được thời cơ để phát động Nhân dân trong tỉnh cùng Nhân dân cả nước giành chính quyền.
Đây là thắng lợi được hun đúc từ truyền thống yêu nước và cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh mà trực tiếp là kết quả của phong trào cách mạng với sự hoạt động không mệt mỏi, không sợ hy sinh xương máu của các chiến sĩ cách mạng và Nhân dân yêu nước, yêu quê hương suốt 15 năm từ khi có Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ mặc dù cách mạng bị kẻ thù liên tiếp đàn áp tàn khốc với quy mô lớn, gây hậu quả nặng nề, tổ chức Đảng nhiều lần bị phá vỡ, ngay trong cách mạng Tháng Tám, nhiều cơ sở, nhiều huyện và ở tỉnh vẫn chưa kiện toàn được về tổ chức, song kẻ địch không thể phá vỡ được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và sự tất thắng của cách mạng.
Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám ở Hà Tĩnh còn là ở tinh thần cách mạng sáng tạo và nhạy bén trước tình hình của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh là quê hương của phong trào Xô Viết là trọng điểm đánh phá của kẻ thù, có thời điểm phong trào lắng xuống, thậm chí có khi thất bại, nhưng lại nhanh chóng được hồi phục để phát triển. Cán bộ, đảng viên, Nhân dân đã sáng suốt trước thời cuộc, chủ động, sáng tạo và kịp thời nắm bắt chủ trương, cách thức đấu tranh, nên đã khắc phục được mọi khó khăn trở ngại, đồng lòng đứng lên làm cách mạng giành chính quyền.
Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám ở Hà Tĩnh một lần nửa khẳng định vị trí xứng đáng của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Sau cách mạng Tháng Tám, Hà Tĩnh tiếp tục lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày nay trong công cuộc đổi mới Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều sáng tạo và ở tốp đầu cả nước trên một số lĩnh vực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng bộ vững mạnh, củng cố và phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, đã và đang làm cho “Hà Tĩnh nổi bật lên” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)
- Phát huy vai trò gắn kết đại biểu dân cử và cử tri ( 08/08)