Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Người đặc biệt coi trọng việc tổng kết và vận dụng sáng tạo những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga vào thực tế Việt Nam. Người khẳng định: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười là ngôi sao soi đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”. Trong tác phẩm “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho dân tộc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga và vai trò của nó đối với cách mạng Việt Nam
Thứ nhất, Cách mạng muốn thành công, “Cần có sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học khẳng định và hiện thực hóa trong Cách mạng Tháng Mười Nga. Nhận thức về vấn đề này, ngay từ tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với vô sản giai cấp và bị áp bức dân tộc mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Thứ hai, phải “Thực hiện cho được liên minh công nông” làm nòng cốt cho cách mạng. Liên minh công nông là một trong những bài học đã từng được công xã Paris - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới kiểm nghiệm, và nó trở 1 trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Khi nhận xét về bài học này, Hồ Chí Minh cho rằng: “…đó là sự bảo đảm chắc chắn thắng lợi cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ tiến lên CNXH”. Vận dụng bài học này vào Việt Nam, Người đã rất thành công khi xác định lực lượng cách mạng. Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định “Công nông là gốc của cách mệnh, học trò nhỏ, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn cách mệnh của công nông”. Đây là chủ trương phù hợp với đặc điểm và thái độ chính trị của các giai cấp trong xã hội, tránh được bệnh cô độc, hẹp hòi. Cương lĩnh là cơ sở để Đảng vận dụng trong việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc có hạt nhân là liên minh công nông - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.
Thứ ba, kiên quyết “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền”. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, một phần, nhờ biết sử dụng bạo lực cách mạng hết sức khôn khéo. Quán triệt quan điểm của Lê nin và bài học cách mạng Tháng Mười Nga, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: phải giành độc lập dân tộc bằng con đường đấu tranh cách mạng, bằng bạo lực cách mạng của quần chúng chứ không phải bằng con đường cải lương, “đường lối thoả hiệp”. Phải sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ bạo lực phản cách mạng. Phải dùng các hình thức bạo lực cách mạng của quần chúng như: “Công nhân bãi công, học sinh bãi khoá, nông dân đòi ruộng đất, nhà buôn nhỏ đóng cửa hàng...” để đánh đổ đế quốc và phong kiến. Vận dụng bài học về phương pháp bạo lực cách mạng từ cách mạng Tháng Mười Nga, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, điển hình là Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thứ tư,bài học “Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Sau khi đã giành được chính quyền, thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng, triệt để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội để để tiến tới chủ nghĩa cộng sản”. Quan điểm này của Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở lý luận quan trọng để cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền sau cách mạng Tháng Tám, tạo tiền đề vững chắc để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thứ năm,“Tinh thần cách mạng triệt để”. Đây là một trong những bài học thành công của Cách mạng tháng Mười Nga. Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tính triệt để của Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là đã thành công và thành công đến nơi”. Tính triệt để hay “đến nơi”, theo Bác, chính là mức độ giải phóng cho nhân dân lao động, là chính quyền có thuộc về đông đảo quần chúng nhân dân lao động hay không. Từ nhận thức về tính triệt để của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga”. Thực tiễn cho thấy, tinh thần cách mạng triệt để được thể hiện rất rõ nét ở việc kiên định con đường Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội trong cách mạng Việt Nam.
Thứ sáu,“Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản”. Bài học này được chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách khá nhuần nhuyễn vào cách mạng Việt Nam. Trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “…trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của của cách mạng vô sản, trong phạm vi toàn thế giới, cách mạng giải phóng dân tộc phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành thắng lợi hoàn toàn”.
Thành công của Cách mạng Tháng mười Nga là ngọn nguồn dẫn đến thành công của cách mạng Việt Nam nói riêng và cách mạng thế giới nói chung. 95 năm ngày Cách mạng tháng 10 Nga diễn ra những bài học lịch sử đông chỉ diễn ra trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà còn cả đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)
- Phát huy vai trò gắn kết đại biểu dân cử và cử tri ( 08/08)