Sôi nổi thảo luận dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng
EmailPrintAa
16:41 16/10/2015

Tiếp tục chương trình làm việc phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, chiều nay (16/10), các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

>> Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII họp phiên trù bị


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện điều hành thảo luận tại tổ 2

Được sự thống nhất của đại biểu Đại hội, ngay vào đầu giờ làm việc buổi chiều, Đại hội đã tiến hành thảo luận tại 5 tổ. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, khách quan, các đại biểu đã phát huy tối đa trí tuệ, tinh thần xây dựng, tích cực đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.


Đại biểu Phan Thị Hồng Yến (huyện Vũ Quang): Trong thời gian tới, Trung ương cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách vùng miền, trong đó tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nông dân

Với 45 ý kiến trực tiếp tại 5 tổ, các đại biểu đã nêu khá toàn diện các nội dung được trình bày trong dự thảo báo cáo chính trị, trong đó, tập trung nhất là các ý kiến về mục tiêu phát triển đất nước, tái cơ cấu nền kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp, lao động việc làm, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng...


Đại biểu Nguyễn Ngọc Mỹ (Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh): Trong công tác tuyên truyền của Đảng cần chú trọng tăng cường các bài viết, phương tiện chống lại luận điệu của các thế lực thù địch.

Nhìn chung, các ý kiến đánh giá Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, chất lượng cao; bố cục rõ ràng, chặt chẽ; nhận định, đánh giá về thành tựu đạt được; về ưu, khuyết điểm, bài học kinh nghiệm cũng như xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trong giai đoạn cách mạng mới là phù hợp, có sức thuyết phục.


Đại biểu Trần Văn Kỳ (Đảng ủy khối Doanh nghiệp): Để phát triển nước ta theo hướng CNH-HĐH thì vai trò của DN là trụ cột. Bởi vậy, trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển nói chung và DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Bên cạnh đó, với xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực CN, TTCN, TMDV, báo cáo Đại hội Đảng toàn quốc cần chú trong phát triển mạnh tổ chức đảng trong DN cả về số lượng và chất lượng

Bên cạnh nhiều ý kiến góp ý cụ thể về câu chữ, diễn đạt làm rõ thêm quan điểm của Đảng, nhiều ý kiến đã mạnh dạn nêu những vấn đề xuất phát từ thực tiễn đời sống ở Hà Tĩnh. Hầu hết các ý kiến nhất trí cao với đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, trong đó đã làm rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và một số bài học kinh nghiệm; đặc biệt là thống nhất cao với nhận định của Trung ương: “5 năm qua đạt được những thành quả quan trọng”.


Đại biểu Đoàn Đình Anh (Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh): Nhân dân rất kỳ vọng ở việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Do đó, trong đánh giá kết quả thời gian qua cần làm rõ hơn những tồn tại và nguyên nhân của nó, đặc biệt là đối với vấn đề lợi ích nhóm, độc quyền kinh tế. Đối với việc phát triển văn hóa, xây dựng con người mới Việt Nam, cần có những giải pháp mạnh để ngăn chặn sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm hạn chế đó là: “An sinh xã hội chưa bền vững, tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác cải cách hành chính còn nhiều hạn chế. Thu nhập của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa đảm bảo mức sống tối thiểu”.


Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch điều hành thảo luận tổ 4

Cũng với tinh thần thẳng thắn, tập trung cao về trí tuệ, có đại biểu đã nhấn mạnh, trong nội dung nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2015) cần nghiêm túc, thẳng thắn hơn trong đánh giá hạn chế, khuyết điểm hiện nay. Cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm nhất đến công tác lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và mong muốn có biện pháp hữu hiệu đối với nhiệm vụ này.


Phó Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Hà Văn Bình: Cần bổ sung một số giải pháp về xây dựng Đảng, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp ý về việc bổ sung phần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại trong phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam

Các ý kiến thảo luận tại tổ đã nhất trí cao với mục tiêu tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020, nhất là tập trung xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, một số ý kiến thẳng thắn nêu: cần xác định “sớm” là thời gian nào và lộ trình thực hiện ra sao.


Đại biểu Bùi Quang Hoàn (Đoàn ĐB huyện Kỳ Anh) nêu một số vấn đề trong ngành nông nghiệp mà Trung ương cần có giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Liên quan tới tình hình thực tiễn tại Hà Tĩnh, nhiều ý kiến đã tập trung nêu về nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, hầu hết các ý kiến nhất trí cao về đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, những định hướng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về định hướng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, một số ý kiến đề nghị Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có chính sách quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đặc biệt là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa; thu hẹp khoảng cách vùng, miền; quan tâm hơn nữa đến nguồn lực xây dựng nông thôn mới…


Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Huyên điều hành thảo luận tổ 5

Trong lĩnh vực lao động việc làm, nhiều ý kiến nêu cần đầu tư phát triển các trường dạy nghề chất lượng cao, làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh theo năng lực, sở trường. Một số ý kiến cũng nêu về giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, tránh tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".

Về lĩnh vực quốc phòng – an ninh, nhiều ý kiến đề nghị phải nêu cao ý chí quyết tâm và có các giải pháp cụ thể, hữu hiệu trong việc bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo. Có ý kiến nhấn mạnh cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc để kết hợp tốt hơn giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


Đại biểu Trần Ngọc Thanh (Đoàn đại biểu Bộ đội Biên phòng tỉnh): Cần đưa vào dự thảo chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới nhiều hơn nữa và tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc khu vực biên giới

Đặc biệt, hầu hết ý kiến về xây dựng Đảng đều nhất trí với các giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Một số ý kiến nêu về tình trạng né tránh, ngại va chạm; một số vấn đề, khuyết điểm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp vẫn chưa được làm rõ; một số vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong Nhân dân chậm được xem xét, xử lý… Cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 


Đại biểu Nguyễn Văn Đính (Đảng bộ Trường ĐH Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Tất cả các ý kiến nhất trí cao với 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương cần sớm chỉ đạo Chính phủ cụ thể hoá bằng các giải pháp; đồng thời phát huy cao độ sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên.

Sau phần thảo luận tại tổ, trong thời gian còn lại của buổi chiều, đại hội đã nghe tổng hợp tham gia dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.


    Ý kiến bạn đọc