Nhà báo chân chính trước hết phải là người tôn trọng đạo đức nghề nghiệp
EmailPrintAa
19:08 21/06/2016

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong việc đưa tin các sự kiện trong tình hình hiện nay.

Phóng viên: (PV) Theo ông, một nhà báo có đạo đức là một nhà báo như thế nào?

Chủ tịch Hội nhà báo Hà Tĩnh: (CT HNB HT)

Trước hết, phải khẳng định rằng đạo đức nghề báo là một phần đạo đức xã hội. Nó vừa thể hiện những giá trị chung được toàn thể loài người, không phân biệt môi trường sinh sống, chính kiến, niềm tin, truyền thống... cùng chia sẻ, vừa phản ánh những đặc thù tiêu biểu cho đời sống văn hóa, tâm linh, lý tưởng và niềm tin của quốc gia, dân tộc nơi nền báo chí ấy ra đời.

Ở nước ta, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gồm 9 điều cụ thể mà bất cứ người làm báo nào cũng cần phải tôn trọng, tôn thờ nó như những người làm nghề Y tôn thờ  Lời thề Hippocrates. Từ những quy định chung của đạo đức người làm báo, từ thực tiễn hoạt động báo chí và từ sâu thẳm những xác tín nghề nghiệp của mình, tôi luôn cho rằng một tác phẩm báo chí tốt và một nhà báo có đạo đức phải (và luôn luôn) đảm bảo tuân thủ 4 yếu tố sau: Thời sự - Trung thực - Có tính định hướng cao và Phù hợp vơí lợi ích của Nhân dân. Tính thời sự trong tác phẩm báo chí, trong hoạt động nghề nghiệp báo chí là điều dễ có cái nhìn thống nhất, dễ hiểu. Điều tôi muốn nhấn mạnh thêm ở đây là tính trung thực phải được hiểu là đạt đến mức độ chân thực, là phản ánh được bản chất vấn đề (khác với sự khiên cưỡng tự nhiên chủ nghĩa theo kiểu thấy gì viết nấy, chụp gì in nấy); tính định hướng cao tức là tính chính kiến, tính rõ ràng, minh bạch trong thể hiện quan điểm của nhà báo và trên hết, tất cả những điều mình nghĩ, những việc mình làm, những câu chữ mình viết… phải luôn hướng tới lợi ích của Nhân dân.  Nhà báo phải là chỗ dựa tin cậy, vững chắc để Nhân dân tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ cung cấp thông tin, trách nhiệm của người viết báo còn là định hướng dư luận. Một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp phải nghiêm túc với công việc của mình, tôn trọng công chúng. Khi nhà báo thấm nhuần được điều ấy thì nhà báo sẽ tác nghiệp một cách trung thực, nhân văn với tính chính trị và nhạy cảm nghề nghiệp cao. Và, tự thân những điều đó khẳng định rằng anh ta là một nhà báo có đạo đức.


Phóng viên tác nghiệp (Ảnh: Internet)
 

PV: Trước hiện tượng một số nhà báo lợi dụng quyền lực của mình để “làm tiền” các doanh nghiệp, để thông tin sai lệch sự thật nhằm câu view hoặc có ý đồ cá nhân… ông có ý kiến gì?

CT HNB HT: Trước hết, xin khẳng định rằng đó là sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp một cách nghiêm trọng. Khi nói về điều này, bản thân tôi vừa cảm thấy đau lòng vừa có chút ngượng ngùng, xấu hổ vì không chỉ các cộng tác viên hay những phần tử núp bóng báo chí mà chính một số nhà báo, hội viên Hội Nhà báo vướng vào cái điều xấu hổ ấy - làm tiền doanh nghiệp. Điều này vừa là báo động về đạo đức nghề nghiệp xuống cấp của một số nhà báo vừa nói lên một sự thực là nhiều doanh nghiệp cũng đang tồn tại một số vấn đề khiến những nhà báo thiếu đạo đức có thể lợi dụng. Không chỉ là bản thân các nhà báo, ở đây cũng cần phải bàn đến trách nhiệm của các cơ quan báo chí và quản lý báo chí trong việc giáo dục người làm báo về ý thức đạo đức nghề ngiệp và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình.

