Nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định vị thế của khu vực kinh tế tập thể
EmailPrintAa
07:43 29/08/2016

Thực tiễn đã khẳng định, thành phần kinh tế tập thể (KTTT), nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân. Đặc biệt tạo động lực trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp nông thôn, tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nền tảng và động lực trong xây dựng NTM

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong những năm qua, kinh tế tập thể, nòng cốt là Hợp tác xã trên địa bàn Hà Tĩnh có bước phát triển vượt bậc; tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về hình thức hợp tác, nhiều Hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết, tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực, quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh từng khẳng định: “Kinh tế tập thể là một trong những thành phần kinh tế đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế Hợp tác xã lại càng được đặt ra một cách quan trọng hơn bao giờ hết”.

Trong những năm qua, với yêu cầu trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cùng với sự ra đời của liên minh Hợp tác xã tỉnh, kinh tế tập thể ở Hà Tĩnh đã có bước phát triển mới cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 2.822 tổ hợp tác (THT) với 21.645 thành viên. Trong 5 năm qua, số lượng THT được thành lập mới đạt 2.389 đơn vị, tăng gấp 6,6 lần so với năm 2011. Nhìn chung các THT được quản lý điều hành khá linh hoạt; hoạt động đa dạng và phong phú; nhiều THT đã xây dựng quy chế hoạt động, góp vốn, góp sức, huy động tài sản, đất đai của thành viên để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 916 Hợp tác xã được thành lập mới, đưa tổng số Hợp tác xã đang hoạt động đến thời điểm này đạt 1.255 Hợp tác xã với 117.355 thành viên. Tổng vốn điều lệ đạt 1.810 tỷ đồng. Doanh thu của kinh tế Hợp tác xã ước đạt trên 2.500 tỷ đồng/ năm; lợi nhuận trên 90 tỷ đồng/năm. Nhiều Hợp tác xã mới thành lập đã nhanh chóng liên kết với doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo được niềm tin cho thành viên và người lao động. Thời gian qua, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp thể hiện rõ nhất là trên các lĩnh vực như: chăn nuôi lợn; hươu, trồng rau, củ, quả công nghệ cao; nuôi tôm trên cát; chế biến nông, lâm, thủy sản. Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi lợn Thạch Long Lê Đăng Sơn cho biết: Với 20 xã viên ban đầu, sau 2 năm đi vào hoạt động, đến thời điểm này Hợp tác xã đã có 50 xã viên; trong đó có 15 hộ xã viên vừa được kết nạp mới và đang trong quá trình đầu tư xây dựng chuồng trại. Doanh thu của Hợp tác xã hiện đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Hiện Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thạch Long đang nhận và xét duyệt trên 50 đơn của các hộ dân trong xã xin gia nhập vào Hợp tác xã.

Với sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò quan trọng trong thực hiện Đề án phát triển sản xuất; góp phần thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng NTM. Thực tế, với 52 xã trên toàn tỉnh đã về đích NTM, thì cả 52 xã đều có Hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Nâng cao sức cạnh tranh của khu vực KTTT

Đại hội Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh lần thứ V nhiệm kỳ 2016 - 2021 được xem là dịp đánh giá tổng thể, khách quan về thực trạng của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, từ đó xây dựng các giải pháp khả thi, cụ thể để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh, đưa khu vực kinh tế tập thể phát triển theo chiều sâu. Tập trung đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã và Liên minh Hợp tác xã; làm tốt công tác tham mưu và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Xây dựng, nhân rộng các mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá chủ lực, quy mô lớn, theo hướng liên kết vùng, liên vùng nhằm đưa kinh tế tập thể phát triển với tốc độ nhanh và bền vững.

Làm tốt công tác tham mưu và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách phát triển KTTT; xây dựng, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn chuỗi giá trị hàng hoá chủ lực, quy mô lớn theo hướng liên kết vùng, liên vùng... Phối hợp với các địa phương thực hiện trong thời gian tới đó là hoàn thành việc chuyển đổi Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Cùng với đó, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, khơi dậy không khí thi đua ttrong 1.255 Hợp tác xã với 117.355 thành viên cùng quyết tâm, phấn đấu thực hiện các mục tiêu đặt ra cho khu vực KKTT giai đoạn mới, tạo sự chuyển biến về chất, nâng cao vị thế của loại hình kinh tế đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình phát triển của tỉnh nhà.

 


    Ý kiến bạn đọc