Nhưng câu chuyện GD, chuyện về tình thầy nghĩa trò giờ xem ra quá khác xưa. Cuộc sống hiện đại, cách nhìn đời, nhìn người, nhìn “nhân tình thế thái” cũng khác chăng? Dù ngành GD còn nhiều thiếu sót, tư duy cách làm còn vội, nhiều khi chưa chín, nhưng thành quả của sự nghiệp GD mấy chục năm qua vẫn sáng lên những bước dài xa không thể phủ nhận. Bao nhiêu thầy cô khắp mảnh đất chữ S này vẫn lặng thầm gieo từng con chữ, trang bị tư duy kiến thức cho triệu triệu học trò. Bao thầy cô cắm bản không ngại gian khổ nơi núi rừng heo hút.
Người thầy giáo được ví như người chở đò, đời ai nhớ, ai quên? Người làm thầy vẫn thầm lặng giữ “đạo”, vẫn cả đời tận tụy sưởi ấm lòng trò trong cả cách dạy chữ, dạy làm người! Ai đó chọn nghề dạy học, là chọn cho mình cái đạo, cái nghĩa ở đời. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói về nghề thầy giáo một cách đầy triết lý, nhưng cũng thật giản dị: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý!
Thời gian có thể phôi pha, bôi xóa nhiều thứ khi thế gian biến cải, nhưng những lời như gan ruột ấy làm sao có thể quên?
Không thể quên cái cao quý trong đạo làm thầy, công ơn của thầy cô. Dù giữ trọng trách là nguyên thủ quốc gia, những nhà khoa học xuất chúng, nghệ sĩ lừng danh… thì ai cũng có thời đi học, cũng có tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm mang theo suốt cả đời người. Đẹp lắm, da diết, thiêng liêng lắm với bao nhiêu chuyện về tình thầy nghĩa trò sâu nặng!
Tôi cứ nhớ mãi chuyện đi tìm thăm cô giáo cũ của tổng giám đốc một công ty xây dựng lớn. Ông sinh ra nơi cát trắng Quảng Bình. Cái nghèo đeo bám cậu trò giữa mênh mông đất khô cằn và chiến tranh đạn bom ác liệt. Thời ấu thơ ông nổi tiếng nghịch ngợm, nhưng cũng nổi tiếng thông minh. Cứ “3 ngày thì 5 tật”, ông bị nhà trường gọi lên gọi xuống. Cô giáo chủ nhiệm nhiều khi nổi giận và cũng cả nhiều khi phát khóc vì những trò nghịch tinh quái của ông. Nhà trường gọi ông lên quyết định đuổi học. Thập thò ngoài cửa, ông nghe tiếng cô giáo chủ nhiệm: Đuổi cậu ta thì dễ, nhưng chúng ta sẽ quá sớm vứt ra lề đường một cậu trò có tố chất thông minh!
Một cậu trò gan lỳ đến độ bố bắt nằm ra giữa nhà đánh đòn không bao giờ khóc, nhưng đã khóc khi nghe những lời ấy của cô giáo. Thời gian trôi với mưu sinh với bao biến cải, ông ra trận đánh giặc và trở về học hành thành kỹ sư xây dựng, thành tổng giám đốc DN bề thế. Ông bảo, nặng ơn cô giáo từ cái thời tiểu học đã đứng ra bảo lãnh để không bị nhà trường đuổi học ông mới có ngày hôm nay.
Thời gian quá xa, bàn chân ông len lỏi gian nan, đủ cách, ông đi tìm cô giáo cũ. Vì chiến tranh cô cũng chuyển hết nơi này tỉnh kia. Khi tìm được, cô đã chuyển về Hải Phòng và già yếu. Ông coi cô như người mẹ thứ hai, ra gánh vác những năm tháng cuối đời của cô giáo cũ như một đứa con trai đích thực (cô có hai con gái và chồng cô đã mất)! Lần gặp nào, cũng bàn tay gầy guộc của cô nắm chặt tay ông. Còn ông thì rưng rưng: Không có cô dang tay nâng bước cậu học trò “nghịch tứ bất tử”, em đâu được thế này?
Cuộc đời ai hay nhiều chuyện “đạo nghĩa thầy trò” cứ như huyền thoại. Một mái trường quê, lớp trò những năm 68-69 của thế kỷ trước chả quên chuyện nhìn cậu trò chỉ mong manh chiếc áo mỏng trong mùa đông giá rét, cô giáo đã cho phép cậu được khoác chăn sợi đi học. Ai hay cậu trò đem cả thời trẻ ra trận, đã thành cán bộ cấp cao trong quân đội. Cô nghỉ hưu đã lâu, cậu trò cũng đã nghỉ hưu. Nhưng câu chuyện cô giáo cho phép khoác chăn đi học, lớp chúng tôi mỗi khi gặp nhau trong ngày hội lớp, hội trường còn nhắc mãi?
Ngày nhà giáo 20.11 năm nay, nhìn lớp trò ôm hoa hân hoan đi chúc tết thầy cô, ngồi nhâm nhi ly cà phê với mấy ông bạn, kỷ niệm tuổi học trò như lại ùa về. Thôi thì vui buồn đủ lẽ. Nhưng một ông bạn dạy đại học nhìn từng giọt cà phê rơi tí tách, gương mặt đầy ngẫm ngợi xa xăm: Tình thầy trò giờ khác xưa rồi?
Tưởng nhà ông có chuyện chi không vui, chúng tôi dồn hỏi. Hóa ra cái trĩu buồn lại là sự ân hận ông bảo có lẽ chết cũng phải đem theo.
Ông là nhà giáo chỉn chu trước con mắt chúng tôi, cả khi đứng lớp, khi làm quản lý, đến khi về với bạn bè đời thường. Chuyện ông trải lòng lại làm chúng tôi hết thảy lặng người đi. Mấy chục năm rồi, một cô trò phải thi lại vì phải đi làm thêm tự lo tài chính, bởi nhà nghèo quá… Nhưng ông đã hạ bút cho điểm liệt. Chính cái điểm liệt ấy mà cô phải rời trường đại học, lang thang sinh kế tận góc biển chân trời. Giờ thì cô trò có một gia đình hạnh phúc với 2 con, nhà cửa khang trang, xe hơi đẹp, phải nỗi quá xa quê. Mỗi lần về quê, phải túi xách tay mang, máy bay, xe cộ đi lại quá diệu vợi.
Ông vốn chẳng nhớ cái vụ cho điểm ấy, nhưng gần đây khi gặp lại cô trò ông mới hiểu cái “thâm cung bí sử” ấy mà vô tình chuyện ông hạ bút cho cô điểm liệt đã góp tay! Cô trò không hề trách ông, mà còn bảo: Vì cái “điểm liệt” của thầy mà em có gia đình quá hạnh phúc chưa bao giờ một cô gái quê nghèo như em dám mơ? Thế thì sao ông bạn dạy đại học của chúng tôi lại phải day dứt, ân hận nhỉ? Hóa ra đạo lý thầy trò không chỉ nhìn từ phía trò mà phải được chăm chút, vun xới từ chính những người thầy!
Tin mới cập nhật
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 118/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ( 08/01)
- Sửa đổi nhiều khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/01/2025 ( 06/01)
- Thành phố Hà Tĩnh công bố Nghị quyết của UBTV Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính ( 02/01)
- Công bố Quyết định thành lập Đảng bộ huyện Thạch Hà ( 02/01)
- Lãnh đạo Hà Tĩnh chúc mừng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 nhân 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ( 20/12)
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)