PV: Ông quan niệm như thế nào về yếu tố chính xác và khách quan của báo chí? Liệu nhà báo có đạo đức có phải là nhà báo phơi trần toàn bộ sự thật lên mặt báo?

Tôi gọi tính chính xác và khách quan của báo chí là tính trung thực. Và như tôi đã nói từ đầu, tính trung thực trong báo chí cách mạng, báo chí chân chính phải đạt đến mức độ chân thực - tức là bản chất của vấn đề. Phơi trần toàn bộ sự thật lên mặt báo là cách làm tự nhiên chủ nghĩa, thiếu tính nhân văn, thiếu tính chính trị, thiếu nhạy cảm nghề nghiệp và vô hình trung lại không nói lên sự thật chính xác, khách quan!

           PV: Theo ông điều gì quyết định nên đạo đức của người viết báo?

CT HNB HT: Như trên chúng ta đã thống nhất, đạo đức nghề báo là một phần đạo đức xã  hội, nó thể hiện những giá trị chung được xã hội công nhận, chia sẻ. Chính vì thế, một người làm báo có đạo đức trước hết là một công dân tốt, một người có đạo đức. Điều này có nghĩa là những yếu tố quyết định anh ta là người tốt sẽ đóng vai trò đầu tiên, vai trò hạt nhân để quyết định liệu anh ta có thể trở thành nhà báo (nhà văn, cán bộ hải quan, giáo viên…) tốt hay không. Khi anh ta tham gia  viết báo, muốn trở thành nhà báo tốt, anh ta chịu sự chi phối và quyết định của các yếu tố (hay nói một cách khác là điều kiện cần và đủ) sau:

- Tính khoa học. Tính khoa học của tư duy báo chí tạo ra cho người phóng viên có khả năng lựa chọn những dữ kiện để phân tích, đánh giá thực tiễn một cách đúng đắn, hợp lý. Tính khoa học xét cho cùng chính là năng lực tư duy lý luận của người phóng viên báo chí. Nó giúp cho người phóng viên có thể nhìn thấy bản chất của các sự kiện, hiện tượng trong quy luật vận động của nó.

- Tính chính trị. Nghề báo là một nghề thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội thông qua hoạt động nghiệp vụ. Tư duy báo chí thể hiện rõ tính chính trị. Nó cho phép người phóng viên có thể xác định vị trí chính trị của mình trong quá trình thông tin.

Bản lĩnh chính trị vững vàng là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi người phóng viên báo chí hiện nay. Khác với báo chí trong cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa, báo chí của chúng ta phải làm tốt chức năng thông tin giáo dục vận động và tổ chức quần chúng thực hiện những nhiệm vụ của Đảng. Nhà báo phải năng động trong nền kinh tế thị trường, phấn đấu tăng nguồn thu nhưng không hạ thấp tính chiến đấu của báo chí; tích cực và chủ động hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ vững bản sắc người phóng viên báo chí cách mạng.

- Sự nhạy cảm nghề nghiệp. Sự nhạy cảm nghề nghiệp được coi là một trong những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng trong hoạt động sáng tạo của người phóng viên báo chí, thể hiện rõ đạo đức báo chí. Nhạy cảm để phát hiện những nhân tố mới, điển hình mới. Nhạy cảm để nhận ra đúng bản chất đích thực của những vấn đề, con số, sự kiện...

Có thể khẳng định nhạy cảm nghề nghiệp là một yêu cầu quan trọng đối với phẩm chất cần có của một nhà báo. Thực tế cho thấy rằng, thông tin dù có tính chân thật cao nhưng còn phải xem thông tin đó có lợi hay hại. Đã có rất nhiều thông tin khi được ra mặt báo rất chính xác nhưng có hại cho xã hội, thiệt hại cho nhân phẩm con người hoặc cho nền kinh tế đất nước. Như vậy, tuy tin tức đưa ra là hoàn toàn đúng, nhưng đúng mà không có lợi thì vẫn chưa đủ. Chính vì thế mà nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Vốn tri thức phong phú. Trong thời đại bùng nổ thông tin, một trong những yêu cầu nóng bỏng đang đặt ra đối với người phóng viên báo chí nước ta là phải có vốn tri thức phong phú. Có thể coi đây là một trong những yêu cầu khách quan, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi phóng viên nếu họ muốn vươn lên trong xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá mạnh mẽ như hiện nay.


    Ý kiến bạn đọc