Những dấu ấn không bị mờ phai từ cách mạng tháng tám
EmailPrintAa
10:13 17/08/2018

Khác với nhiều địa phương trong cả nước, cuộc khởi nghĩa của Hà Tĩnh bùng nổ khi Đảng bộ đang gặp khó khăn nhất; hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở đã bị kẻ địch phá vỡ nhiều lần. Hầu hết, các đồng chí cán bộ, đảng viên ưu tú bị kẻ địch bắt giam giữ trong các nhà tù sau nhiều đợt vây quét khốc liệt. Trong đó, phải kể tới những thời kỳ vô cùng khó khăn như những năm sau 1930 - 1931, thời kỳ kẻ địch khủng bố đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tiếp đến là thời kỳ sau chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, cấm các hoạt động của Đảng Cộng sản.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Hà Tĩnh vẫn là nơi kẻ địch tăng cường đàn áp, khủng bố và thực hiện nhiều chính sách bóc lột tàn bạo. Thực dân Pháp một mặt phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp những người có tinh thần yêu nước. Mặt khác, chúng dùng thủ đoạn giả nhân, giả nghĩa lừa phỉnh Nhân dân đồng thời đẩy mạnh chính sách vơ vét sưu thuế, gia tăng sức bóc lột. Nhiều chính sách hà khắc được thực dân Pháp triển khai ở Hà Tĩnh như hạn chế việc đi lại, đọc sách báo, hội họp, mít tinh của Nhân dân. Tuyển thêm lính kín, lính khố xanh, cho mật thám giả danh làm người buôn lợn, buôn bò, ăn xin trà trộn trong dân để dò la tin tức, điều tra hoạt động cộng sản. Các phường hội như Tương tế, Ái hữu bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Những người đứng đầu các tổ chức đều bị bắt, xét hỏi, bị phạt tiền...

Chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (ảnh tư liệu)

 

Mãi đến tháng 5 năm 1940, Tỉnh uỷ lâm thời do đồng chí Trần Quỳ, Xứ uỷ Trung Kỳ chỉ đạo mới được thành lập gồm 5 đồng chí. Sau đó, một số địa phương lập lại Huyện ủy như Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê... Mặc dù được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Trung Kỳ, hệ thống tổ chức Đảng ở Hà Tĩnh mới được khôi phục dần, nhưng vẫn còn rất nhỏ bé. Sau cuộc tập kích đồn điền Ferey và việc tổ chức ám sát tên Bang tá Hồ Dũng Tài của Chi bộ Song Con, Cẩm Lĩnh (Hương Sơn) vào tháng 5-1941, thì tổ chức Đảng lại bị kẻ địch triệt phá hoàn toàn. Riêng ở Hương Sơn, chỉ 2 tháng sau vụ Bang tá Hồ Dũng Tài bị giết đã có 170 người bị bắt, 30 người bị xử bắn. Gần như đến ngày khởi nghĩa hệ thống tổ chức của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh chưa có một tổ chức lãnh đạo thống nhất.

Khi thời cơ chín muồi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền xuất hiện thì ở Hà Tĩnh vẫn phải do Mặt trận Việt Minh đảm nhiệm mà nòng cốt là những hạt nhân của Đảng. Mặc dù dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, song cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh cũng không giống như ở nhiều nơi khác. Trên đất Hà Tĩnh cũng chưa có một Ủy ban khởi nghĩa thống nhất chỉ huy. Trước hết là việc cướp chính quyền đầu tiên ở huyện Can Lộc. Trong khi Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh vừa họp bàn để chuẩn bị khởi nghĩa thì một nhóm thanh niên ở Can Lộc do liên lạc được với Việt Minh Hà Nội, sớm thấy được tình hình diễn biến mau lẹ đã huy động lực lượng tước vũ khí binh lính bảo an, xông vào bắt giữ tri huyện, chiếm huyện đường, sau đó phối hợp tổ chức giành chính quyền trong toàn huyện. Việt Minh phân khu Nam Hà của địa phương sau khi nhận được chỉ đạo của Việt Minh liên tỉnh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, phát lệnh khởi nghĩa ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Thị xã Hà Tĩnh và sau đó đến Kỳ Anh. Nghi Xuân thuộc địa bàn phân khu 1 cùng với Vinh - Bến Thuỷ, Hưng Nguyên. Ở huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê lại thuộc về địa bàn của phân khu 5 - phân khu La - Hương - Hương, không thuộc Ủy ban khởi nghĩa tỉnh; mỗi huyện thành lập một Ủy ban khởi nghĩa huyện do Việt Minh liên tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Như vậy, dù trong cùng một thời gian, các huyện, thị Hà Tĩnh mặc dù được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin và sự chỉ đạo khác nhau; song tất cả đã thống nhất mục tiêu, nắm bắt thời cơ giành chính quyền thắng lợi.

