Một trong những giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 7
EmailPrintAa
07:53 04/09/2013

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ Bảy (Khóa XI) đã ra Kết luận số 64-KL/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”. Quan điểm thứ hai trong Kết luận đã nêu: “Đổi mới kiện toàn bộ máy phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức”… Tuy không đề cập một cách cụ thể, nhưng đổi mới, kiện toàn bộ máy gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức đối với cơ quan dân cử địa phương chính là nâng cao chất lượng của đại biểu dân cử.

Trong thời gian qua, chất lượng đại biểu HĐND đã được nâng lên, đại đa số các đại biểu HĐND các cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, được nhân dân tin cậy, tín nhiệm. Trong đó, các đại biểu trong Thường trực HĐND, các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, Tổ trưởng tổ đại biểu và các đại biểu là Trưởng, Phó, thành viên các ban HĐND đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp lớn cho hoạt động của HĐND các cấp. Từ đó mà vai trò, vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng được khẳng định và tăng cường.

Tuy nhiên, trong hoạt động của đại biểu HĐND vẫn còn hạn chế: chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều; một số ít đại biểu trình độ năng lực còn hạn chế; một số đại biểu chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND; các đại biểu HĐND kiêm nhiệm chưa dành được nhiều thời gian để thực hiện nhiệm vụ đại biểu, có đại biểu chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của HĐND và của cá nhân đại biểu, e ngại, thiếu tự tin, ngại va chạm trên diễn đàn trong hoạt động giám sát, cũng như trong TXCT… dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND bị hạn chế, còn hình thức và chưa thực chất.

Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết do chúng ta chưa thực sự coi trọng tiêu chuẩn, lấy tiêu chuẩn làm chính, chưa có cơ cấu hợp lý khi thực hiện hiệp thương lựa chọn ứng cử viên để bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND sau khi được bầu còn hạn chế, nặng về lý luận, thiếu những kinh nghiệm thực tiễn cụ thể trong hoạt động của đại biểu. Do vậy, sau tập huấn trình độ đại biểu chưa được nâng lên, hiệu quả tập huấn chưa cao.

Các đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu ở cơ sở năng lực hạn chế, nặng về nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan, chưa dành thời gian nghiên cứu chính sách, pháp luật, nghị quyết có đi vào thực tiễn cuộc sống hay không… Do vậy, ít có đóng góp vào công việc của cơ quan dân cử. Trong khi đó, chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm cá nhân đại biểu, nội dung hoạt động của cá nhân đại biểu dân cử; chưa có cơ chế để giám sát và đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu. Cá nhân mỗi đại biểu lúng túng trong giải quyết mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị mình với thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử; mỗi năm tham gia vài ba kỳ họp hay TXCT theo định kỳ. Điều kiện để đại biểu hoạt động (phương tiện, cung cấp thông tin…) cũng còn hạn chế.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, góp phần thực hiện Kết luận của Hội nghị TW 7, xin góp một số ý kiến sau:

Thứ nhất, chất lượng đại biểu HĐND là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Đây không phải là vấn đề mới. Các đợt bầu cử đại biểu HĐND, chưa thực sự coi trọng, việc lựa chọn các ứng cử viên để bầu cử đại biểu HĐND. Chất lượng đại biểu là gốc, là cái căn bản. Phải tạo cho cử tri có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử, có đủ năng lực, điều kiện và đủ dũng khí để đại diện cho họ thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu HĐND. Tuy nhiên, vì là cơ quan dân chủ đại diện nên cũng cần phải có cơ cấu hợp lý, nhưng không được vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Vấn đề là đề ra tiêu chuẩn thế nào, cơ cấu ra sao và lựa chọn các ứng cử viên có đạt được tiêu chuẩn, cơ cấu đã đề ra hay không?

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về HĐND để các cấp, các ngành, xã hội và nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, vị trí, quyền hạn trách nhiệm của HĐND và đại biểu HĐND. Đây cũng là cách tạo ra áp lực của dư luận xã hội đối với đại biểu HĐND, buộc mỗi đại biểu phải hoạt động tốt hơn, có trách nhiệm hơn trước xã hội và cử tri.

Thứ ba, HĐND có chức năng, nhiệm vụ theo luật định rất nặng nề, nhưng với bộ máy như hiện nay thì khó thực hiện tốt nên phải xây dựng bộ máy tương ứng. Đối với HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cần tăng số lượng các đại biểu hoạt động chuyên trách. Các ban HĐND tỉnh ngoài Trưởng hoặc Phó ban chuyên trách, nên bố trí một ủy viên có trình độ chuyên môn tương đối sâu về lĩnh vực tương ứng để hoạt động chuyên trách (Thực tế có địa phương đã thực hiện và đã mang hiệu quả thiết thực).

Thứ tư, có cơ chế cụ thể để tập thể HĐND và cử tri giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu HĐND. Hàng năm, mỗi đại biểu HĐND phải xây dựng chương trình công tác, đăng ký với Thường trực HĐND và báo cáo kết quả thực hiện với cử tri nơi mình được bầu. Có quy định cụ thể trong Luật Tổ chức HĐND và UBND về thời gian tối thiểu đại biểu HĐND kiêm nhiệm phải dành cho hoạt động của HĐND. Thực hiện cơ chế tự kiểm điểm đối với đại biểu HĐND. Hàng năm, HĐND phải có kiểm điểm đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới việc khen thưởng đối với đại biểu HĐND. Vừa qua, thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội, HĐND các địa phương đã tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đây là việc làm rất thiết thực, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thực hiện thường xuyên cơ chế này.

Thứ năm, đổi mới và tăng cường công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu. Cần thường xuyên cung cấp đầy đủ tài liệu, nhất là các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các luật mới được ban hành, các thông tin về tình hình KT - XH của địa phương cho đại biểu HĐND. Cần có quy định UBND các cấp phải gửi đại biểu HĐND cùng cấp các báo cáo tháng, quý, năm về tình hình KT - XH của địa phương.

Cuối cùng, bản thân mỗi đại biểu HĐND phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước tập thể HĐND. Không ngừng học hỏi nâng cao trình độ về mọi mặt, năng động sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, không thụ động phụ thuộc vào hoạt động của Thường trực và các ban HĐND. Mỗi đại biểu HĐND cần tích cực rèn luyện kỹ năng giao tiếp, vận động, thuyết trình, không chỉ trong kỳ họp HĐND mà ngay trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Đại biểu HĐND phải thực sự là người đại diện của dân, họ phải trở thành những người bạn, như những người thân của cử tri.

 

 


    Ý kiến bạn đọc