Kể từ khi báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của những người yêu nước Việt Nam theo xu hướng cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp thành lập xuất bản số đầu tiên (21/6/1925), đến nay cả nước có hơn 786 cơ quan báo in với 1.016 ấn phẩm; 67 Đài PTTH Trung ương và địa phương; 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Mức hưởng thụ báo chí của người dân được cải thiện đáng kể. Cả nước có trên 17.000 nhà báo chuyên nghiệp, trong đó nhiều người được đào tạo chính quy. Hàng trăm nhà báo được đào tạo sau đại học, một số có học hàm, học vị Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ. Báo chí đã góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, làm cho vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Báo chí thực sự là tiếng nói tin yêu của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội, là diễn đàn của nhân dân, là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực phản động, thù địch; là chiếc cầu hữu nghị gắn kết Việt Nam với bạn bè tiến bộ trên thế giới.
Ở tỉnh ta hiện có 7 cơ quan báo chí là Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH Hà Tĩnh, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Thông tin tư tưởng, Tạp chí Văn hoá Hà Tĩnh, Tạp chí Khoa học, Đặc san Hà Tĩnh- Người làm báo có giấy phép thường xuyên của Bộ TT&TT còn 43 bản tin của các cấp, ngành, thành phố, huyện,thị có giấy phép của Sở VHTT (nay là Sở Thông tin- Truyền thông); có 5 Văn phòng đại diện, 9 PV thường trú và 8 PV có giấy giới thiệu của BBT các báo Trung ương và tỉnh bạn hoạt động trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có hơn 151 phóng viên, BTV của các cơ quan báo chí được cấp thẻ nhà báo, 204 hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Cơ cấu tổ chức hội có 5 chi hội: Chi hội Đài PTTH, Chi hội Báo Hà Tĩnh, Chi hội Hồng Lĩnh, Chi hội VP Hội Nhà báo và CLB Nhà báo cao tuổi. Trong những năm qua, báo chí Hà Tĩnh đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành cùng sự lớn mạnh của quê hương, đất nước, góp tiếng nói nhiệt thành và trung thực của mình vào việc đẩy nhanh sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh nhà. Có thể nói, lịch sử báo chí Hà Tĩnh là những trang biên niên về đời sống KT-XH của tỉnh nhà qua từng thời khắc phấn đấu gay go nhằm khắc phục hậu quả của thiên tai, hạn chế những khó khăn về tài chính và vượt lên những non yếu nội tại của chính mình bằng sự năng động, sáng tạo và cần cù dũng cảm. Chủ đề mà báo chí chúng ta đề cập là vô cùng rộng rãi và toàn diện. Từ việc xây dựng nền kinh tế CN và TMDV, trang trại, cổ phần hoá, kết hợp kinh tế- xã hội với quốc phòng an ninh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nền văn hoá dân tộc, đề cao tình nghĩa, phát triển giáo dục, bảo vệ môi trường cho đến những vấn đề tưởng như là nhỏ nhặt như tâm tư của người vợ có chồng mang HIV-AIDS, nỗi khao khát tình yêu của một người khuyết tật... không một thực tế nào không khơi gợi sự quan tâm của báo chí. Bên cạnh việc đề cao điển hình tốt, cổ vũ cái mới, đấu tranh cho cái mới thắng lợi, báo chí tỉnh nhà cũng đã giành một phần đáng kể cho chủ đề đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Có thể nói, bằng tấm lòng vì nghĩa cả, bằng cái tâm trong sáng của những người cầm bút, các nhà báo đã không nề hà gian khổ, thâm nhập thực tế để từ đó tạo nên những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống và có tính chiến đấu cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, chúng ta không thể không nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại làm giảm sực mạnh, sức hấp dẫn và thuyết phục của báo chí và những người làm báo. Không ít phóng sự trên báo chí của chúng ta quá dàn trải. Người đọc, người nghe, người xem thấy vai trò phóng viên nổi lên che lấp thông tin; lời bình của người cầm bút lấn át tiếng nói của thực tế. Chúng ta cần hết sức tránh xu hướng lạm dụng diện tích mặt báo và thời lượng phát sóng, bởi ngày càng xuất hiện nhiều những bài báo và chương trình dài quá mức yêu cầu tự thân của nó.
Để có những tác phẩm tốt, các nhà báo chúng ta đã luôn kiên định lập trường chính trị của giai cấp công nhân, trung thành với lý tưởng cách mạng; Luôn bám sát thực tiễn và đời sống, phản ánh kịp thời những nhân tố tích cực. Các nhà báo thường xuyên học tập theo tấm gương làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rèn luyện tính trung thực, khách quan, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong nghề nghiệp. Đó chính là bài học kinh nghiệm thực tiễn và cũng là kim chỉ nam cho những người làm báo chúng ta trong hoạt động tác nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn, nhanh nhạy tới nhận thức, tình cảm và thái độ của nhân dân, tới tâm trạng và dư luận xã hội trong và ngoài nước, tới tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, tới hình ảnh và uy tín của đất nước trên thế giới. Chính vì vậy trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn. Mỗi nhà báo phải cân nhắc nhiều hơn khi viết để làm sao nội dung mỗi bài báo riêng lẻ cũng như cơ cấu nội dung tổng thể của các thông tin trên báo giúp cho xã hội nhận thức đúng bản chất sự việc, giúp bạn đọc có thái độ tích cực với cuộc sống. Mặt khác không thể dễ dãi, tùy tiện khi viết. Kể cả khi viết về những cái hư hỏng, tiêu cực dù lớn đến đâu cũng không được làm cho người đọc mất lòng tin và dũng khí, ngược lại phải tiếp thêm sức mạnh cho mọi người có thêm dũng khí, quyết tâm tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào cuộc đấu tranh đến cùng đẩy lùi những tiêu cực. Đội ngũ những người làm báo phải tổ chức phản bác lại những hành động và luận điệu sai trái một cách kiên quyết, mạnh mẽ, kịp thời, có sức thuyết phục cao.
Kỷ niệm 89 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của những người làm báo, là dịp để chúng ta xốc lại hành trang với niềm tự hào, niềm tin mới và trách nhiệm mới để hoàn thành tốt nhất nghĩa vụ công dân và trách nhiệm của người làm báo.
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)
- Phát huy vai trò gắn kết đại biểu dân cử và cử tri ( 08/08)