Một nét đặc biệt khác về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh đó là sự giúp đỡ phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương trong tỉnh. Trong điều kiện thông tin chưa thuận lợi, phong trào quần chúng lại được tổ chức và chỉ đạo phát triển từ trong sự kìm kẹp của chính quyền địch; nhưng chính sự thống nhất trong mục tiêu lý tưởng, sự tôi luyện trong quá trình tranh đấu đã làm cho ý chí và hành động của người Hà Tĩnh gắn kết với nhau, chung sức lật đổ bộ máy thống trị giành độc lập. Trong thực tế đã có việc bộ phận này giành chính quyền hôm trước, hôm sau bộ phận khác giành lại như ở huyện đường Can Lộc; song tất cả đều là việc giành chính quyền về tay Nhân dân thoát khỏi ách xiềng xích nô lệ. Do vậy mọi việc đã diễn ra tốt đẹp, chính quyền được duy trì, cán bộ tham gia khởi nghĩa đều được điều động, bố trí thuyên chuyển, sử dụng mà không xẩy ra một sự xung khắc đáng tiếc nào. Hoặc như Hương Khê thuộc phân khu La - Hương - Hương ở xa trung tâm, thông tin chậm trễ, Việt Minh ở phân khu Nam Hà đã bố trí lực lượng giúp sức cùng kéo vào tước khí giới của đồn địch ở huyện lỵ Chu Lễ, sau đó phân công huy động lực lượng, vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám ở Hà Tĩnh dù thế cũng đã giành thắng lợi nhanh chóng. Sức mạnh của quần chúng được khơi dậy mạnh mẽ. Mục tiêu cách mạng của Đảng đã trở thành nguyện vọng bức thiết của mọi người dân, nên khi thời cơ đến tất cả đã vùng lên giành lấy chính quyền từ tay kể thù. Hà Tĩnh chính thức tổ chức giành chính quyền về tay công nông bắt đầu từ ngày 16-8-1945 tại Can Lộc, sau đó đã nhanh chóng được diễn ra ở khắp nơi trong toàn tỉnh. Đặc biệt là sau việc giành chính quyền ở thị xã Hà Tĩnh một cách mau lẹ vào ngày 18-8-1945 thì cơ bản chính quyền đã thực sự về tay Nhân dân. Cho đến ngày 21-8 sau cuộc khởi nghĩa Hương Khê kết thúc thì tất cả các huyện thị trong tỉnh đã thành lập được chính quyền cách mạng. Chỉ trong vòng 5 ngày từ 16 đến 21-8 toàn bộ chính quyền đã về tay Nhân dân. Hà Tĩnh trở thành một trong bốn tỉnh của cả nước giành được chính quyền cách mạng sớm nhất.

Bảy mươi ba năm đã qua, khí phách và tinh thần cách mạng tháng Tám vẫn luôn thấm đẫm trong mỗi người dân. Càng tìm hiểu thêm về những nét đặc sắc trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám Hà Tĩnh, càng giúp mỗi chúng ta nhận rõ những dấu ấn sâu sắc không bị mờ phai theo thời gian. Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ và Nhân dân đã từng bước đi lên và không ngừng gặt hái những thành công trong việc giúp nhau xoá đói giảm nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới...

Ngày nay trong điều kiện hội nhập quốc tế đang tạo ra nhiều vận hội và thách thức mới từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Dấu ấn từ cuộc cách mạng hơn 70 năm qua càng khắc sâu thêm niềm tự hào về truyền thống cách mạng, sức mạnh to lớn từ cội nguồn cộng đồng dân cư để cùng nhau vượt qua mọi trở ngại bứt phá, tìm kiếm những cách làm hay, sáng tạo và quyết tâm hơn trong mỗi chặng đường thực hiện công cuộc đổi mới hôm nay theo định hướng Xã hội chủ nghĩa của Đảng.

 


    Ý kiến bạn đọc