Theo Quyết định số 091- QĐ/CP của Chính phủ ngày 16/01/2004, xã Sơn Kim 2 được tách ra từ xã Sơn Kim trước đây. Với đặc thù là một xã vùng biên nằm phía tây của huyện Hương Sơn, nhìn chung đời sống còn gặp nhiều khó khăn (kinh tế nông, lâm nghiệp chiếm trên 80%), nên đây cũng được xem là một trong những xã nghèo của huyện
Nhìn lại chặng đường 9 năm kể từ ngày chia tách xã đến nay, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn-Hà Tĩnh) đang từng ngày thay da đổi thịt với những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận trên nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó phải kể đến những thành tựu về xây dựng và phát triển kinh tế hết sức đáng ghi nhận như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá (15 đến 20%/năm); tổng sản lượng lương thực đạt 1.334,5 tấn (đạt 101,97%); trồng mới được 150 ha cây keo lai; tổng đàn trâu, bò lên 1431 con; quy hoạch được nhiều cụm dân cư và tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã; các mặt chính trị, an ninh - quốc phòng được giữ vững… góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 11.300.000đ/năm...
Đạt được những thành tựu trên là nhờ vào sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Kim 2, nhưng trong đó phải kể đến vai trò không nhỏ của những đoàn viên thanh niên, đảng viên trẻ - những người luôn hăng hái đi đầu trong việc tìm ra những cách làm hay, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
Chúng tôi lên thăm lại Sơn Kim2 vào những ngày đầu của tháng 3, đi thăm những mô hình kinh tế đồi rừng, trang trại chúng tôi mới thấy hết sự chịu khó, dám nghĩ dám làm của những thanh niên khao khát xây dựng cuộc sống ấm no cho gia đình và làng xóm. Tấm gương đầu tiên chúng tôi gặp là anh Đặng Văn Tình - đoàn viên, đảng viên, là một cán bộ trẻ ưu tú của xã Sơn Kim 2. Đến đây chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi trước mắt mình hiện ra những cánh rừng xanh bạt ngàn, đó là những cánh rừng keo lai nối dài tít tắp mà cách đây không lâu là những nương rẫy, bãi cháy và đồi trọc. Anh Tình kể lại: Trước kia, bãi đất hàng chục ha mà anh đang trồng keo này là khu đất đồi núi cao với độ dốc lớn, cây cối chủ yếu là cây tạp và cây chè rậm rạp. Trước tình hình đó anh đã mạnh dạn cùng gia đình nhận khoán để khai phá đất hoang trồng cây nguyên liệu giấy. Lúc đầu không có vốn, anh đã vay ngân hàng để mua giống cây ăn quả như cam, chanh trồng trên gần 2ha. Tuy nhiên gia đình anh vẫn không thoát nghèo vì thời gian cho thu nhập từ giống cây này khá dài, hơn nữa chất đất lại không thích nghi nên cây chóng tàn. Với sự năng động, chịu khó tìm tòi học hỏi, hơn nữa đặc thù công việc của một cán bộ phụ trách mảng văn hoá - xã hội của UBND xã nên được đi đây đi đó nhiều. Anh Tình nhận thấy tiềm năng thị trường tiêu thụ hàng hóa của kinh tế vườn rừng ngày càng lớn, sản phẩm vườn rừng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và đó chính là cơ hội để gia đình anh có thu nhập, anh đã tận dụng đất ven rừng trồng xen canh các loại cây nông nghiệp như lạc, đậu, cây ăn quả như cam, chanh... Lợi dụng diện tích đất rộng còn lại anh dùng cho việc chăn nuôi các loại gia súc gia cầm. Sau 3 năm, cây cam, chanh cùng một số cây ngắn ngày đã cho thu hoạch bước đầu từ 7 đến 10 triệu đồng trên năm. Với số tiền lãi thu được anh tiếp tục đầu tư để tái mở rộng sản xuất.
