Theo V.I.Lênin, chủ nghĩa xã hội nảy sinh ra trong lòng cách mạng tư bản, đó là yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển theo quy luật của lịch sử loài người. Từ thực tế nước Nga lạc hậu, lại bị tàn phá nặng nề sau Đại chiến thế giới lần thứ I (1914-1917), tiếp đó là nội chiến và cuộc chiến tranh chống sự can thiệp của 14 nước đế quốc, nên để khắc phục và tiến lên theo V.I.Lênin cần phải tập hợp đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp lao động để phát triển lực lượng sản xuất trên cơ sở tăng năng suất lao động. Người chỉ ra rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thắng được chủ nghĩa tư bản trên cơ sở “thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động và do đó phải tổ chức lại lao động ở một trình độ cao hơn”(1). Để làm được điều đó phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó đặc biệt phải phát triển giáo dục quốc dân, phải phát động thi đua xã hội chủ nghĩa, phải biết tổ chức sản xuất và kế thừa những thành quả trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội của chủ nghĩa tư bản...
V.I.Lênin cho rằng điều quan trọng nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội là nguồn lực con người. Nhưng những người lao động bắt tay vào xây dựng xã hội mới hoặc là do chủ nghĩa tư bản sinh ra nuôi dưỡng mà có, hoặc là chưa hề có kiến thức gì về một xã hội mới, cho nên cần phải cải tạo, giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo để có nguồn lực đủ phẩm chất, năng lực và nhiệt huyết xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong việc sử dụng nguồn lực V.I.Lênin rất quan tâm đến tầng lớp trí thức và chuyên gia tư sản. Người nói: “Chúng ta cần sử dụng tất cả các chuyên gia tư sản, trước đây họ đã tích lũy được các kiến thức, bây giờ họ phải hoàn lại các kiến thức đó để tiến hành công việc của chúng ta. Chúng ta phải dựa vào sự giúp đỡ của họ để giành được mọi cái cần thiết cho chúng ta”(2). Là một liên bang gồm nhiều cộng đồng dân tộc, V.I.Lênin cho rằng muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải xem việc đoàn kết các dân tộc là cốt yếu. Người đã nêu trong Cương lĩnh dân tộc là các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết, còn liên hiệp công nhân và lao động của các dân tộc để xây dựng xã hội... Người kiên quyết đấu tranh chống áp bức dân tộc, kỳ thị dân tộc đồng thời cũng tìm mọi cách gạt bỏ những trở ngại để các dân tộc có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau, xích lại gần nhau và cùng hợp tác để xây dựng đất nước. Trong cuộc cách mạng của giai cấp công nhân đấu tranh để giải phóng mình khỏi bóc lột, điều mà V.I.Lênin hết sức coi trọng là đấu tranh để các dân tộc được giải phóng, đấu tranh để nông dân có ruộng đất, đấu tranh chống đế quốc vì quyền tự do, dân chủ, vì một nền hòa bình vững chắc. Tất cả hợp lại để cùng xây dựng Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Thiên tài của V.I.Lênin còn ở chỗ, Người cho rằng muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cần phải xây dựng được nền văn hóa vô sản. Đó là nền văn hóa chân chính, văn hóa dựa trên sự công bằng xã hội và mang đến tự do, hạnh phúc cho con người. Một nền văn hóa phải biết kế thừa những tinh hoa của văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa do lịch sử loài người tạo nên, trong đó có những tinh hoa của văn hóa tư sản. Nghĩa là văn hóa vô sản không phải cái gì xa lạ, biệt lập từ hư không, từ bỗng nhiên, mà có cuội nguồn từ tinh hoa cộng đồng của loài người qua các giai đoạn lịch sử. Người căn dặn: “Người cộng sản phải biết tiếp thu những di sản văn hóa của nhân loại, phải tiếp thu toàn bộ khoa học kỹ thuật, tất cả những kiến thức, tất cả những nghệ thuật, nếu không có những cái đó chúng ta không thể xây dựng được xã hội cộng sản”(3). Và người cộng sản để có đủ năng lực lãnh đạo thì “phải biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”(4).
Từ những sáng tạo trong tư duy lý luận, V.I.Lênin đã vận dụng vào thực tiễn cách mạng sinh động của nước Nga, của Liên Xô để không những thực hiện thành công cuộc cách mạng vĩ đại đưa người lao động làm chủ vận mệnh của mình, mà còn sáng tạo tìm ra con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi cách mạng Tháng Mười thành công, để giải quyết tình hình kinh tế - xã hội của nước Nga cực kỳ khó khăn, Người đã đề ra “Chính sách cộng sản thời chiến”. Tiếp đó là “Chính sách kinh tế mới” (NEP) với nội dung cơ bản là khôi phục và phát triển sản xuất hàng hóa, coi trọng nông nghiệp và vai trò của nông dân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng khối liên minh công nông trên cơ sở gắn phát triển công nghiệp với nông nghiệp; chính sách thuế lương thực, quan hệ hàng hóa - tiền tệ; sử dụng tư bản nhà nước; quản lý kinh tế bằng biện pháp kinh tế...(5). Những kết quả của NEP đã đạt được trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là bài học quý giá về lý luận và thực tiễn đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa cho những nước có điều kiện kinh tế còn lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội. Đáng tiếc sau khi V.I.Lênin mất, Liên Xô đã không tiếp tục thực hiện mô hình NEP và thay thế vào đó là mô hình kinh tế - xã hội tập trung, bao cấp với ý đồ bỏ qua nền cơ chế thị trường để tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội. Mô hình này dần dần bộc lộ những yếu kém và là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khủng hoảng toàn diện của Liên Xô và của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Nắm rõ những nguyên lý của V.I.Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở đó bổ sung, phát triển, sáng tạo để phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi nước và của thời đại nhằm mục đích cao cả giải phóng áp bức, bóc lột tiến lên xây dựng một xã hội mới tốt đẹp là vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa xã hội khoa học trong kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ thực tiễn sinh động của mình, trên con đường giải phóng dân tộc và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản của Đảng ta trên cơ sở nắm vững quan điểm của V.I.Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã sáng tạo để làm giàu trí óc của mình, đề ra đường lối cách mạng phù hợp đưa đất nước giành được độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và ngày nay đang thực hiện sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn mang tầm thời đại.
(1) V.I.Lênin toàn tập, tập 36, NXB tiến bộ Matxcơva, 1976, trang 28.
(2) Sđd, tập 40, trang 149.
(3), (4) Sđd, tập 41, trang 161, 162.
(5) Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin và sự vận dụng vào điều kiện nước ta, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1989, trang 16.
Tin mới cập nhật
- Lãnh đạo Hà Tĩnh chúc mừng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 nhân 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ( 20/12)
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)