Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò cơ quan dân cử địa phương
EmailPrintAa
07:41 17/01/2012

Bên cạnh những quyết sách và công cụ của Nhà nước được điều hành bởi Chính phủ, việc thực thi có hiệu quả, hiệu lực các quyền quyết định và giám sát của HĐND các cấp cũng tác động vào quá trình thực thi nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng mà QH đã quyết định. Vì thế, các cơ quan dân cử địa phương cần xác định rõ trách nhiệm nhằm đóng góp lớn hơn, hiệu quả hơn vào việc thực thi một chính sách lớn của đất nước

Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII đã quyết định tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và giai đoạn 2011 - 2015. Mục đích là hướng đến tính hiệu quả, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.

Là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, quyết định và tổ chức thực thi các quy hoạch, kế hoạch quan trọng của quốc gia và nắm trong tay những công cụ, nguồn lực cơ bản nhất của đất nước như tài chính - ngân sách, tín dụng - ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty... Chính phủ đương nhiên giữ vai trò then chốt trong việc thực thi nhiệm vụ này. Tuy vậy, với thực tiễn phân cấp quản lý nhà nước, quản lý nguồn lực ngày càng tăng giữa Trung ương và địa phương, HĐND các cấp cũng có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực thi quyết sách trên của Quốc hội. Thực tế cho thấy, mỗi khi Trung ương và địa phương cùng bước chung một nhịp, cùng hành động vì một mục tiêu, cụ thể ở đây là tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, thì khả năng thành công của quyết sách rất cao.

Thực tiễn phát triển kinh tế ở nước ta thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đó là hiệu quả của vốn đầu tư thấp (hệ số ICOR cao), nhất là vốn đầu tư công từ ngân sách và doanh nghiệp nhà nước; tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, thay vì hàm lượng tri thức và công nghệ cấu thành trong sản phẩm; môi trường sinh thái nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng do ô nhiễm nước, đất, khói bụi và tiếng ồn; không ít hoạt động kinh tế mang tính phong trào từng diễn ra ở nhiều địa phương đã bị phá sản, hoặc mang lại hiệu quả rất thấp như mía đường, sân bay, bến cảng. Hiệu quả sản xuất, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm, ngành hàng còn hạn chế. Sự liên kết giữa các địa phương trong từng vùng kinh tế trọng điểm còn lỏng lẻo, tính cát cứ, cục bộ vẫn còn. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước vốn đã hạn hẹp, lại còn bị bố trí dàn trải, phân tán... Những hạn chế, yếu kém đó có một phần trách nhiệm của cơ quan dân cử địa phương trong việc quyết định phân bổ nguồn lực cho các công trình, dự án, trong quản lý và giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên, trong việc ban hành và giám sát việc thực thi các chính sách, quy hoạch, kế hoạch của Trung ương và của địa phương trên địa bàn.

Tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng một mặt nhằm khắc phục những hạn chế hiện hữu và tiềm tàng của nền kinh tế, mặt khác hướng đến xây dựng một cơ cấu kinh tế mới thực sự hiệu quả, năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cao và bền vững hơn. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, trước tiên đòi hỏi phải có sự thống nhất về nhận thức của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, tiếp đến cần có sự cộng hưởng về hành động trong quá trình thực thi chính sách ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô.

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, mặt khác quản lý và quyết định gần 50% tổng nguồn đầu tư công của quốc gia nên các cơ quan này cũng giữ một vai trò quan trọng trong quá trình thực thi nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã được Quốc hội bàn định. Thông qua việc thực thi quyền quyết định các biện pháp, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn và quyền giám sát việc thực thi chính sách, chiến lược phát triển quốc gia trên địa bàn, HĐND các cấp trở thành một chủ thể quan trọng của quá trình tái cơ cấu kinh tế ở địa phương. Nếu HĐND của 63 tỉnh, thành phố đều thực hiện tốt nhiệm vụ này chắc chắn sẽ góp phần làm cho nền kinh tế cả nước mạnh hơn, hiệu quả hơn, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao hơn. Mặt khác, thông qua thực hiện quyền giám sát việc thực thi các chủ trương, biện pháp của quốc gia trên địa bàn, HĐND các cấp, nhất là HĐND cấp tỉnh trở thành một kênh thông tin phản hồi quan trọng đến Quốc hội và Chính phủ về tình hình, kết quả thực thi nhiệm vụ này.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở phạm vi địa phương, HĐND các cấp trước tiên cần thực hiện tốt việc quyết định kịp thời, đúng đắn quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, ngành, vùng trung, dài hạn và hàng năm trên địa bàn, đặt trong mối quan hệ với quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng miền và quốc gia. Trên cơ sở đó, mỗi cơ quan dân cử địa phương cần xác định, sắp xếp các chương trình, dự án trong từng lĩnh vực, từng địa bàn theo thứ tự ưu tiên làm cơ sở cho việc chỉ đạo, điều hành, thu hút vốn đầu tư cũng như quyết định phân bổ, bố trí nguồn lực hàng năm để thực hiện. Một khi HĐND xác định được căn cứ, định hướng, mũi nhọn phát triển và thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án để phân bổ nguồn lực sẽ giúp công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cùng cấp thuận tiện hơn, hạn chế tình trạng phát triển chắp vá, manh mún, đồng thời giúp HĐND các cấp dễ dàng thuận lợi hơn trong việc thực thi quyền giám sát, đánh giá nội dung này.

Trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch, biện pháp phát triển KT-XH ở địa phương, HĐND các cấp cần lấy thực tiễn tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn với liên kết vùng, khu vực làm điểm xuất phát, làm cơ sở của việc xem xét, ban hành các quyết định. Chẳng hạn, khi một tỉnh có thế mạnh về công nghiệp thì phát triển công nghiệp cần được xem là nền tảng trong cơ cấu kinh tế, có thế mạnh về dịch vụ thì dịch vụ phải đóng vai trò then chốt trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng… Lấy cải tạo, biến đổi thực tiễn cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng hiện hành trên địa bàn làm mục tiêu của các quyết sách và hành động; xem các tiêu chí phát triển nhanh, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh là căn cứ, thước đo trong mỗi quyết sách của HĐND. Có chính sách quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên địa bàn, kiên quyết từ chối, không chấp nhận các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lãng phí tài nguyên; tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Thực tiễn phát triển kinh tế của đất nước ta thời gian qua cho thấy, nơi nào tập trung đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa - kinh tế - chính trị của địa phương mình thì địa phương đó sẽ có sự đột phá trong phát triển. Sự phát triển du lịch nhanh chóng ở Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Quảng Ninh... là những ví dụ sinh động cho nhận định này.

Bên cạnh công tác quy hoạch, kế hoạch và hoạch định chính sách phát triển kinh tế ở địa phương, việc thực thi có hiệu quả quyền quyết định và phân bổ nguồn lực công theo phân cấp cần được xem là một công cụ cơ bản giúp HĐND các cấp thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở địa phương mình. Thông qua việc phân bổ nguồn lực công đầu tư cho các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực có lợi thế so sánh, HĐND các cấp một mặt đang thiết lập môi trường và cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật thuận lợi để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, mặt khác cơ quan này đang tiến hành các bước đi để hiện thực hóa quy hoạch, kế hoạch và cơ cấu lại mô hình tăng trưởng ở địa phương thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính nhà nước. Đầu tư của ngân sách nhà nước ở đây đóng vai trò như là nguồn vốn mồi để kích thích, thu hút các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các địa bàn, lĩnh vực dự kiến.

Giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư công và bảo đảm cho sự phát triển hiệu quả, bền vững ở từng địa phương là trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, HĐND các cấp cần phân bổ vốn ngân sách cấp mình thực sự tập trung vào các công trình, dự án cần kíp, cấp thiết, có tính lan tỏa, bố trí đúng thời điểm, trúng địa bàn, hạn chế thấp nhất tình trạng đầu tư dàn trải, dàn đều, ai cũng được hưởng một chút xíu nhưng không tạo thế và lực cho địa phương, cho đất nước xét về mặt tổng thể. HĐND các cấp cũng cần phân tích, cân nhắc kỹ các mặt lợi - hại, được - mất của từng công trình, dự án trước khi quyết định đầu tư; cần hướng đến tầm nhìn dài hạn và lợi ích tổng thể của địa phương, vùng, quốc gia thay vì tầm nhìn ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ hay lợi ích cục bộ khi quyết định đầu tư. HĐND cần có chính sách, biện pháp để giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa yêu cầu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường...

Bên cạnh những quyết sách và công cụ của Nhà nước được điều hành bởi Chính phủ, việc thực thi có hiệu quả, hiệu lực các quyền quyết định và giám sát của HĐND các cấp cũng có một tác động ý nghĩa vào quá trình thực thi nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng mà QH đã quyết định. Vì thế,  các cơ quan dân cử địa phương cần xác định rõ trách nhiệm nhằm đóng góp lớn hơn, hiệu quả hơn vào việc thực thi một chính sách lớn của đất nước hiện nay.


    Ý kiến bạn đọc