“Một bước tiến trong hành động có giá trị hơn cả một tá cương lĩnh”
EmailPrintAa
08:16 19/05/2021

Hiện nay, trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, chúng ta đang thiếu cái gì? Đạo lý chưa đủ thấu hay pháp lý chưa đủ mạnh? Sự lành mạnh của đời sống đạo đức xã hội phụ thuộc một phần rất quan trọng vào sự nêu gương của người lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: Muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức giữ gìn và nêu gương về mặt đạo đức.

Tự mình phải chính trước
Khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người kiên trì đấu tranh chống lại nguy cơ xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hóa biến chất của một đảng cầm quyền. Người nói: "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. "Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”

	Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954) Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954)
Ảnh: TL

Nhưng, giờ thì đang phổ biến người khôn ngoan ít nói, kẻ nông nổi lại lắm lời, làm Nhân dân phân tâm; không ít người lên mặt “quan cách mạng”, cả gan mạt sát Nhân dân? Bao nhiêu người hiểu rằng, người khôn ngoan phải luôn chú trọng đến hạnh kiểm và lời nói của mình. Và bao nhiêu cán bộ, đảng viên tâm niệm: Người chính nhân thường hổ thẹn về lời nói qua việc làm của mình?

Do đó, sự nêu gương đạo đức ở người cán bộ, đảng viên, đặc biệt ở người lãnh đạo, giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Một khi quần chúng đã mất niềm tin vào đạo đức của người cầm quyền thì niềm tin chính trị đối với họ cũng khó mà nguyên vẹn. Từ xưa, ở phương Đông và Việt Nam, cả Nho, Phật, Lão đều coi trọng đạo đức, đều nêu cao tấm gương đạo đức nói và làm của người lãnh đạo, dẫn dắt xã hội. Trong lịch sử nước ta, những lãnh tụ dân tộc muốn tập hợp được Nhân dân chống ngoại xâm hay chống lại chế độ phong kiến hà khắc đều phải là những người có uy tín đạo đức rất cao. Ta hiểu vì sao Hồ Chí Minh nói: Đối với các dân tộc phương Đông, "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Hiện nay, trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, chúng ta đang thiếu cái gì? Đạo lý chưa đủ thấu hay pháp lý chưa đủ mạnh? Sự lành mạnh của đời sống đạo đức xã hội phụ thuộc một phần rất quan trọng vào sự nêu gương của người lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu các ngành, các địa phương, các đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: Muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hết sức giữ gìn và nêu gương về mặt đạo đức, nếu không thì có nguy cơ sẽ hỏng cả. Vì, lời nói xảo trá ắt sẽ làm loạn đạo đức. Càng nên thấu rằng, khi xong việc hẵng nghị luận, nhưng nếu đứng ngoài cuộc mà phẩm bình quyết không phải tư cách của người “cầm cân nảy mực”, của người đảm giữ trọng trách trước tổ chức và Nhân dân.

Muốn thế, thì: "Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý", như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Đó cũng là yêu cầu của thực tiễn hiện nay. Mỗi một con người khi đã được cắt cử đảm nhận trọng trách trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước thì nhất cử, nhất động của họ đã vượt ra khỏi phạm vi cá nhân, mang ý nghĩa tiêu biểu, trở thành "phương diện quốc gia", mỗi hành vi tiêu cực của họ đều quan hệ đến niềm tin của Nhân dân, đều được kẻ thù khai thác, lợi dụng để xuyên tạc, chống phá thể chế chúng ta.

Vì thế, hãy tránh xa và tẩy trừ những người “lưỡi dài hơn tay”, những kẻ nói láo, những tên nịnh thần cơ hội… Hãy nhớ rằng, những tên nịnh bợ sống được là nhờ những người nghe chúng nói; rằng, gièm pha, mai mỉa là một chứng xấu nhất đời. Luôn nhớ rằng, hình phạt dành cho những kẻ nói dối là chẳng những không một ai tin mà chính kẻ đó cũng không tin một ai cả. Lời vu khống giống như con ong vò vẽ lớn. Vì thế, dù là ai, nhất là những người giữ trọng sự, hãy tiếp nhận lời nói xấu với sự trầm tĩnh hơn sỏi đá, như Voltaire nói. Như thế mới có thể làm được người dẫn dắt. Nếu rơi vào những kẻ quen chỉ nói những điều sướng miệng thì nhất định chẳng biết nghe những điều không sướng tai. Rốt cuộc, những người đó ắt chẳng lãnh đạo được gì, chẳng dẫn dắt được ai!

Chính vì thế, hãy tự mình gạt bỏ và tẩy trừ thói hứa hão, kiêu căng, hợm hĩnh. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đẩy lùi sự tha hóa, biến chất về đạo đức - lối sống, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, hơn hết lúc nào, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, phải gương mẫu từ việc nhỏ đến việc lớn, từ lời nói đến việc làm, từ phong cách đến lối sống, vì chúng có liên quan đến sự sống còn của chế độ, độc lập và an ninh của Tổ quốc. Nên nhớ, lời hứa là món nợ. Nhân dân rất biết giá trị của những người lãnh đạo bằng cách hãy xem họ, bình phẩm họ đối xử thế nào với kẻ dưới; và, nhất định càng xa lánh từ sự kiêu căng của kẻ nhỏ là luôn nói về mình tới thói kiêu căng của kẻ lớn là thấy những người này không bao giờ nói về người nhỏ.

