Đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên hết
PGS.TS Trần Ngọc Long, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết, ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc để tháo gỡ tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhằm bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng. “Bởi thế, ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần giải quyết. Trong đó, Người đề nghị Chính phủ tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết. Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” ngày 25.11.1945, để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày 3.12.1945...”.
Đánh giá về thời kỳ này, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), PGS. TS Lý Việt Quang cho rằng, để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện hết sức thành công việc quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, tôn giáo, dân tộc, vùng miền, miễn là có tinh thần yêu nước, từ đó tạo thành nguồn lực vô cùng to lớn, đưa cách mạng vượt qua các thách thức hiểm nghèo.
Với tinh thần “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”, nhiều đảng viên cộng sản rút ra khỏi các cương vị trong Chính phủ, nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức và kể cả đảng viên của Việt Quốc, Việt Cách. “Đây là chủ trương đúng đắn, vừa thể hiện tinh thần đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, gạt được mũi nhọn công kích của những lực lượng chống cộng, vừa tranh thủ, quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, tiến bộ như: Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh, Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà... tham gia bộ máy nhà nước, đồng thời tránh những hiểu lầm trong các tầng lớp nhân dân”, PGS. TS Lý Việt Quang nhận định.
Cùng với đó, để tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 29.5.1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Hội trưởng danh dự. Hội trưởng đầu tiên là cụ Huỳnh Thúc Kháng. PGS. TS Lý Việt Quang cho biết: “Sự ra đời của Hội Liên Việt tiếp tục quy tụ và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ những tổ chức, cá nhân yêu nước chưa có điều kiện tham gia Việt Minh. Xét cho cùng, quy tụ và phát huy thành công sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn lực vô cùng to lớn, nguồn sức mạnh của lòng dân, giúp chính quyền cách mạng được giữ vững; cách mạng Việt Nam vững vàng vượt qua những thách thức hiểm nghèo trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới và trong nước. Đây là một trong những bài học vô cùng quý báu của cách mạng Việt Nam”.
Đoàn kết - động lực quyết định mọi thắng lợi
Từ thực tế lịch sử, các chuyên gia phân tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh của chính quyền sau Cách mạng tháng Tám không những ở tổ chức, bộ máy luôn được kiện toàn, mà còn được huy động từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một chính quyền biết quy tụ được sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ bảo đảm cho chính quyền đó luôn được xây dựng vững mạnh và bảo vệ vững chắc, không thế lực nào có thể đánh đổ.
Theo PGS.TS Trần Nam Chuân, Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền giai đoạn sau này, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc tạo điều kiện thuận lợi để bên trong hết lòng, hết sức ủng hộ Chính phủ, ủng hộ chính quyền, bên ngoài thì quốc tế tôn trọng và giúp đỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong “Lời tuyên bố với Quốc hội về việc thành lập Chính phủ mới” rằng: “Chính phủ mới phải tỏ rõ cái tinh thần đại đoàn kết, không phân đảng phái”..., “Chính phủ này tỏ rõ tinh thần quốc dân liên hiệp”..., “Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia” (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, NXB CTQG, H.2000, tr.430). Đặc biệt, Người luôn chăm lo tổ chức xây dựng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam với tôn chỉ, mục đích đoàn kết rộng rãi mọi giai cấp, mọi dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước để cùng nhau góp sức xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.
“Vận dụng những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta cần tranh thủ những điều kiện, thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, hướng đến xây dựng một Chính phủ với những bước đột phá trong cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia để phục vụ Nhân dân trong giai đoạn hội nhập và phát triển”, PGS.TS Trần Nam Chuân nói.
PGS.TS Trần Ngọc Long cho biết thêm, hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đó là nhờ chúng ta biết phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Song, "sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ… Chủ trương, quan điểm của Ðảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa kịp thời được thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc" ( phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày 18.11.2020 ). Những vấn đề về đoàn kết mà Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII chỉ ra chưa được khắc phục, như mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức... Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty...
Ðể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, trước hết cần khắc phục cho được những hạn chế nêu trên. Ðó mới thật sự là tình cảm cao quý, là sự tri ân, biết ơn công lao của Người và cũng là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn mới, khi toàn Ðảng, toàn dân đang ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, khi đất nước vừa trải qua những thách thức của đại dịch Covid-19 và sắp tới có thể còn diễn biến khó lường.
Bài học cho ngày hôm nay, PGS.TS Trần Ngọc Long cho rằng, đó là học tập tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết dân tộc và quan trọng hơn bao giờ hết là đoàn kết trong Ðảng. Trong Ðảng có đoàn kết thống nhất mới tạo nên sức mạnh cho cả hệ thống chính trị, mới xây dựng được đoàn kết toàn dân tộc, mới được nhân dân tin tưởng, ủng hộ để xây dựng đất nước.
Những lời căn dặn của Người và thực tiễn lịch sử cho thấy, đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc có giá trị tinh thần to lớn, là động lực chủ yếu có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện mới, để phát huy truyền thống quý báu ấy, để nhân lên giá trị tinh thần to lớn ấy là việc không dễ. Vì thế, trước khi về với tổ tiên, trong những lời căn dặn cuối cùng về Ðảng, Người nhắc nhở: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
Tin mới cập nhật
- Lãnh đạo Hà Tĩnh chúc mừng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 nhân 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ( 20/12)
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)