Liên đoàn lao động tỉnh với công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp
EmailPrintAa
15:22 28/04/2017

Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động (CNLĐ) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Công đoàn Hà Tĩnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2013-2018 đã đề ra. Năm 2016, Công đoàn các cấp đã tích cực tham mưu với cấp uỷ, chính quyền, chuyên môn trong xây dựng, bổ sung các chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của CNLĐ. Tổ chức khảo sát, tổng hợp nhu cầu đất ở, nhà ở trong CNLĐ, đến nay có 5.681 CNLĐ chưa có nhà ở, qua đó tham mưu UBND tỉnh có chính sách về nhà ở xã hội, giải quyết đất ở cho CNLĐ có thu nhập thấp.

Các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp và các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 251 doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật về lao động, công đoàn, Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT) và công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Qua kiểm tra đã đề nghị các doanh nghiệp có giải pháp khắc phục các lỗi vi phạm, bảo đảm thực hiện đúng quy định các chế độ chính sách cho 1.472 công nhân lao động.

 

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đối thoại với 126 giám đốc doanh nghiệp; chỉ đạo 72 Công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp tổ chức đối thoại với chủ doanh nghiệp (có 3.748 CNLĐ tham gia); 189 doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương theo NĐ 49 của Chính phủ; 186 doanh nghiệp trả mức lương cao hơn so với quy định tại NĐ 122 của Chính phủ; 151 doanh nghiệp thực hiện nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CNLĐ... Thực hiện khởi kiện 8 doanh nghiệp nợ BHXH, trong quá trình phối hợp hoàn thiện hồ sơ khởi kiện đã có 06 doanh nghiệp nộp số tiền nợ 450 triệu đồng; còn lại LĐLĐ tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ khởi kiện 02 doanh nghiệp gửi Tòa án nhân dân Thành phố Hà Tĩnh.

Phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hàng năm. Kết quả năm 2016, có 187/266 (đạt 70,3%) doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động đúng quy trình, đạt chất lượng tốt.

Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng quà nhân Tháng Công nhân cho CNLĐ Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Tĩnh

 

Chỉ đạo, hướng dẫn, tư vấn cho các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trong việc thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt, năm 2017 với chủ đề “Năm vì lợi ích đoàn viên”, LĐLĐ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng thỏa ước lao động tập thể, đưa nhiều nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho người lao động, phấn đấu đạt chỉ tiêu 80% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó 70% thỏa ước đạt loại A và B.

 

Công tác ATVSLĐ được các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), tạo môi trường làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động (NLĐ), đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động như: phối hợp tổ chức tốt Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ hàng năm; tham gia thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện ATVSLĐ, điều tra các vụ TNLĐ chết người, tổ chức tập huấn nội quy, quy trình kỹ thuật an toàn trong lao động sản xuất và các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động.

 

Công tác tư vấn pháp luật được chú trọng. Năm 2016, tư vấn cho 314 lượt người lao động về một số nội dung như: Hợp đồng lao động (HĐLĐ), tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), công tác ATVSLĐ... Đồng thời thông qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên trang Website của LĐLĐ tỉnh, tạo điều kiện cho hàng nghìn công nhân lao động truy cập, tìm hiểu các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.

 

Quỹ “Mái ấm công đoàn” được triển khai có hiệu quả đến các cấp công đoàn. Năm 2016, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp 4.923 lượt đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền trên 2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 137 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 3,420 tỷ đồng. Sau sự cố về môi trường biển, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng 8 máy bộ đàm, 260 suất quà cho đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng - huyện Cẩm Xuyên, xã Thạch Kim - huyện Lộc Hà và CNLĐ bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, với số tiền trên 130 triệu đồng. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh trao hỗ trợ 2,415 tỷ đồng tiền mặt; quà, hàng hóa trị giá trên 2 tỷ đồng để chia sẽ, thăm hỏi, giúp đỡ Nhân dân nói chung, CNLĐ nói riêng bị thiệt hại do lũ lụt gây ra. Chỉ đạo công đoàn cơ sở tổ chức “Tết Sum vầy”, Chương trình “Trao quà tết - Kết nối yêu thương” cho 2.783 đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tiếp tục phát huy Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, giúp 153 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình với lãi suất thấp qua Ngân hàng Chính sách...

 

Với những kết quả đạt được trong công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNLĐ của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, hoạt động công đoàn đã thực sự góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), đảm bảo đời sống, việc làm, các chế độ chính sách cho người lao động ở các doanh nghiệp. Vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn ngày càng được khẳng định, công đoàn đã đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được; công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện tại trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề của CNLĐ còn hạn chế, có chỗ còn bất cập; một số CNLĐ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước thiếu việc làm, hoặc việc làm không ổn định đã ảnh hưởng đến SXKD và đời sống của người lao động; một bộ phận CNLĐ tiền lương chưa được thanh toán kịp thời; khá nhiều doanh nghiệp chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; điều kiện làm việc, ATVSLĐ của công nhân ở một số doanh nghiệp chưa được đảm bảo; việc ký kết HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)  trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhiều bất cập, các điều khoản trong TƯLĐTT chỉ là sao chép lại luật; nơi có đông CNLĐ còn thiếu các cơ sở sinh hoạt văn hóa, thể thao, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nhà ở tập thể...

 

Để thực hiện tốt hơn công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ, thời gian tới, các cấp công đoàn tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật, chính sách đối với CNLĐ; đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề bức xúc của CNLĐ. Tiếp tục tham gia với chính quyền có chính sách về nhà ở, xây dựng thiết chế văn hóa cho CNLĐ trong các khu công nghiệp.

 

Hai là, tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp với chuyên môn; giám sát thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao chất lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, hướng dẫn người lao động ký kết hợp đồng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tham gia giải quyết, ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công.

 

Ba là, nâng cao nhận thức chính trị, bản lĩnh, năng lực hoạt động cán bộ công đoàn các cấp, đủ trình độ tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho CNLĐ; thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, công tác an toàn vệ sinh lao động, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn...

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ việc làm, duy trì và phát triển quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ vì nữ CNLĐ nghèo, quỹ “Mái ấm công đoàn”, quỹ tương trợ, các hoạt động xã hội, kịp thời giúp đỡ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

 

Năm là, nâng cao năng lực của Trường cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh trong việc đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nâng cao trình độ tay nghề, kiến thức pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, kết nối với doanh nghiệp gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho CNLĐ.


    Ý kiến bạn đọc