Những “ngày Trần Phú” và lễ hội 100 năm...
EmailPrintAa
11:36 01/05/2019

Ngày 26/3/2019, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 163-KH/TU về “Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư (TBT) đầu tiên của Đảng (01/5/1904 - 01/5/2019)”. Nhân dịp này, Ban biên tập chọn đăng lại bài ghi chép về các hoạt động kỷ niệm ngày sinh Cố TBT Trần Phú của “một người trong cuộc” cách đây 15 năm

Thông báo 113

Cuộc sống vốn có nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhiều người đã từng tìm ra những con số gắn với cuộc đời các danh nhân và thường là số lẻ - con số có linh hồn theo quan niệm dân gian.

Cuộc đời Trần Phú, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam cũng ngẫu nhiên gắn với những con số có linh hồn đó. Là con thứ 7 trong gia đình, sinh ngày 1/5, hy sinh ở tuổi 27 và mãi đến năm 1999 mới tìm được hài cốt để di dời về quê... Lễ kỷ niệm 100 năm diễn ra trong năm 2004 nhưng mọi sự chuẩn bị lại thực sự bắt đầu từ năm trước (2003) và như ngẫu nhiên - hầu hết những văn bản quan trọng liên quan đến tổ chức kỷ niệm cũng lại là những con số lẻ. Đó là Chỉ thị của Tỉnh uỷ - văn bản chính thức đầu tiên khẳng định chủ trương và kế hoạch kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng được ký vào đúng ngày 1/5/2003. Đây là bản chỉ thị thể hiện quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh nhân tài quê hương, biến tiềm năng truyền thống thành sức mạnh hiện tại, tạo niềm tin cho Trung ương Đảng và Nhà nước về chủ trương, kế hoạch kỷ niệm 100 năm ngày sinh “người con ưu tú của Đảng của Nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng” như Bác Hồ đã khẳng định.

Cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh dâng hoa trước tượng đài Tổng Bí thư Trần Phú (thành phố Hà Tĩnh). Ảnh Báo Hà Tĩnh

Và có lẽ văn bản "quyết định" nhất thể hiện quan điểm và sự ghi nhận công ơn đối với lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta và cũng là văn bản được nhắc đến nhiều nhất trong dịp kỷ niệm 100 năm là Thông báo số 113 TB/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng được ban hành vào ngày 7/7/2003...

Và cũng từ nội dung của thông báo này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trực tiếp là Ban chỉ đạo và tổ chức kỷ niệm 100 năm đã xây dựng và triển khai một chương trình hoạt động sâu rộng, đều khắp, thiết thực, có hiệu quả và có lẽ cũng là sôi động nhất từ ngày tái lập tỉnh đến nay trên mảnh đất núi Hồng - sông La “địa linh - nhân kiệt” như nhiều người từng khẳng định...

Những “ngày Trần Phú”

Tháng Tư khi đất trời rạo rực cho sự chuyển mùa - ánh nắng đầu hè chói chang đang bắt đầu át dần những đợt mưa dầm dề hây hây lạnh cũng là lúc “bùng phá” hàng loạt hoạt động kỷ niệm 100 năm sau thời gian lặng lẽ, âm thầm chuẩn bị. Từ Bến Thuỷ đến Đèo Ngang, từ cửa khẩu Cầu Treo cho đến cảng Vũng Áng, đâu đâu như cũng được đánh thức, làm sôi động lên bởi hình ảnh, âm thanh, hành động và cả nghĩ suy, tình cảm về kỷ niệm 100 năm Trần Phú.

Các thành viên trong Ban chỉ đạo ai nấy đều gấp gáp, liên tục đi, liên tục điện thoại, liên tục hội ý... Vừa thoáng thấy đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Ban chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thiện - Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo ở trụ sở Tỉnh uỷ, chốc sau gọi điện thì người đang trên đường ra Hà Nội, người đã ở Đức Thọ kiểm tra. Rồi thì viết bài, trả lời phỏng vấn, đón tiếp khách, duyệt chương trình, xử lý các vướng mắc của dự án, phát biểu tại buổi lễ này, chủ trì ở cuộc hội thảo kia. Lại thêm nhiệm vụ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp... có khi một ngày đến mấy chục đầu việc phải giải quyết dứt điểm.

Các thành viên của Ban theo sự phân công cũng mỗi người một mảng, hối hả, vội vàng, nhiều lúc mồ hôi vã ra như tắm. Ban Tuyên Giáo, Văn phòng Tỉnh uỷ vừa đảm nhiệm chức năng thường trực, tham mưu tổng hợp cho Ban Thường vụ, vừa trực tiếp triển khai những hoạt động quan trọng nhất như Hội thảo khoa học, thi tìm hiểu về cuộc đời Trần Phú, truyền thống cách mạng của quê hương và đặc biệt là đón tiếp các đoàn đại biểu cấp cao, tổ chức lễ mít-tinh kỷ niệm 100 năm... Huyện Đức Thọ như một công trường lớn, đoàn đến - đoàn đi và đặc biệt là lễ hội ngày 29/4 nườm nượp người tham dự... Đài Phát thanh Truyền hình mở chuyên mục “Hướng tới kỷ niệm 100 năm...”, đi đâu cũng gặp phóng viên Hạnh Loan và Văn Quốc; hàng loạt buổi truyền hình, phát thanh trực tiếp; rồi nhóm do biên tập viên Đắc Túc dẫn đầu vác máy lặn lội khắp đất nước để làm phim... Báo Hà Tĩnh xong cuộc Hội thảo phối hợp với huyện Đức Thọ lại tập trung làm sách và số đặc biệt kỷ niệm 100 năm. Tỉnh đoàn thanh niên tổ chức Hội thi ca khúc cách mạng. Sở Thể dục Thể thao vừa lo phối hợp tổ chức chặng đua xe đạp vừa triển khai hàng loạt giải đấu như Karate, đua thuyền... Lặng lẽ, thâm trầm như Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng kịp khai trương Triển lãm ảnh Bắc miền Trung thu hút hàng ngàn lượt người đến xem...

Riêng đối với ngành Văn hoá Thông tin - những ngày Tháng Tư thực sự là những “ngày Trần Phú”. Đầu tháng, bế mạc Trại sáng tác âm nhạc với 25 ca khúc mới viết về Trần Phú và quê hương Hà Tĩnh. Triển khai làm đĩa VCD 10 bài hát tiêu biểu về Hà Tĩnh, đặc biệt lần đầu tiên mời các ca sỹ nổi tiếng như Nghệ sỹ nhân dân Thu Hiền, Trọng Tấn, Thanh Thanh Hiền, Anh Thơ... về quay trực tiếp ở tỉnh để kết hợp giới thiệu, quảng bá về quê hương, con người Hà Tĩnh. Ngày 5/4 - khai sàn luyện tập màn sử thi nghệ thuật Hào khí đất Hồng Lam . Ngày 8/4 - hoàn thành lắp đặt tượng đài Trần Phú. Ngày 10/4 - triển khai 3 cụm cổ động hoành tráng ở Bến Thuỷ, Đèo Ngang và thị xã Hà Tĩnh. Ngày 12/4, hỗ trợ Tỉnh đoàn tổ chức chung kết Hội thi ca khúc cách mạng. Ngày 15/4, tham gia và phục vụ văn nghệ cho Hội thảo khoa học về Trần Phú do Tỉnh uỷ và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Ngày 16/4, phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc Triển lãm ảnh các tỉnh Bắc miền Trung. Từ ngày 17 - 20/4, phối hợp với Cục Văn hoá Thông tin cơ sở tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng Về với sông La với sự tham gia của 14 đơn vị trong toàn quốc. Từ 19 - 21/4, phục vụ đón tiếp, tham quan cho đoàn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ngày 24/4, phối hợp với Đài PT - TH tổ chức đêm Giao lưu âm nhạc chào mừng kỷ niệm 100 năm và ngày bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Ngày 26/4 - tổng duyệt màn sử thi. Ngày 27/4 - hoàn thành mọi công tác đảm bảo phục vụ lễ mít-tinh kỷ niệm của tỉnh tại Trung tâm Văn hoá. Ngày 28/4 - tổ chức khánh thành công trình Tượng đài - Vườn hoa Trần Phú, biểu diễn màn sử thi khai mạc lễ kỷ niệm. Ngày 29/4 - phối hợp với huyện Đức Thọ tổ chức lễ hội 100 năm tại sân vận động Tùng Ảnh. Ngày 30/4 - phối hợp với Cục Điện ảnh khai mạc Tuần phim kỷ niệm 100 năm Trần Phú và 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Rạp 26/3 và ở huyện Đức Thọ...

Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú (xã Tùng Ảnh - Đức Thọ). Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Xây dựng Tượng đài

Từ đêm 20/4/2004, nếu như ở Đức Thọ nườm nượp từng dòng người chen nhau trên quãng đường từ ngã ba Bà Viên lên khu mộ và khu lưu niệm Trần Phú để chứng kiến quầng hào quang trên đồi Quần Hội lấp lánh, lung linh soi mặt nước Tam Soa thì ở khu đô thị mới phía Bắc thị xã Hà Tĩnh, nhiều người ngỡ ngàng khi thấy một vầng sáng chói loà ở ngã ba đường Xuân Diệu kéo dài gặp đường 70m đang thi công. Giữa bao la đồng ruộng, một khuôn viên như tranh vẽ và sừng sững một tượng đài đang mọc lên để ngày cũng như đêm, có khi đến tận 2 giờ sáng hàng ngàn người đổ về chiêm ngưỡng, dạo mát... Đó là tượng đài Trần Phú, một trong những công trình có nghĩa nhất thể hiện tấm lòng, tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung dành cho người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Từ ý tưởng đầu tiên của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ là nên làm một vườn hoa và dựng tượng đồng chí Trần Phú tại thị xã Hà Tĩnh trong dịp kỷ niệm 100 năm và sau khi được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý, từ giữa năm 2003, đồng chí Nguyễn Thiện - Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ đã cùng lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của Sở Văn hóa Thông tin đi tham quan, khảo sát hàng loạt công trình tượng đài, nhất là tượng các lãnh tụ Đảng ở nhiều tỉnh, thành phố để học tập kinh nghiệm. Từ chuyến đi đó và được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thông tin, sự phối hợp của đơn vị tư vấn là Công ty Mỹ thuật Trung ương, dự án Tượng đài - Vườn hoa Trần Phú chính thức triển khai.

Khó khăn đầu tiên là xác định địa điểm đặt tượng và sau nhiều lần khảo sát, hội thảo, cuối cùng Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã quyết định chọn vị trí trung tâm nhất trên quy hoạch của khu đô thị phía Bắc, lúc ấy đang là đồng ruộng mênh mông và chưa hề có lối vào. Khó khăn thứ hai là chọn phác thảo tượng và quy mô, kích thước, chất liệu. Sau khi đơn vị tư vấn “đặt hàng” cho các nhà điêu khắc làm phác thảo, Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh đã thành lập một Hội đồng nghệ thuật gồm các nhà chuyên môn ở nhiều lĩnh vực như hoạ sỹ Khánh Chương (Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam), các nhà điêu khắc hàng đầu Việt Nam như Dương Đăng Cẩn, Lưu Danh Thanh, hoạ sỹ Hoàng Đức Toàn (Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật-NA, Bộ Văn hóa Thông tin), Kiến trúc sư Hoàng Anh (Giám đốc Sở Xây dựng), nhà văn Đức Ban (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)... do đồng chí Tiến sỹ Trần Quyết Thắng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) làm Chủ tịch Hội đồng. Sau nhiều phiên làm việc của Hội đồng nghệ thuật và báo cáo xin ý kiến của Bộ Văn hóa Thông tin, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đầu tháng 12/2003, phác thảo mẫu tượng mới chính thức được lựa chọn. Theo đó, tượng đài sẽ làm bằng đá tự nhiên, cao 9m với hình thức là tượng bán thân nghệ thuật thể hiện hình ảnh lãnh tụ Đảng thoát thai vươn lên từ những nghiệt ngã, khó khăn, từ thiên nhiên trường tồn (đất, đá...), tay cầm cuốn Luận cương hướng tới tương lai tươi sáng; thế tượng vừa uy nghiêm, hoành tráng, vừa gần gũi, mộc mạc; chân dung (khuôn mặt) vừa phải giống hình ảnh thật của đồng chí Trần Phú ở tuổi 27 vừa phải được cách điệu nghệ thuật thể hiện chân dung của một lãnh tụ Đảng xuất sắc... Sau khi phác thảo mẫu được duyệt, nhóm tác giả (nhà điêu khắc Vũ Như Hải) đã tiến hành phóng to theo tỷ lệ 1/1 ở Bảo tàng Không quân (Hà Nội) để Hội đồng nghệ thuật duyệt và tham khảo ý kiến của các chuyên gia điêu khắc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, các văn nghệ sỹ, nhà báo và con cháu trong dòng tộc họ Trần - Tùng Ảnh. Khi phác thảo 1/1 bằng đất sét được duyệt lần cuối cùng, nhóm tác giả cùng các nghệ nhân, thợ đá ở Ninh Binh chính thức đục tượng từ những khối đá tự nhiên, mỗi khối nặng hàng chục tấn. Ngày 25/3/2004, 4 chiếc xe tải hạng nặng chở các phiến tượng vào công trình; ngày 26/3 - phiến tượng đầu tiên được đặt lên bệ bằng cẩu trọng tải lớn; ngày 10/4 - Hội đồng nghệ thuật tượng đài của Bộ Văn hóa Thông tin tiến hành nghiệm thu; ngày 26/4 - làm lễ cầu siêu và sáng 28/4 trước sự chứng kiến của hàng ngàn người, đồng chí Vũ Khoan - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã chính thức cắt băng khánh thành công trình và làm lễ dâng hoa...

Toạ lạc trên một khuôn viên vườn hoa rộng 10.077m 2 ở ngay trung tâm khu đô thị mới phía Bắc thị xã Hà Tĩnh, hướng nhìn về phía Bắc, Tượng đài Trần Phú như đánh giá của Hội đồng nghệ thuật Bộ Văn hóa Thông tin là “một trong những tượng đài đẹp về chân dung, giàu ý tưởng sáng tạo về bố cục” vừa uy nghiêm, lẫm liệt, vừa gần gũi, giản dị sẽ cùng trường tồn với đất nước, quê hương...

Đất Phượng hoàng tung cánh

Một trong những nhiệm vụ khó khăn mà ngành Văn hóa Thông tin phải đảm nhận trong dịp kỷ niệm 100 năm là xây dựng và biểu diễn màn sử thi nghệ thuật khai mạc lễ mít-tinh kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú vào sáng 28/4. Làm thế nào để phản ánh, khắc hoạ được những đặc điểm nổi bật nhất của truyền thống văn hoá, cách mạng và tấm gương học tập, chiến đấu, hy sinh của đồng chí Trần Phú cũng như bước đường đổi mới, phát triển của quê hương bằng ngôn ngữ sân khấu chỉ trong vòng 35 phút? Đây cũng là chương trình lần đầu tiên được VTV1 truyền hình trực tiếp từ Hà Tĩnh, thời gian để chuẩn bị lại hết sức gấp gáp...

Sau khi duyệt xong kịch bản văn học, phần âm nhạc và phân cảnh, đầu tháng 5/2004, một nhóm múa Hà Tĩnh ra Hà Nội hợp quân cùng sinh viên Trường Cao đẳng Văn học nghệ thuật Quân đội để dàn dựng, tập luyện; số còn lại (diễn viên Đoàn Ca Múa Kịch, học sinh trường Văn học nghệ thuật tỉnh, Nhà Văn hoá thiếu nhi) tập trung tại Đoàn ca múa kịch tập luyện hợp xướng và cảnh kết. Ngày 05/4 khai sàn, ngày 20/4 sơ duyệt múa, ngày 23/4 ráp các bộ phận, tối 26/4 tổng duyệt... Sau một tháng vất vả luyện tập, đúng 8h sáng 28/4, trước gần một ngàn đại biểu tại Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh và hàng triệu khán giả trước màn hình VTV1, phóng viên Hạnh Loan và phát thanh viên Trường Giang cùng đọc lời dẫn mở đầu màn Sử thi nghệ thuật “Hào khí đất Hồng - Lam”:

(1) Hà Tĩnh, vùng đất huyền thoại của cố đô Ngàn Hống thủa Kinh Dương Vương tìm nơi gây dựng cơ đồ, miền thắng địa để 99 cánh Phượng Hoàng sải cánh tạo thành biểu tượng núi Hồng - sông Lam trường tồn cùng lịch sử dựng nước và giữ nước.

(2) Hà Tĩnh, vùng quê của mưa chan - nắng cháy, nhưng thiên tai càng nghiệt ngã thì con người càng được tôi rèn thêm ý chí, tạo đủ mọi nghề, cần cù, chịu khó, sáng tạo vươn lên.

(3) Người Hà Tĩnh từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng với truyền thống hiếu học và thời nào cũng đóng góp cho quê hương, đất nước những danh nhân kiệt xuất như Đại thi hào Nguyễn Du, Danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ...

(4) Mỗi khi quê hương, đất nước lâm nguy, người Hà Tĩnh lại quật cường, dũng khí như Mai Thúc Loan cùng dân nghèo nổi dậy xưng đế chống giặc ngoại xâm; Cha con Đặng Tất, Đặng Dung xả thân mài gươm phục quốc; Nguyễn Biểu hiên ngang trước mọi hung tàn; Phan Đình Phùng treo ấn từ quan dấy binh lo nghĩa lớn...

(5) Từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam, lớp lớp người Hà Tĩnh lại một lòng theo Đảng, góp phần làm nên những chiến công vang dội, đưa đất nước Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh bước vào trang sử mới, trong đó nổi bật là tấm gương chiến đấu, hy sinh của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng...

Màn sử thi kết thúc trong những tràng vỗ tay như sấm dậy. Phó Thủ tướng Vũ Khoan cùng nhiều đại biểu hết lời khen ngợi: hoành tráng và thực sự xúc động, ấn tượng... Ngay sau khi kết thúc buổi lễ, Nghệ sỹ An Thuyên - người đã dành tâm huyết và công sức nhất cho chương trình, điện thoại nói với tôi: “mình không ngờ “nó” tốt đến “rứa” chú à, kịch bản văn học và lời dẫn chú viết hay quá, mình đã cho thu đĩa DVD qua truyền hình rồi, chỉ tiếc một điều là ánh sáng chưa thoả mãn lắm...”. Đất Phượng Hoàng tung cánh bay chính là ý tưởng lớn nhất mà Nghệ sỹ An Thuyên - Tổng đạo diễn và những người tham gia chương trình muốn khắc hoạ, gửi gắm qua màn sử thi nghệ thuật này ...

Vài chuyện nhỏ trong ngày hội lớn

Mới rạo rực, sôi động đó mà một tháng đã trôi qua. Cuộc sống như dòng sông không ngừng chảy, lớp phù sa trước chẳng mấy chốc lại thành trầm tích như ký ức con người về cái đã qua...

Hòa mình trong dòng chảy của những “ngày Trần Phú”, xin ghi lại đôi điều riêng tư - vui có, buồn có, cũng có cả sự ngẫu nhiên trùng lặp...

Thứ nhất là xung quanh công việc dựng tượng đài. Hầu như lần nào tiến hành “việc trọng” liên quan đến làm tượng trời đều đổ mưa, và lạ nữa là mưa xong lại nắng, nắng xong lại mưa. Trước hết là ngày đóng cọc móng tượng, mồng 6 tháng Giêng. Trước Tết chuẩn bị mọi việc xong xuôi, ra tết thấy trời nắng to đã mừng, nhưng đến ngày mồng Bốn trời lại lắc rắc mưa, mồng Năm mưa càng to hơn, đường vào nhão nhoét, người đi cứ phải bì bõm lội bùn. Nhưng ngày giờ đã “quyết” rồi, hoãn lại sẽ kéo theo bao sự chậm, mà tiến độ thì hết sức gấp gáp. Chiều mồng 5 trời vẫn mưa to, hai bên A - B hội ý vẫn quyết định phải triển khai theo kế hoạch. Cả đêm đó trời mưa đến nẫu ruột nhưng gần sáng bỗng nhiên ngưng hẳn, cả buổi sáng đóng cọc rất thuận lợi, đến chiều mới mưa lại... Rồi ngày đặt phiến tượng đầu tiên, đặt phiến tượng cuối cùng, hoàn thiện tượng và làm lễ cầu siêu đều cứ mưa, khi tiến hành công việc lại dỡ, làm xong lại mưa... Nhất là đêm “hô thần nhập tượng”, sấm ùng ùng, chớp giật liên hồi, gió thổi ù ù như cảnh trong phim. Tượng dựng lên, cũng nhiều ý kiến vào ra...

Giờ ngồi tĩnh tâm, viết những dòng này thay nén nhang thắp cho vong linh anh Hùng - cán bộ Điện lực Hà Tĩnh, người trực tiếp chỉ đạo việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng khu vườn hoa - tượng đài Trần Phú. Chỉ thi công trong vòng 1 tháng với nhiều hạng mục khá phức tạp nhưng Điện lực Hà Tĩnh vẫn đảm bảo tiến độ. Sau ngày lễ 01/5, anh Hùng điện thoại hẹn tôi sáng thứ 6 mời ra công trường để nghiệm thu các hạng mục phần điện. Sáng đấy chờ mãi không thấy anh điện thoại, tôi gọi di động cho anh thì nghe tín hiệu báo máy ngoài vùng phục vụ. Mấy hôm sau hỏi ra mới biết anh bị tai nạn giao thông vào đêm thứ 5 và đã mất. Ở bến Tam Soa trước ngày 01/5 cũng có 3 người bị lật thuyền và ra đi vĩnh viễn...

Chỉ là tai nạn giao thông thuỷ, bộ bình thường thôi nhưng tôi cứ bị ám ảnh mãi và trộm nghĩ rằng, để có trọn vẹn lễ hội 100 năm, không chỉ có mồ hôi, công sức...

TS. Võ Hồng Hải

    Ý kiến bạn đọc