Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho công tác cải cách tư pháp
EmailPrintAa
15:22 04/05/2013

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho công tác cải cách tư pháp, ngày 30/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc vớiTrường Đại học Luật Hà Nội
 vàTrường Đại học Luật TP.HCM.  (Ảnh: Chinhphu.vn)
 

Lãnh đạo hai trường Đại học đã báo cáo Chủ tịch nước những điểm nổi bật trong công tác đào tạo. Từ ngày thành lập đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đào tạo được hơn 80.000 cán bộ pháp luật, chiếm 60% tổng số cán bộ pháp luật đã được đào tạo, 90% cán bộ giảng dạy pháp luật trong cả nước; là cơ sở dẫn đầu về quy mô chất lượng đào tạo trong số 22 đơn vị đào tạo luật trong cả nước. Chất lượng sinh viên của trường ở các hệ khá ổn định và từng bước được nâng cao. Trường đã chủ trì tham gia 17 đề tài khoa học cấp Nhà nước, biên soạn 122 bộ giáo trình hệ đại học, mở rộng quan hệ hợp tác với 20 cơ sở đào tạo luật nước ngoài.

Từng bước khẳng định vai trò, vị trí là trung tâm đào tạo, nghiên cứu pháp lý và truyền bá pháp luật lớn ở khu vực phía Nam, qua 15 năm phát triển, Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh đã cấp bằng cử nhân chính quy cho 12 nghìn sinh viên, đáp ứng nhu cầu luật ngày càng cao của xã hội. Từ năm học 2009-2010, nhà trường ban hành chương trình cử nhân chất lượng cao với nhiều môn học mới, kết hợp giảng dạy cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên hiện công tác đào tạo tại hai đơn vị vẫn còn một số hạn chế: chất lượng đào tạo ổn định nhưng nhìn chung thấp so với yêu cầu thực tiễn, sinh viên tốt nghiệp còn bất cập về kiến thức thực tiễn, kỹ năng và phương pháp làm việc, số lượng đề tài nghiên cứu hàng năm còn ít.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị lãnh đạo hai trường cần sớm hoàn thiện đề án xây dựng trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật, đảm bảo đúng tiến độ, bám sát tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Quan tâm đến cơ chế, chính sách và phương thức đào tạo cán bộ ngành luật, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo hai trường nâng cao chất lượng tuyển chọn sinh viên, điều chỉnh chế độ, chính sách tiền lương cho cán bộ giảng viên phù hợp tính chất đặc thù của công tác giảng dạy và nghiên cứu pháp luật.

Chủ tịch nước cho rằng, giai đoạn 2011-2016 là khoảng thời gian khởi đầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tập thể cán bộ giảng viên hai đơn vị cần đổi mới quy trình và phương pháp đào tạo, rà soát chỉnh lý hệ thống giáo trình hiện có, chú trọng cập nhật kiến thức mới hiện đại của khoa học pháp lý quốc tế. Trong quá trình đào tạo cần lưu ý lồng ghép chương trình rèn luyện kỹ năng vào nội dung từng môn học, chú trọng nâng cao kiến thức ngoại ngữ và năng lực hội nhập cho sinh viên.

Chủ tịch nước căn dặn, thời gian tới công tác nghiên cứu khoa học của hai trường phải thiết thực hữu ích, bám sát yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với truyền thống cùng những thành tựu đạt được, hai đơn vị tiếp tục mở rộng quy mô, trở thành trung tâm nghiên cứu, học thuật và trao đổi các ý tưởng khoa học pháp lý có uy tín tại Việt Nam; phấn đấu trong thập niên tới, được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á, tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới./.


    Ý kiến bạn đọc