Những vấn đề đặt ra qua giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực giáo dục
EmailPrintAa
08:54 07/07/2022

Để đánh giá hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GDĐT) thời gian qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế tại 16 cơ sở giáo dục công lập, 03 cơ sở giáo dục ngoài công lập; làm việc với Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, 4 địa phương và Sở Giáo dục - Đào tạo cùng các sở, ngành có liên quan. Qua đó cho thấy, các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn luôn đứng tốp đầu cả nước; mạng lưới cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tiễn.

Đoàn khảo sát tại trường Tiểu học Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh

Các Nghị quyết của HĐND tỉnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Tính đến nay, toàn tỉnh có 668 trường mầm non và phổ thông (639 trường công lập, 29 trường ngoài công lập); cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được quan tâm đầu tư; khuôn viên, cảnh quan trường học được xây dựng, cải tạo, cơ bản đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn. Hầu hết các trường học đều có đủ phòng học/lớp, cơ bản khắc phục được tình trạng học 2 ca; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 84%. hệ thống phòng bộ môn, phòng chức năng, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị dạy học cơ bản đảm bảo. Cả tỉnh hiện có 22.645 cán bộ, giáo viên, nhân viên (công lập 21.324 người, ngoài công lập 1.392 người); Tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp của bậc học Mầm non là 2,0, Tiểu học là 1,42, THCS là 1,9, THPT là 2,25.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND về Phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo đã có 3 chỉ tiêu đạt gồm: huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, tuyển sinh 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS, 100% học sinh được giáo dục kỹ năng sống. Có 8/10 nhóm chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả, gồm: chính sách hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu trước tuổi không đủ điều kiện theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, chính sách đào tạo văn bằng 2 đối với giáo viên, hỗ trợ giáo viên biệt phái, hỗ trợ giáo viên cốt cán, thưởng giáo viên giỏi, khuyến khích giáo viên tự học nâng cao năng lực dạy ngoại ngữ với 2.617 đối tượng được thụ hưởng, tổng số tiền đã chi trả là gần 50 tỷ đồng.

Nghị quyết số 143/2015/NQ-HĐND, Nghị quyết số 261/2020/NQ-HĐND (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 143) về Quy định một số chính sách đối với Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh và giáo viên, học sinh các trường trung học phổ thông khác tham gia bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi các môn văn hóa và cuộc thi khoa học kỹ thuật, đề ra các chính sách khuyến học, khuyến tài nhằm góp phần phát triển giáo dục mũi nhọn của tỉnh cũng đã đạt được một số kết quả khá cao; sau 7 năm thực hiện, có 5.595 đối tượng được thụ hưởng chính sách với số tiền trên 37 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số Nghị quyết khác cũng đã phát huy hiệu quả sau khi được triển khai trong cuộc sống.

Còn đó những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực GDĐT còn một số hạn chế cần khắc phục. Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhận thấy việc chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết chưa thực sự quyết liệt; sự quan tâm và đầu tư nguồn lực để thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chưa đồng đều. Mối quan hệ phối hợp giữa các ngành chức năng cấp tỉnh với chính quyền các cấp trong tham mưu, hướng dẫn thực hiện các chính sách chưa đồng bộ, kịp thời. Công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt các nghị quyết chưa sâu rộng, chủ yếu đang thực hiện lồng ghép trong các hoạt động khác; một số cơ quan quản lý giáo dục, giáo viên và phụ huynh, học sinh chưa nắm rõ nội dung chính sách, dẫn đến một số cơ sở giáo dục còn bị động, lúng túng trong triển khai thực hiện.

Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND là nghị quyết có tính tổng thể, quan trọng nhất trên lĩnh vực giáo dục cho giai đoạn 2018-2025 của tỉnh nhưng sau 4 năm thực hiện, kết quả đạt được chưa thực sự rõ nét. Có đến 6/9 chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có nhiều chỉ tiêu rất quan trọng như: Tỷ lệ huy động trẻ vào mẫu giáo, nhà trẻ; tỷ lệ tuyển sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT công lập; tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3; tỷ lệ trường học có đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Công tác quy hoạch, sắp xếp các trường ngoài công lập; sáp nhập, giải thể các trường THPT quy mô nhỏ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xã hội hóa giáo dục còn khó khăn…

Đối với một số Nghị quyết khác, quá trình triển khai, bắt nhịp với cuộc sống cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập nhưng chậm được hướng dẫn như Nghị quyết số Nghị quyết số 264/2020/NQ-HĐND Quy định mức hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp, giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp và mức hỗ trợ trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Đoàn khảo sát tại trường Tiểu học Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh

Một số vấn đề cần quan tâm

Từ những kết quả, khó khăn đã nêu ở trên, trong thời gian tới, để các Nghị quyết của HĐND tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, là đòn bẫy cho sự phát triển của giáo dục tỉnh nhà, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề trọng tâm như:

Thứ nhất , cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo triển khai thực hiện hiện các chính sách trên lĩnh vực giáo dục.

Thứ hai , cần chỉ đạo việc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực giáo dục, đặc biệt, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND giai đoạn 1 (2018 - 2021); trên cơ sở đó, kịp thời có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế để triển khai thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo. Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết mới có tính tổng thể, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay trình HĐND tỉnh ban hành. Quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo dục ngoài công lập, việc thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục theo quy định; hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thực hiện cơ chế tự chủ trong trường học, đảm bảo đúng quy định. Đối với chính sách học bổng khuyến khích học tập cấp cho học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, cần quy định mức học bổng cụ thể cho từng loại đối tượng để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ ba , tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; ưu tiên đầu tư những trường đã xây dựng từ lâu, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn như Trường THPT Phan Đình Phùng, quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhà nội trú giáo viên đối với Trường THPT Cù Huy Cận; chỉ đạo các địa phương rà soát cơ sở vật chất các trường học để có phương án đầu tư kịp thời, đảm bảo yêu cầu công tác dạy và học. Có giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu được học tập của học sinh. Quan tâm chỉ đạo triển khai việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục mới 2018, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, thiết thực.

Thứ tư , phát huy hơn nữa vai trò của ngành Giáo dục và Đào tạo trong tham mưu triển khai thực hiện các chính sách trên lĩnh vực giáo dục; hướng dẫn cụ thể để các địa phương, trường học thực hiện việc thu học phí, chi trả chế độ cho giáo viên trực tiếp dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường học đúng quy định. Nghiêm túc đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; tham mưu ban hành chính sách mới đảm bảo đúng quy định pháp luật, phù hợp; có giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, các Sở, ngành, địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách HĐND tỉnh đã ban hành; nâng cao trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Quan tâm hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục…

Mong rằng, với những kết quả đã đạt được cùng với những khó khăn, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của Ngành Giáo dục và Đào tạo cùng với trách nhiệm, tâm huyết của các thầy, cô, giáo dục Hà Tĩnh sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công, góp phần tô thắm những trang sử vàng của ngành Giáo dục tỉnh nhà./.

Ban VHXH HĐND tỉnh

    Ý kiến bạn đọc