… và tự soi mình trong mắt Nhân dân

Hơn lúc nào hết, lúc này, người giữ trọng trách, dù ở cấp nào, nói năng thận trọng đáng quý hơn mọi sự hùng biện; một hành động vì Nhân dân cao gấp nghìn lần những lời thuyết giảng. Trong hành xử, cắt đặt người, nên nhớ và luôn cảnh giới rằng, người làm được chưa chắc đã nói được; người nói được chưa chắc đã làm được; và dùng cho công bình. Không thể miệng rao giảng sự thanh khiết nhưng tay lại đục khoét quốc khố, miệng nói sự kiệm cần nhưng bản thân, vợ con lại sống phù hoa, xa xỉ…  Nên nhớ, “tiền vua thì có thân, tiền dân thì có ma”! Tham lam, trộm cắp lúc này “còn nguy hiểm hơn cả Việt gian, mật thám”, như Cụ Hồ dặn, và ắt họ tự diệt vong. Phẩm hạnh mỗi người mờ hay tỏ, liêm sỉ có hay không, nhân cách cao hay thấp, cũng chính là ở đó!

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”. Chính vì thế, hơn bất cứ lúc nào, không chỉ nói và làm cho mình, giữ mình trong sạch mà phải nói và làm đối với người khác, trước hết và trực tiếp là gia đình, thân tộc, phường hội… Đảng ta đã và đang yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các cấp phải nêu gương về đạo đức, lối sống, phải là người chiến sỹ xung kích đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí; không những thế còn phải xem xét lại gia đình mình, con cái mình có lợi dụng chức vụ của bố mẹ làm điều sai trái không? Tất cả phải được chỉnh đốn và tự chỉnh đốn mình. Chỉ có thông qua những tấm gương cụ thể, trước hết là của những người có chức vụ cao, giữ cương vị lớn mới củng cố và nâng cao được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Nên nhớ, đây chính là rường cột của thể chế!

Nhân dân ta cũng chân thành và trông đợi các đồng chí đứng đầu tổ chức các cấp của Đảng và Nhà nước là những tấm gương về đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đó là nguyện vọng của Nhân dân, cũng là đòi hỏi bức thiết của đời sống đạo đức xã hội, của sự nêu gương xã hội. Nhân dân mong rằng, hãy xứng đáng là những người có nhân thì nói lời bình thường chứ không trịch thượng, nói đạo đức chứ không nói lời bạo ngôn, nói đến trị bình chứ không nói đến phe nhóm, nói đến con người chứ không vị kim tiền, mê thần tín thánh quàng xiên. Làm trái thế, thì hãy tự nguyện rời bỏ bộ máy, từ chức nếu có chức vụ. Nhân dân càng mong, ít sắc dục để nuôi tình; ít ngôn ngữ để nuôi khí; ít tư lự để nuôi thần, ít tham lam để thanh khiết…, như cổ nhân dặn, để thật sự là người dẫn dắt Nhân dân, xứng đáng là “con nòi” và “công bộc” của muôn dân. Xin được nói thêm một lần: Nếu dư luận chưa đủ tỉnh, đạo đức chưa đủ răn, đạo lý chưa đủ chuyển thì pháp lý tất phải được toàn dụng, Đảng cương bất vị nể, “Quốc pháp bất vị thân”, quyết không dung thứ!

Nói gọn lại là: Muốn lôi cuốn và lãnh đạo được dân chúng, Đảng phải mẫu mực đi trước, làm trước, nói ít làm nhiều. Đó là thước đo năng lực cầm quyền của Đảng.

Mỗi cán bộ, đảng viên, muốn thu phục và “ướp mặn” được người khác thì tự mình phải nêu gương trong sạch, nói đi đôi với làm, tự mình phải trở thành muối. Đó là thước đo nhân cách mỗi người.

Phải nghiêm cẩn tự soi mình trong mắt Nhân dân, thành tâm tự soi mình trong tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đó cũng chính là nói và làm vậy! Đó là ngọn nguồn sức mạnh, uy tín và hấp lực của Đảng. Đó cũng là nhân tố vun đắp phẩm hạnh, liêm sỉ và nhân cách mỗi người. Đó là cách xóa đi khoảng cách vạn dặm giữa lời nói và việc làm của không ít người trong đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta hiện nay.

Lúc này, hơn hết bao giờ, “một bước tiến trong hành động có giá trị hơn cả một tá cương lĩnh”. Hành động, hành động và hành động thay cho mọi lời nói, mọi sự rao giảng dù hay ho đến mấy. Như thế sẽ là thiết thực nhất, vì sự thành đạt của công việc, vì đất nước hùng cường và là thước đo khẳng định liêm sỉ, danh dự và uy tín cao thấp của mỗi người, mỗi tổ chức!

Báo daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc