Sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân làm nên chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc
EmailPrintAa
15:32 20/07/2018

Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, giao điểm của Quốc lộ 15A và đường Tỉnh lộ 2, có diện tích khoảng 50ha, thuộc phạm vi các xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngã ba Đồng Lộc năm 1968 (Ảnh: TL)
 

Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, nhu cầu tăng viện cho chiến trường miền Nam để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn trở nên vô cùng cấp thiết. Cũng trong thời điểm này, đế quốc Mỹ đã tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt vào địa bàn các tỉnh thuộc khu 4 cũ, nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường chi viện ra tiền tuyến của ta. Giai đoạn đầu chúng tập trung đánh phá ác liệt trên tuyến đường Quốc lộ 1A. Đến cuối tháng 4/1968, tất cả các cầu cống trên tuyến đường này đã bị đánh sập, nhiều đoạn đường bị băm nát, việc vận chuyển hàng hóa vũ khí vào Nam rất khó khăn, ta phải chuyển hướng vận tải sang tuyến đường 15A. Khi đó Ngã ba Đồng Lộc là nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược đi qua. Đây cũng là đầu mối giao thông quan trọng của các tuyến đường phía Tây tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây có thể mở rộng ra các hướng, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng đã bị cắt đứt. Mặc dù tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc, địa hình rất hiểm yếu, dễ bị địch đánh phá và khi bị đánh phá cũng rất khó khắc phục, nhưng không thể có sự lựa chọn nào khác, buộc tuyến đường phải đi qua trọng điểm này.

Nhận rõ vị trí quan trọng của Ngã ba Đồng Lộc, Đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng lớn không quân gồm tất cả các loại máy bay hiện đại nhất tập trung đánh phá vào khu vực Ngã ba Đồng Lộc với tính chất hủy diệt. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, chúng đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20mm. Tổng số lần địch đánh vào Đồng Lộc trong 7 tháng của năm 1968 bằng tổng số lần chúng đánh vào toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 1965, với tổng số bom đạn gấp 2 lần. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất 103 lần, với trên 800 qủa bom các loại. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Kẻ thù muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành điểm chết, hoang tàn không cho người và xe qua lại. Trước tình hình đó, quyết tâm của ta là phải giữ vững mạch máu giao thông trên tuyến đường 15A, bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống.

Lực lượng Bảo đảm giao thông vận tải (GTVT) được huy động tối đa, gồm lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), bộ đội Công binh, Dân quân du kích (DQDK), Nhân dân địa phương và các đơn vị cơ giới của Bộ, của tỉnh, của huyện, có lực lượng rà phá bom mìn, có lực lượng san lấp hố bom, giải tỏa, ứng cứu giao thông. Lực lượng nòng cốt trong bảo đảm giao thông ở Đồng Lộc là đơn vị N55 - P18 TNXP gồm 7 đại đội, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm GTVT ở những vùng trọng điểm từ khu vực Khe Giao; Xuân Lộc; Eo Út; Mỹ Lộc; Nhân Lộc, Phú Lộc đến Đồng Lộc. Tổng số cán bộ, chiến sỹ TNXP N55 thường xuyên có khoảng 1.200 người. Ngoài lực lượng TNXP là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm GTVT còn có lực lượng bảo đảm GTVT tại chỗ của các địa phương, gồm xã Đồng Lộc và các xã vùng phụ cận Đồng Lộc. Phong trào làm GTVT được phát động rộng rãi trong toàn dân, lấy lực lượng thanh niên và DQDK làm lực lượng nòng cốt, xung kích, với phương thức địa phương nào có đường đi qua, địa phương đó chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và chủ động giải quyết hậu quả, không ỷ lại, trông chờ vào sự chi viện của trên. Tại các thôn xóm, mỗi gia đình đều sắm sửa các dụng cụ cần thiết và chuẩn bị trong vườn một khối lượng đất đá, cọc tre, tấp bổi dự phòng, sẵn sàng huy động để san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, giải tỏa giao thông khi có lệnh. Để hỗ trợ cho lực lượng TNXP, DQDK, Nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ giải tỏa giao thông, ngành GTVT đã điều động một số đơn vị bổ sung cho Đồng Lộc như Đội máy gạt Cục Công trình I Bộ GTVT, 4 đội công trình, 1 đội cầu, 2 đội xe cơ giới, 1 tổ máy ủi của Ty giao thông Hà Tĩnh, 1 đội công trình chủ lực của phòng giao thông Can Lộc. Lực lượng rà phá bom mìn có Tiểu đoàn 30 Công binh Quân khu 4, Tiểu đoàn Q4, Quân khu 3, 1 trung đội Công binh của tỉnh đội, 5 đội phá bom của Tổng đội 57 cùng với các tổ phá bom của DQDK các xã phụ cận Đồng Lộc. Lực lượng TNXP, bộ đội công binh và các đơn vị cơ giới của ngành giao thông là lực lượng chủ lực trong công tác bảo đảm giao thông, được bố trí ở các trọng điểm, sẵn sàng ứng cứu, giải tỏa giao thông ở các vị trí được phân công, đồng thời cơ động làm nhiệm vụ ở các nơi khác khi có lệnh. Phối hợp với lực lượng chủ lực, có lực lượng tại chỗ là DQDK và Nhân dân các địa phương. Vì vậy địch đánh vào chỗ nào cũng được khắc phục nhanh chóng, bảo đảm thông xe, thông tuyến trong mọi điều kiện. 

