Xác định được thực tế đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm và có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường. Nhiều chủ trương, cơ chế chính sách về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn đã được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện như: Nghị quyết số 132/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về “thông qua Đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng những năm tiếp theo”; Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Triển khai chỉ đạo quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Công tác cải cách hành chính về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh theo hướng giảm thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư được nâng cao cả về số lượng hồ sơ và chất lượng thẩm định (từ 42 hồ sơ trong năm 2010 lên 114 hồ sơ năm 2014); đã có 196 đơn vị được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Mạng lưới quan trắc và phân tích môi trường liên tục được điều chỉnh và tăng dày mật độ điểm quan trắc nhằm đáp ứng nhu cầu đánh giá chất lượng môi trường phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, mạng lưới quan trắc và phân tích môi trường đã có 274 điểm, tăng 163 điểm quan trắc so với năm 2010. Kết quả quan trắc mạng lưới đã góp phần trong công tác đánh giá chất lượng môi trường ở các vùng, lĩnh vực, phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
|
Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường |
Công tác quản lý chất thải rắn được quan tâm, trong giai đoạn 2011-2015 đã đầu tư kinh phí mua sắm xe đẩy tay và thùng đựng rác đầu tư cho các tổ chức thu gom rác thải trên địa bàn, đến nay đã cấp phát được 588 xe đẩy tay và 186 thùng rác; đã xây dựng cơ chế hỗ trợ thành lập các hợp tác xã môi trường (mỗi hợp tác xã ngân sách tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 50 triệu đồng). Nhờ vậy, mạng lưới các đơn vị thu gom và vận chuyển rác thải đã được nhân rộng, đã có 166 Công ty, HTX, tổ đội vệ sinh môi trường (tăng gấp 5 lần so với năm 2010), góp phần đáng kể công tác thu gom rác thải phát sinh trên địa bàn, lượng rác thải thu gom, vận chuyển đi xử lý tăng từ 76.498 tấn năm 2010 lên 182.283 tấn trong năm 2014. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được đầu tư, nâng cấp, nổi bật là nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt làm phân hữu cơ tại xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên đang là mô hình điểm cho nhiều tỉnh khác trên cả nước học hỏi kinh nghiệm; hiện tại mô hình lò đốt rác GFC-SANKYO đang được thử nghiệm để nhân rộng ra các địa phương khác. Ngoài ra, hiện nay đang có dự án đầu tư nhà máy chế biến xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh với công suất trên 1000 tấn/ngày đêm. Về chất thải y tế, toàn tỉnh đã có 16/19 bệnh viện đã được đầu tư lò đốt chất thải y tế, tăng 6 lò đốt so với năm 2010 và 18/19 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Nhờ vậy, lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, xử lý tăng từ 168kg/ngày (năm 2010) lên 368kg/ngày (năm 2014).
Một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường đang từng bước được xử lý đặc biệt là các điểm ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật từ thời kỳ chiến tranh để lại. Trong giai đoạn 2011-2015, đã điều tra 143/160 điểm, tổ chức lấy mẫu và phân tích đánh giá mức độ ô nhiễm được 55/143 điểm và triển khai xử lý ô nhiễm tại 8/160; đã hoàn thành xử lý triệt để 6/12 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và rút khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn được quan tâm đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đạt tiêu chí môi trường, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86,6%, trong đó có 36,2% sử dụng nước đạt chuẩn QCVN 02/BYT của Bộ Y tế.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác bảo vệ môi trường còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế; trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chưa được đầu tư làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, lĩnh vực kiểm tra sau thẩm định chưa triển khai được nhiều. Quy hoạch các khu xử lý chất thải đã được phê duyệt nhưng chưa được đầu tư, hệ thống các khu xử lý chất thải hiện có chưa đáp ứng nhu cầu xử lý đối với lượng chất thải phát sinh; một số bãi rác cũ đã xuống cấp, hết công suất gây ô nhiễm môi trường; các cơ sở xử lý rác thải chủ yếu vẫn đang thực hiện theo hình thức chôn lấp. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, Nhân dân, doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến tình trạng trốn tránh việc đầu tư và vận hành công trình xử lý chất thải; vẫn còn tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý, đổ rác thải bừa bãi ở khu vực công cộng. Đầu tư kinh phí cho sự nghiệp môi trường chưa đủ để xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường như đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải, xử lý tình trạng ô nhiễm asen trong nguồn nước sinh hoạt, xử lý ô nhiễm do rò rỉ đường ống xăng dầu từ thời kỳ chiến tranh; xử lý các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật... Hệ thống thoát nước đô thị đã xuống cấp gây tình trạng ngập úng vào mùa mưa lũ, nước mưa thoát chung với nước thải. Ở tất cả các khu đô thị, du lịch và hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung là nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Mục tiêu bảo vệ môi trường đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là phải ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và sự cố môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng; từng bước nâng cao chất lượng quản lý môi trường; hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu đó các ngành, các cấp cần phải vào cuộc, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cụ thể hoá các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về BVMT trên địa bàn, lồng ghép các mục tiêu về bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng quy chế bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, khai thác khoáng sản, hoạt động du lịch, hoạt động giao thông, hoạt động xây dựng; quy chế bảo vệ môi trường làng nghề...
Thứ hai, triển khai thực hiện tốt quy hoạch BVMT tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, trước mắt tập trung đầu tư thực hiện quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp và tiếp tục triển khai xây dựng quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cho các khu vực nông thôn, khu vực làng nghề, quy hoạch giết mổ gia súc tập trung.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác xã hội hoá môi trường, xây dựng cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, tăng cường, nâng cao năng lực, hiệu quả QLNN trong lĩnh vực BVMT về đội ngũ cán bộ, trang thiết bị, phương tiện; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định BVMT và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thứ năm, ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ tái chế chất thải, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; khuyến khích tiêu dùng sạch, hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng nhằm giảm số lượng phương tiện lưu thông, hạn chế phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Thứ sáu, tạo sự chuyển biến trong đầu tư cho công tác BVMT, coi đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững, xem xét để tăng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường; huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho BVMT. Trước mắt ưu tiên xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường như hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung của các khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề;
Thứ bảy, tăng cường trồng cây xanh, trồng rừng, nâng cao độ che phủ rừng; đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa rủi ro, sự cố môi trường do thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, dịch bệnh, sự cố cháy rừng...
Thứ tám, tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về BVMT.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Chính vì vậy, để thực hiện có hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường chúng ta cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đối với công tác bảo vệ môi trường, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cộng đồng để thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên nhằm xây dựng quê hương Hà Tĩnh ngày càng xanh - sạch - đẹp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)
- Phát huy vai trò gắn kết đại biểu dân cử và cử tri ( 08/08)