Anh Đặng Văn Tình trước rừng keo lai 03 năm tuổi |
Từ sự năng động, tháo vát của người chủ trang trại trẻ này nên hàng hàng năm đã đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định trên 150 triệu đồng /năm. Giờ đây cơ ngơi của anh và gia đình là một trang trại rộng lớn với hàng vạn cây nguyên liệu lớn nhỏ đan xen nhau cùng nhiều loại cây ăn quả đang đua nhau hồi sinh để không ngừng nâng tổng thu nhập của gia đình lên mỗi ngày. Thế nhưng khi tâm sự với chúng tôi anh Tình khiêm tốn cho biết: “Là một thanh niên của miền quê nghèo tôi luôn ý thức được rằng mình phải chủ động tìm lối đi cho mình và mọi người. Rất may là tôi được sự giúp đỡ của chính quyền xã, đoàn thanh niên… nên tôi quyết tâm tham gia cải tạo đất xây dựng mô hình trang trại được như bây giờ”. Chúng tôi biết rằng với những gì mà anh Tình làm được anh xứng đáng là một người cán bộ, đảng viên, đoàn viên điển hình tiên tiến để mỗi thanh niên chúng ta học tập, làm theo. Chính mô hình kinh tế của anh là một trong những minh chứng, lời nói thiết thực nhất cho hành động của thanh niên, của tuổi trẻ ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội đoàn các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề của thanh niên trong năm 2012 là “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”…vv
Như để minh chứng cho sức trẻ nơi đây, anh Tình còn đưa chung tôi đi thăm quan một số mô hình khác trong toàn xã; gặp gỡ và trao đổi với anh Phạm Quốc Hướng, đoàn viên chi đoàn thôn Khe Tre với mô hình chăn nuôi lợn thịt cho thu nhập mỗi năm lên tới 100 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi anh Hướng cho biết “… cũng học tập thế hệ các anh đi trước, qua các đợt tham gia sinh hoạt chi đoàn và các phong trào mà đoàn phát động đã giúp em có động lực, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để gây dựng nên trang trại như hôm nay, quả thực là một điều khó với chung em khi ở trên này, thanh niên đi buôn bán hoạc làm ăn bên nước bạn Lào thì dễ kiếm tiền và kiếm nhanh hơn, nhưng em nghĩ như vậy sẽ thiếu tính bền vững nên em quyết tâm làm trang trại”. Chia tay anh Hướng, chúng tôi đến thăm quan mô hình kinh tế VAC trong xã, theo anh Tình thì đây là một tấm gương điển hình cho việc nói đi đôi với làm - vì chủ trang trại này chính là anh Phong, một bí thư đoàn xã luôn năng nỗ, đi đầu trong các phong trào. Điều làm cho chúng tôi khá bất ngờ và khá thú vị đó chính là vể bề ngoài, với nước da đen sạm, sự rắn rõi, trông anh như già hơn trước tuổi đã làm cho suy nghĩ về một bí thư đoàn trắng trẻo, thư sinh… Tâm sự cùng chúng tôi anh nói “em đã làm được gì đâu anh, chỉ là công việc làm thêm ngoài giờ thôi, hơn nữa mình nói nhiều, vận động anh em đoàn viên làm kinh tế mà cá nhân mình chưa làm được gì thì ngại lắm, chẳng khác gì nói mà không làm..”. Thật đáng trân trọng không chỉ về suy nghĩ của một cán bộ đoàn mà còn thể hiện sự khiêm tốn của tuổi trẻ - Điều mà anh Phong nói là “…đã làm được gì đâu, chỉ là công việc làm thêm…” là một cơ ngơi hàng chục ha với mô hình VAC kết hợp giữa nuôi cá với chăn thả gia súc đã mang lại thu nhập hàng năm hơn 70 triệu đồng.
Chia tay anh Tình, chia tay mảnh đất vùng biên xã Sơn Kim 2 mà trong lòng mỗi chúng tôi trào dâng một cảm xúc mừng vui khó tả về những thành tích mà đảng bộ và nhân dân xã đã làm được; đặc biệt biệt là về những người cán bộ, thanh niên trẻ với bầu nhiệt huyết, sự năng đông, sáng tạo, chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm như anh Tình, anh Hướng, anh Phong… chúng ta tin tưởng về một vùng quê trù phú, giàu có vùng biên sẽ trở thành hiện thực, trong một thời gian không xa, tất cả nhờ vào sức trẻ hôm nay ./.
Tin mới cập nhật
- Hà Tĩnh: Hơn 39.000 đảng viên tham dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ( 21/10)
- Cơ quan - Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 ( 12/09)
- Lãnh đạo Trung ương Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ( 05/09)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường học ở Nghi Xuân ( 05/09)
- Quyết đáp lịch sử của Quốc hội và danh xưng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ( 02/09)
- Phát huy vai trò gắn kết đại biểu dân cử và cử tri ( 08/08)