Lực lượng chiến đấu bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc có Trung đoàn pháo cao xạ 210, sư đoàn 367 của Bộ tư lệnh Phòng không Không quân, tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của tỉnh, 2 Trung đội súng máy cao xạ 12,7 ly của huyện đội Can Lộc, Thạch Hà, cùng hàng ngàn tay súng bộ binh của dân quân tự vệ các xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc và các xã vùng phụ cận. Lực lượng phòng không được bố trí tập trung ở các trọng điểm và rộng khắp trên toàn địa bàn, tạo thành lưới lửa dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, khiến cho máy bay địch không dám đánh thẳng vào các mục tiêu giao thông. Với cách bố trí hỏa lực phòng không như vậy, nên khi máy bay địch đang ở trên cao cũng bị đánh, xuống thấp cũng bị đánh, vào hướng nào cũng bị đánh, do đó tỷ lệ bom đạn đánh trúng đường ở Đồng Lộc đạt rất thấp. Đây là thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng để bảo đảm thông xe, thông đường nhanh chóng. 

Lực lượng phục vụ chiến đấu gồm các đơn vị thông tin của Quân khu, Tỉnh đội, Ty bưu điện tỉnh, hình thành mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy chiến đấu và bảo đảm GTVT từ Trung tâm chỉ huy đến tất cả các đơn vị.

Lực lượng điều hành phương tiện giao thông gồm có Binh trạm 9, Đoàn 559. Lực lượng cảnh sát Giao thông của tỉnh, của huyện Can Lộc cũng được điều động lên Đồng Lộc điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh khu vực Ngã ba Đồng Lộc. Tổng quân số toàn mặt trận lúc cao điểm nhất là 16.000 người với đủ các lực lượng, các thành phần tham gia thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm GTVT.

Trong cuộc chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, ác liệt này, tất cả các lực lượng đã dũng cảm, kiên cường, mưu trí sáng tạo trong chiến đấu đánh máy bay địch, rà phá bom mìn, sửa chữa đường, kịp thời chi viện cho chiến trường Miền Nam. Trong đó, Lực lượng TNXP là lực lượng xung kích, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và nguy hiểm nhất, với nhiệm vụ chính là lấp hố bom, bắc cầu, làm ngầm, làm đường vòng, đường tránh qua Ngã ba Đồng Lộc. Tiêu biểu có Đại đội TNXP 551, 552- N55 và các đội máy ủi, máy gạt của ngành GTVT là những đơn vị có nhiều cống hiến về trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu cho mặt trận GTVT. Những đóng góp của lực lượng TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc đã góp phần quan trọng bảo vệ con đường huyết mạch ra tiền tuyến, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam.

Một lực lượng quan trọng đóng góp có hiệu quả vào việc bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc là bộ đội phòng không, mà tiêu biểu là Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương và Trung đoàn 210, sư đoàn 367 Quân chủng PK-KQ. Gần 300 ngày đêm chiến đấu ở Đồng Lộc, Trung đoàn 210 đã đánh 1076 trận, bắn rơi 14 máy bay. Trong cuộc chiến đấu gay go quyết liệt đó đã có 122 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, 256 đồng chí bị thương. Ngay trong trận đánh đầu tiên, đơn vị đã bắn rơi tại chỗ một máy bay A40. Những ngày tiếp theo là những ngày đọ sức cam go, ác liệt giữa ta và địch. Gần 40% quân số đơn vị bị thương vong, nhưng cán bộ chiến sỹ đơn vị vẫn kiên cường bám trụ cùng các đơn vị bảo vệ giữ vững tuyến đường huyết mạch qua Đồng Lộc.

Để phục vụ chiến đấu và bảo đảm GTVT ở Ngã ba Đồng Lộc, Ty Bưu điện đã huy động tất cả các phương tiện tốt nhất cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi nhất bổ sung cho Đồng Lộc. Cán bộ nhân viên bưu điện Hà Tĩnh đã thường xuyên có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất để bảo đảm đường dây liên lạc đến các đơn vị luôn được thông suốt, có hàng chục cán bộ nhân viên bưu điện hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. 

Cùng với lực lượng chiến đấu, bảo đảm GTVT, các chiến sỹ công an cũng ngày đêm bám trụ tại Ngã ba Đồng Lộc làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh và điều khiển, xử lý giao thông. Tiêu biểu có tiểu đội CSGT do đồng chí Nguyễn Tiến Tuẩn chỉ huy. Suốt 7 tháng bám trụ ở Ngã ba Đồng Lộc, đơn vị đã xử hàng ngàn lượt xe bị sa lầy, dính bom bốc cháy, giải cứu hàng ngàn tấn hàng hóa, vũ khí phương tiện, góp phần cùng các đơn vị bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi điều kiện.

Quá trình chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc còn có sự đóng góp rất to lớn của nhân dân và lực lượng DQDK xã Đồng Lộc cùng các xã vùng phụ cận. Xã Đồng Lộc có đường 15 chạy qua, là một trong 5 xã nằm trên trọng điểm đánh phá của địch. Trong suốt 7 tháng địch tập trung đánh phá Đồng Lộc, xã đã huy động hàng chục ngàn ngày công, tham gia sửa chữa khắc phục cầu đường, thông xe, thông tuyến. Lực lượng DQDK xã thường trực suốt ngày đêm, sẵn sàng ứng cứu giao thông ở những nơi nguy hiểm nhất. Toàn xã có 33 gia đình tự phá nhà, lấp hố bom cho xe qua, 30 hộ di rời nhà đi nơi khác, dành đất để mở thêm đường tránh, có 107 người con của quê hương Đồng Lộc đã ngã xuống vì mục tiêu thông đường. Cùng với nhân dân Đồng Lộc, nhân dân các xã Trung Lộc, Mỹ lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Xuân Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc, Quang Lộc, Gia Hanh... cũng đã huy động hàng vạn ngày công cùng cơ sở vật chất, góp phần thông đường, thông xe trên trọng điểm Ngã Ba Đồng Lộc.

Địch quyết phá thì ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để quyết giữ cho bằng được con đường này. Trong suốt 7 tháng chiến đấu bảo vệ Đồng Lộc, lực lượng phòng không của ta đã ngăn chặn hàng trăm đợt tiến công của không quân Mỹ, bắn rơi 16 máy bay. Lực lượng bảo đảm giao thông đã phá hủy 1.780 quả bom nổ chậm, bom từ trường, huy động 974.240 ngày công để san lấp hố bom, làm đường mới từ Khiêm ích, Truông Kén, Bãi Dịa dài 6km. Quân dân xã Đồng Lộc và các xã vùng phụ cận đã góp 185.400 ngày công, với 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209m3 đất đá, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 con người đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến, có 465 cán bộ, chiến sỹ Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ, TNXP, Giao thông, Bưu điện đã anh dũng hy sinh cùng hàng trăm con người đã cống hiến một phần xương máu tại Ngã ba Đồng Lộc. Cũng trong cuộc chiến đấu khốc liệt đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: La Thị Tám, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, Nguyễn Tiến Tuẩn, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Đăng Dương, Võ xuân Tài, 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 TNXP... và còn rất nhiều người khác nữa mà chúng ta không thể nhớ được hết tên của họ. Chỉ biết rằng, những gì họ đã để lại là những chiến công xuất sắc làm nên sự tích anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc.

Ngã ba Đồng Lộc là bức tranh sinh động về sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam chiến thắng chiến tranh hiện đại của Đế quốc Mỹ. Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, nhưng vùng đất Ngã ba huyền thoại ấy đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá, ý chí kiên cường bất khuất, dũng cảm, mưu lược của quân và dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với quân thù có vũ khí hiện đại để giữ vững mạch máu giao thông, chi viện tiền tuyến trong những năm kháng chiến chống Mỹ.


    Ý kiến bạn đọc